Tháng 8/2020, Nguyễn Hải Ly, 19 tuổi (Hà Nội) mới qua Mỹ và bắt đầu hành trình du học dù đã trở thành sinh viên của Đại học Dartmouth.
Thời gian ở lại Việt Nam, Ly chủ động trang bị thêm vốn sống, kiến thức và làm quen với văn hóa Mỹ thông qua việc tham gia các phòng Lab ở trường đại học với vai trò trợ lý nghiên cứu. Hải Ly cũng đăng ký học các lớp lập trình và kinh tế.
Ở tuổi 18, Nguyễn Hải Ly là thần tượng của nhiều học sinh trường Amsterdam khi giành đến 9 học bổng từ các trường đại học Mỹ với tổng giá trị 1,6 triệu USD (hơn 37,3 tỷ đồng). Trong đó, học bổng tại Đại học Amherst, trường top 2 nhóm Liberal Arts College (theo US News & World Report) đưa ra mức hỗ trợ tài chính cao nhất, với 321.500 USD cho 4 năm học.
Học bổng Đại học Colby (top 11 nhóm Liberal Arts College), Hải Ly được hỗ trợ 248.000 USD, đồng thời là một trong 10 ứng viên được chọn làm học giả Pulver (Pulver Scholar). Nữ sinh đồng thời được nghiên cứu tại các viện khoa học quốc gia hàng đầu của Mỹ. Một số trường học bổng khác như Đại học Drexel, Temple hay Purdue cũng trao cho Ly một số danh hiệu dành cho tân sinh viên.
Tuy nhiên, nữ sinh yêu thích nhất là Đại học Dartmouth thuộc nhóm Ivy League danh giá. Hải Ly đã nộp hồ sơ từ đợt tuyển sinh sớm nhưng phải chờ kết quả ở đợt tuyển sinh thường. Tháng 1/2020, cô viết thư thể hiện ước mơ muốn được học tại trường và nhận được thư chúc mừng trúng tuyển 2 tháng sau đó.
Ở tuổi 18, Hải Ly có 9 học bổng đến từ các trường đại học Mỹ. |
Ngôi trường Dartmouth, nơi Hải Ly sẽ gắn bó trong 4 năm tới xếp thứ 12 ở Mỹ (theo US News & World Report) và tỷ lệ chấp thuận du học sinh của trường chưa tới 9%. Chưa kể nơi đây có tới 164 sinh viên Dartmouth tham gia phục vụ cho Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực văn học và báo chí, Dartmouth đào tạo 8 người giành giải Pulitzer và có 3 cựu sinh viên từng nhận giải Nobel.
Vì thế khi nhận được thông báo trúng tuyển 300.000 USD của Đại học Dartmouth (khoảng 7 tỷ đồng) Hải Ly vỡ òa hạnh phúc. Đây cũng là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực và lộ trình săn học bổng rất khoa học mà cô vạch ra.
Ngay từ năm lớp 6, Hải Ly đặt mục tiêu học thật giỏi để du học. Sau khi thi đỗ khối chuyên Hóa, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nữ sinh được giáo viên giới thiệu tham gia nghiên cứu khoa học ở Viện nghiên cứu Y - Dược học quân sự của Học viện Quân y. Ở tuổi 16, Hải Ly là chủ nhiệm đề tài "Chế tạo và đánh giá bộ kit định lượng virus BK ở bệnh nhân ghép thận" cùng một bạn khác.
Những trải nghiệm trong quá trình làm khoa học giúp Ly định hình được nghề nghiệp tương lai và khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Cũng trong năm này, Hải Ly giành giải nhì cuộc thi Intel ISEF cấp quốc gia, giải khuyến khích môn Hóa trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và bắt đầu chuẩn bị hồ sơ du học. Cô dành hết trí lực cho việc học tập và không hôm nào ngủ trước 2h sáng.
Hải Ly tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội, vạch rõ lộ trình săn học bổng. |
Năm lớp 11, Ly đăng ký thi và đạt 1550/1600 SAT I. Với SAT II, Ly đạt 800/800 ở ba môn Toán, Lý, Hóa, điểm TOEFL là 113/120. Điểm tổng kết hai năm lớp 10, 11 của Ly đạt 9,7 và 9,8 cùng nhiều thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa là lý do giúp Hải Ly gây ấn tượng với các nhà tuyển sinh ở Mỹ.
Sau hai năm chuẩn bị, bắt đầu năm lớp 12, Ly bắt đầu lên ý tưởng cho bài luận. Ở độ tuổi 18, Hải Ly khiến nhiều nhà tuyển sinh thán phục khi lựa chọn đề tài cho khóa luận viết về chính con người mình ở phòng thí nghiệm, ở câu lạc bộ tranh biện, tổ chức trại hè, hội chợ khoa học hay khi diễn thuyết ở các cuộc thi.
"Em tự thấy bản thân cũng giống virus, nhỏ bé nhưng có sức ảnh hưởng to lớn và không ngừng tiến hóa", Ly nói.
Ly cũng có một bài luận nữa nói về nữ quyền trong văn hóa, xã hội Việt Nam hiện đại để thể hiện tiếng nói của bản thân. Em đặt vấn đề tại sao con gái không thể làm những điều to lớn? Tại sao những bạn nữ luôn gặp phải ánh nhìn thương cảm khi tham gia các cuộc thi khoa học? Chỉ cần yêu thích và theo đuổi đến cùng, ai cũng có thể đạt được mục đích của mình.
Bí quyết săn học bổng của cô bạn là kiên trì, nỗ lực đến cùng. |
Chia sẻ về bí quyết săn học bổng, Hải Ly cho biết, ứng viên nên thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Việc chuẩn bị hồ sơ du học cũng cần được thực hiện sớm và kiên trì theo đuổi mục tiêu. Đồng thời ứng viên cùng cần nâng cao vốn ngoại ngữ, tích lũy kiến thức và lựa chọn chủ đề khóa luận thật tốt.
Theo Zingnews