>> Quyết định 839/QĐ-UBND ngày 19 tháng 02 năm 2021 - Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội
1. Đăng ký thi trường công phải có sổ hộ khẩu Hà Nội
Tại kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội năm 2020, không có yêu cầu bắt buộc học sinh hoặc phụ huynh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội khi đăng ký thi trường THPT công lập không chuyên.
Tuy nhiên, trong kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 ban hành kèm Quyết định số 839/QĐ-UBND nêu rõ, điều kiện dự tuyển vào trường THPT công lập không chuyên là học sinh hoặc bố (mẹ) của học sinh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.
2. Học sinh phải thi 4 môn, môn cuối cùng sẽ thông báo vào tháng 3
Năm nay, theo kế hoạch tuyển sinh năm 2021, học sinh dự thi các trường THPT công lập không chuyên sẽ tổ chức 04 bài thi độc lập, bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư (Năm 2020 chỉ thi 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ).
Đáng chú ý, bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lí.
Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn (thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường trung học cơ sở).
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố chọn bài thi môn thứ tư vào tháng 3.2021.
3. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng sau khi đăng ký
Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển vào ba trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3. Trong đó, NV1, NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú, NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Sau khi đã đăng ký, học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển.
Dự kiến ngày thi:
Dự kiến lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội năm học 2021-2022. Ảnh: TVL
4. Hình thức và thời gian thi
Các bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/bài thi.
Bài thi môn Ngoại ngữ và bài thi môn thứ tư thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút; có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc: 02 thí sinh liền kề không trùng mã đề; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả bài thi của thí sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.
Nếu thí sinh chỉ có nguyện vọng thi chuyên (không có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập không chuyên) thì không phải dự thi môn thứ tư vào sáng 30.5.2021.
5. Cách tính điểm và nguyên tắc xét tuyển theo nguyện vọng
Điểm xét tuyển = (Điểm bài thi môn Toán + Điểm bài thi môn Ngữ văn) x2 + (Điểm bài thi môn Ngoại ngữ + Điểm bài thi môn thứ tư) + Điểm ưu tiên
- Học sinh trúng tuyển NV1 không được xét tuyển NV2, NV3. Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm.
- Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2,0 điểm.
- Khi hạ điểm chuẩn cho phép nhận học sinh có NV2, NV3 đủ điều kiện trúng tuyển.
6. Lưu ý học sinh thi vào lớp 10 trường chuyên
Năm 2021-2022, Hà Nội tiếp tục tổ chức kỳ thi để tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT chuyên bao gồm: THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây.
Điều kiện để học sinh thi vào các trường chuyên là bố mẹ có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Học sinh xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học các lớp cấp THCS từ khá trở lên; tốt nghiệp THCS loại khá trở lên. Học sinh các tỉnh phía Bắc từ Thanh Hoá trở ra, có kết quả học tập cả năm học lớp 9 xếp loại giỏi, hạnh kiểm tốt và đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh được đăng ký dự tuyển vào trường chuyên THPT Chu Văn An.
Mỗi thí sinh được đăng ký NV dự tuyển vào các lớp chuyên của 2 trong 4 trường chuyên kể trên. Học sinh có thể đăng ký NV vào cùng một môn chuyên của 2 trường nhưng phải xếp theo thứ tự ưu tiên là NV1, NV2. Học sinh có thể đăng ký NV vào các môn chuyên khác nhau của 2 trường với điều kiện buổi thi của các môn chuyên không trùng nhau.
Để có suất học trường chuyên, thí sinh sẽ cạnh tranh nhau qua 2 vòng loại. Vòng 1 là vòng sơ tuyển. Căn cứ vào các tiêu chí được quy đổi ra điểm như: kết quả tham gia các hoạt động xã hội, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của tỉnh, toàn quốc, khu vực và quốc tế. Điểm cho mỗi giải thưởng được tính: giải Nhất quy ra 5 điểm; Nhì 4 điểm; Ba 3 điểm; giải Khuyến khích được 2 điểm.
Kết quả xếp loại học lực 4 năm cấp THCS, mỗi năm xếp loại học lực giỏi được quy ra 3 điểm, khá 2 điểm.
Khi đó, điểm sơ tuyển được tính bằng công thức: điểm thi học sinh giỏi, thi tài năng cộng điểm xếp loại học lực 4 năm cấp THCS, cộng điểm kết quả tốt nghiệp THCS. Những thí sinh lọt vào vòng 2 phải là những em có điểm sơ tuyển từ 10 điểm trở lên.
Vòng 2, thí sinh sẽ thi tuyển bằng các bài thi. Mỗi thí sinh sẽ dự thi 3 bài thi trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập không chuyên và bài thi chuyên theo nguyện vọng. Trong đó, bài thi môn chuyên tính hệ số 2.
Đề thi môn chuyên, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sẽ áp dụng hình thức tự luận gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục THCS hiện hành, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 đảm bảo các cấp độ: thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao. Riếng môn Ngoại ngữ, thí sinh sẽ áp dụng thi hình thức tự luận và trắc nghiệm để đánh giá các kỹ năng nghe, đọc, viết.
Học sinh trúng tuyển xác nhận nhập học vào trường từ ngày 19 đến 21/6. Thí sinh nộp hồ sơ nhập học tại trường.
Học sinh trúng tuyển trường THPT chuyên phải học hết cấp THPT, trường hợp đặc biệt phát sinh phải chuyển trường, chuyển lớp phải được sự đồng ý của Giám đốc Sở GD&ĐT.
Tổng hợp (Tiền Phong, Lao Động)