Phương pháp tổ chức sinh hoạt chi đoàn

By toan | 2 Tháng Bảy, 2022

1- Sinh hoạt chi Đoàn: là một buổi sinh hoạt về chính trị, thời sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn nhằm mục đích giáo dục của chi Đoàn.

2- Sinh hoạt chi đoàn có lợi ích gì cho đoàn viên?

+ Được cung cấp những thông tin cập nhật, bổ ích phù hợp với đặc điểm của đoàn viên giúp họ không bị lạc hậu so với sự phát triển của thời đại.

+ Được bày tỏ quan điểm, chứng kiến một cách dân chủ, công khai trước tổ chức, tập thể và thông qua đó đề đạt nguyện vọng đối với tổ chức Đảng, chính quyền, lãnh đạo đơn vị.

+ Giúp đoàn viên mạnh dạn, khéo léo trong ứng xử, giao tiếp; có nhiều bạn bè và các mối quan hệ xã hội sẽ giúp ích cho công việc của bản thân đoàn viên.

+ Được rèn luyện, thử thách trong môi trường tốt đẹp, có tổ chức, có định hướng, tránh sự lầm đường, lạc lối rơi vào tệ nạn xã hội và sự dụ dỗ, lôi khéo của các thế lực thù địch đi ngược chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước…

+ Giúp đoàn viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sống, làm giàu, học tập nâng cao trình độ, nâng cao tay nghề, sống có ích trong xã hội…

3- Công tác chuẩn bị cho một buổi sinh hoạt Chi đoàn.

3.1- Trước khi sinh hoạt Chi Đoàn:

- Bí thư Chi Đoàn chuẩn bị dự thảo nội dung và hình thức sinh hoạt. Các đánh giá kết quả thực hiện công tác của Chi đoàn trong tháng, định ra nội dung sinh hoạt kỳ tiếp theo.

- Họp ban chấp hành Chi Đoàn thống nhất về nội dung và hình thức sinh hoạt, phân công Ban chấp hành (chuẩn bị nội dung và điều khiển chương trình sinh hoạt). Tổ chức sinh hoạt và chuẩn bị các điều kiện cho buổi sinh hoạt (công tác hậu cần).

- Xác định thời gian, địa điểm sinh hoạt phù hợp với đặc điểm tình hình của Chi Đoàn.

- Thông báo cho Đoàn viên và gởi thư mời đại biểu (nếu có).

3.2- Trong khi sinh hoạt Chi Đoàn:

Tiến hành sinh hoạt Chi Đoàn cần đơn giản về hình thức, nghiêm túc về thái độ nhưng phải hấp dẫn, sinh động phù hợp tâm lý thanh niên. Người điều khiển cần tôn trọng Đoàn viên và thanh niên. Nội dung chính của nghị quyết phải được phân công cho từng cá nhân và yêu vầu thời gian hoàn thành. Trong sinh hoạt Chi Đoàn phải đảm bảo các tính chất: Tính giáo dục, tính tập trung dân chủ, tính chiến đấu, hấp dẫn, trẻ trung.

* Chương trình sinh hoạt phổ biến như sau:

- Ổn định tổ chức bằng một số tiết mục văn nghệ, điểm danh đoàn viên.

- Giới thiệu chủ toạ và thư ký.

- Đại diện BCH chi đoàn hoặc đoàn viên được phân công phụ trách chuyên đề trình bày nội dung sinh hoạt.

- Đoàn viên thảo luận.

- Đại biểu phát biểu (đối với cuộc họp có mời Đoàn cấp trên, cấp uỷ, chính quyền tham dự để chỉ đạo, định hướng các nội dung có liên quan).

- Chủ toạ tổng hợp ý kiến và kết luận.

- Thư ký thông qua biên bản, biểu quyết, kết thúc cuộc họp.

3.3 - Sau khi sinh hoạt Chi Đoàn:

- Cơ sở để đánh giá một buổi sinh hoạt Chi Đoàn có hiệu quả là Đoàn viên được bàn bạc, trao đổi dân chủ đi đến thống nhất chương trình hành động của Chi Đoàn và điều cần chú ý là: Sau buổi sinh hoạt Chi Đoàn mỗi Đoàn viên đều biết được nhiệm vụ của mình trong việc thực hiện nghị quyết của Chi Đoàn và phần việc của mình phối hợp với các cá nhân, bộ phận khác.

- Đồng chí Ban chấp hành Chi Đoàn phát huy vai trò lãnh đạo của mình, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở Đoàn viên trong việc thể hiện các công việc và nội dung đã đề ra trong buổi sinh hoạt Chi Đoàn.

4- Tổ chức các sinh hoạt thông dụng của Chi Đoàn

4.1. Hội nghị Đoàn viên:

- Hội nghị Đoàn viên (thường gọi là họp Đoàn viên) là hình thức sinh hoạt cơ bản, thường kỳ hay bất thường của Chi Đoàn. Ở đây Chi Đoàn tiến hành công tác giáo dục Đoàn viên (tiếp nhận, bàn và thảo luận những chủ trương của Đảng, chính quyền cùng cấp và Đoàn cấp trên), giải quyết những vấn đề thuộc nguyên tắc tổ chức của Đoàn (kết nạp đoàn viên mới, giới thiệu Đoàn viên ưu tú cho Đảng, xét kỷ luật Đoàn viên), đánh giá việc thực hiện những công việc đã làm, bàn và xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thời gian tới.

- Hội nghị Đoàn viên được tổ chức tốt, nghiêm túc sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn cơ sở.

4.2. Họp Chi Đoàn thường kỳ:

Điều lệ Đoàn quy định: Chi Đoàn họp thường kỳ mỗi tháng một lần. Đối với chi đoàn trên địa bàn dân cư ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, ở các đơn vị mà đoàn viên phân tán trên địa bàn rộng hoặc thường xuyên đi công tác khỏi địa bàn, cơ quan được cấp trên xác nhận thì ít nhất 3 tháng sinh hoạt 1 lần.

4.3. Tổ chức sinh hoạt Chi Đoàn chủ điểm:

Sinh hoạt chi đoàn chủ điểm là một phương thức giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên của tổ chức Đoàn nhằm thống nhất nhận thức trong đoàn viên về một vấn đề tư tưởng theo định hướng của Đoàn cấp trên hoặc các vấn đề thời sự chính trị, xã hội được nhiều đoàn viên quan tâm; thống nhất về mục đích, ý nghĩa, nội dung và phương pháp tổ chức một hoạt động chi đoàn trong một đợt hoạt động lớn của toàn Đoàn.

Yêu cầu đặt ra trong sinh hoạt chủ điểm là phải tạo được sự đối thoại dân chủ trong chi đoàn, tránh thông tin một chiều. Buổi sinh hoạt chủ điểm phải đạt được sự thống nhất để đi đến hành động, vì vậy, Ban chấp hành Đoàn phải có kết luận cụ thể đối với từng nội dung được trao đổi, tranh luận trong buổi sinh hoạt. 

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan