>> Amser xuất sắc đoạt Huy chương Vàng tại Olympic Vật lý Châu Âu 2020
10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Thủ đô năm 2020 là những gương mặt trẻ được lựa chọn từ các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học; lao động sáng tạo - phát triển kinh tế; văn hóa - nghệ thuật; an ninh trật tự, tình nguyện vì cộng đồng…
Ban tổ chức cho biết, Lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2020 cùng Lễ mít tinh kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2021) sẽ diễn ra vào ngày 20/3 tới tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội).
Danh sách 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Thủ đô năm 2020:
Nguyễn Mạnh Quân (sinh năm 2003), học sinh lớp 12 Lý 1, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, sở hữu Huy chương vàng kỳ thi Olympic vật lý châu Âu EUPHO 2020; Huy chương vàng Olympic thiên văn và vật lý thiên văn quốc tế năm 2019 tại Hungary; Huy chương vàng Olympic khoa học trẻ quốc tế năm 2018… |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Chiến Thắng (sinh năm 1987), giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Đây là một trong bốn Phó Giáo sư trẻ nhất năm 2020, anh đã có 42 bài báo khoa học được công bố ở trong và ngoài nước. |
Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1988), Giám đốc Hợp tác xã Tâm An (huyện Thường Tín, Hà Nội), người xây dựng phát triển sản phẩm bột rau củ sấy lạnh đạt tiêu chí Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 4 sao. Chị vinh dự được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019. |
Trung úy Vũ Ngọc Hoàng (sinh năm 1992), công tác tại Công an quận Đống Đa, vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần VI - năm 2020 của Trung ương Đoàn. Trung úy Vũ Ngọc Hoàng cùng đồng đội đã tham gia khống chế và dập tắt hoàn toàn đám cháy trong vụ cháy ngày 10-9-2019 tại phố Núi Trúc, quận Ba Đình, đồng thời là người trực tiếp cõng nạn nhân từ tầng 4 xuống mặt đất an toàn. |
Tiến sĩ Lưu Thế Lợi (sinh năm 1991), Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Kyber Network, một giao thức thanh khoản phi tập trung có vai trò cung cấp các ứng dụng khác nhau gồm sàn giao dịch, các quỹ dự trữ và các ứng dụng tài chính khác. Đến nay, hơn 20 công ty blockchain và các dự án đã được hưởng lợi từ các nghiên cứu của Tiến sĩ Lưu Thế Lợi; giá trị của các công ty này lên đến hàng chục tỷ USD… |
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Anh Đức (sinh năm 1989), Khoa Sản (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), có nhiều đề tài, sáng kiến kỹ thuật về sản khoa được nghiệm thu và ứng dụng. Anh đã tham gia và phát triển "Chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản cho các em học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận" thông qua chuỗi chương trình "Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cùng bé lớn khôn"; tổ chức các hoạt động từ thiện, đỡ đầu làng trẻ mồ côi SOS; viết đơn tình nguyện tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19… |
Cầu thủ Đỗ Hùng Dũng (sinh năm 1993), là tiền vệ trung tâm Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội,chủ nhân của Quả bóng vàng Việt Nam năm 2019. |
Kỹ sư Trần Trung Hiếu (sinh năm 1992), Giám đốc sáng lập và điều hành Công ty cổ phần TopCV - Tuyển dụng trực tuyến. Nền tảng của công ty với gần 2.000.000 dữ liệu người dùng là nền tảng tạo dựng CV (hồ sơ ứng tuyển) phổ biến nhất hiện nay, với 698.390 CV nổi bật được tạo ra, 10.389 nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên hằng ngày, hỗ trợ 590.125 ứng viên tìm được công việc phù hợp với năng lực và sở thích. Đặc biệt, đây là cá nhân khởi nghiệp có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong việc tìm việc làm miễn phí cho thanh niên; xây dựng nền tảng công nghệ giúp kết nối hơn 3 triệu người Việt Nam trẻ tìm kiếm công việc phù hợp, mỗi tháng kết nối hơn 180.000 người với cơ hội việc làm. |
Thạc sĩ, Nghiên cứu viên Ứng Thị Hồng Trang (sinh năm 1987), Khoa Vi rút (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương). Ứng Thị Hồng Trang tham gia công tác phòng, chống các dịch bệnh mới nổi, các bệnh lây truyền từ động vật sang người tại Việt Nam như: Cúm gia cầm độc lực cao, Ebola và gần đây nhất là dịch bệnh do vi rút SARS-CoV-2 gây ra. Chị trực tiếp thực hiện việc lấy mẫu, xét nghiệm các ca bệnh; xét nghiệm khẳng định các trường hợp nghi ngờ từ tuyến dưới hoặc của các bệnh viện gửi tới; nuôi cấy và phân lập thành công vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 2-2020, giúp Việt Nam trở thành một trong 5 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập thành công vi rút SARS-CoV-2. |
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc (sinh năm 1990), Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Là bác sĩ cách ly điều trị trực tiếp, tham gia chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, anh cùng với nhân viên trong khoa đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Nhờ đó, toàn bộ các bệnh nhân vào Khoa Hồi sức tích cực đã được điều trị khỏi bệnh. Kết quả này có ý nghĩa rất lớn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chống dịch của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương nói riêng và cả nước nói chung. |
Theo báo Lao Động
>> "Siêu nhân trường Ams" trúng tuyển đại học công nghệ số 1 thế giới