Cô Đỗ Tú Oanh
PV: Cô có thể giới thiệu qua về bản thân mình cho mọi người cũng biết được không ạ?
Cô với con, cũng như với trường có một cái duyên với nhau. Cô là cựu Amser 85-87. Sau đó cô vào Đại học Sư Phạm vì năm đó cô được giải nhì HSG Quốc Gia và được tuyển thẳng. Đến năm thứ 4 thì cô về giảng dạy kiến tập tại trường mình rồi quay lại học tiếp Thạc sĩ ở Trường Đại học Sư phạm. Sau đó cô trở về trường mình và cô giảng dạy ở trường mình từ năm 1995 cho đến nay.
PV: Cô đã gắn bó với trường lâu như vậy, vậy thì điều gì ở Ams đã khiến cô ấn tượng về nơi này nhất ạ?
Mọi người hay ngay cả con cũng trải qua tâm trạng háo hức khi thi vào Ams. Vậy thì cô sẽ hỏi lại con, điều gì khiến con khát khao đặt chân đến Ams đến như vậy?
PV: Con thưa cô, đó chính là tinh thần Amser: đoàn kết, năng động, sáng tạo. Điều đó làm con khát khao được trở thành một phần của nơi này.
Đối với các con, đó là sự mong muốn, khát khao được chiếm lĩnh những đỉnh cao mới, được khẳng định mình. Và Ams là nơi cho bọn con toả sáng nhất. Nhưng đối với cô và các thế hệ đi trước, Ams còn là nhà. Ở đây bao giờ cũng tìm thấy những gì rất là ấm áp, gần gũi. Ams là tuổi thơ của cô, là tuổi trưởng thành của cô, là tuổi hoa niên của cô, là các thế hệ học sinh đã từng gắn bó, là vui, là buồn, là rất rất nhiều những kỉ niệm, là máu thịt, là nơi cô đã sống một thời tuổi trẻ.
PV: Cô có thể kể lại một kỉ niệm mà cô nhớ nhất ở Ams được không ạ?
Kỉ niệm thì nhiều lắm. Kỉ niệm của bọn cô là những kỉ niệm ngày đầu tiên: khi bọn cô về trường Ams ở phố Nam Cao, trong mắt các học sinh khác ở Hà Nội thì đấy là một ngôi trường đặc biệt vì kiến trúc hoàn toàn khác. Nó không cổ kính như Chu Văn An hay Việt Đức. Trường Ams ở phố Nam Cao lúc bấy giờ là hiện đại lắm, kiến trúc rất mới mẻ, nhưng cô không thể tưởng tượng ra những ngày đầu tiên lại vất vả như thế. Tuy là vất vả nhưng lại cực kì vui. Bọn cô đã tự tay vận chuyển từng cái bàn từng cái ghế lên lớp học. Con những ngày trước đó, bọn cô phải ngồi khoanh chân ở 1 hành lang và phải kê vở lên để viết. Đó là những ngày rất là thiếu thốn, nhưng lại rất ấn tượng bởi vì học cùng với bụi, bảng đen không có, phấn cũng chưa kịp đến nhưng các thầy cô đã giảng với tất cả sự đam mê và hăng say. Điều này đã mang theo cùng thời gian như một truyền thông của trường Ams. Các thầy cô ở Ams, mỗi người một cá tính, một cách giáo dục khác nhau, nhưng trên hết thảy là tình yêu đối với học trò. Phần lớn người ta nói các thầy cô ở trường Ams đều yêu học sinh với một tình yêu rất là đặc biệt. Cô luôn nói với đồng nghiệp và các thầy cô giáo mới vào rằng: “Các thầy cô, khi về Ams, thì tài năng có thừa rồi. Nhưng quan trọng nhất là nếu không yêu được học sinh như con, thì phải thương học sinh như cháu của mình.” Cô sẽ mang trái tim nhiệt thành của học trò Ams, tài năng vô đối của học trò Ams. Nhiều lúc các con làm cô rất bất ngờ vì các con không có một giới hạn nào cả. Và có một thứ cô nhất định sẽ đem theo trong hành trang của mình, đó là tình yêu với Ams và niềm tự hào với các con.
Cô Đỗ Tú Oanh bên cạnh các cô giáo của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam
PV: Điều gì ngay từ đầu đã mang cô đến với văn chương ạ?
Cấp 1 cô học chuyên toán, văn chương đến với cô từ cấp hai khi cô được vào đội tuyển văn của trường cấp 2 Chu Văn An, sau đó thì thi đỗ vào trường Ams. Từ đầu thì cô không định làm giáo viên đâu, cô chỉ yêu văn chương, thích văn chương, nhưng cô lại không thích những gì quá lãng mạn mà thích sự logic, chặt chẽ. Trong tiềm thức của mình cô luôn muốn trở thành một luật sư nhưng dòng đời đưa đẩy, xoay vần, mọi người nói là “nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề”. Rồi cuối cùng cô lại nhận ra đây là cái duyên, là số phận của mình.
PV: Cô tâm đắc nhất điều gì trong quá trình đi truyền cảm hứng văn chương ạ?
Trong cách đọc hiện đại, nhiều khi có cái đồng sáng tạo giữa người sáng tác và độc giả. Dạy văn cũng thế! Các con được các thầy cô giáo thổi hồn cho và truyền lửa cho bằng chính cảm xúc của thầy cô, nhưng cảm xúc đó phải giao thoa với nhau, đồng điệu với nhau. Với cô, dạy văn cũng là tìm đến với những tâm hồn đồng điệu trong học sinh. Nhưng bên cạnh đó, có một điều cô tâm đắc khi dạy văn là không bao giờ để cho học sinh chỉ nhìn thấy thầy cô, mà học sinh phải nhìn thấy mình trong đó. Cô luôn quan trọng việc phát hiện bản sắc riêng và nuôi dưỡng bản sắc riêng của học trò và giúp học sinh đi học mỗi ngày là một ngày vui.
PV: Sắp tới là 20/11, cô có suy nghĩ hay mong muốn gì về ngày lễ này không ạ?
Đây là ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam, để tôn vinh, tri ân các thầy cô. Cô cũng muốn được gặp lại thầy cô, bạn bè và cái vòng tay yêu thương của Ams sẽ nối dài mãi ra. Đó sẽ là thời khắc để cùng ngồi lại với nhau và nhớ lại những kỉ niệm.
PV: Cô có muốn gửi lời chúc gì tới cho các thầy cô, đồng nghiệp và thế hệ nhà giáo tương lai không ạ?
Lời chúc đầu tiên có lẽ là lời chúc sức khỏe, mong các thầy cô còn khỏe mãi, luôn toát ra thần thái của các thầy cô ở Ams bởi vì đó là phong cách rất riêng của các thầy cô trường Ams. Phong độ là nhất thời nhưng đẳng cấp là mãi mãi. Đẳng cấp của các thầy cô đi trước nó thật sự là cái bóng đổ xuống bọn cô. Bên cạnh đó, cô cũng gửi lời chúc tới các cô giáo trẻ trường Ams là đừng bao giờ quên đi nguồn mạch của mình, đừng bao giờ quên đi quá khứ. Mình sống trong hiện tại, vững bước trong tương lai nhưng những giá trị trong quá khứ thì vẫn phải trân trọng và gìn giữ để nó còn mãi.
PV: Thay mặt các bạn con xin cảm ơn và xin chúc cô có một ngày 20/11 thật vui vẻ và đáng nhớ ạ!
Cũng nhân đây, chúng con xin chúc các thầy cô luôn vui tươi, hạnh phúc, khỏe mạnh và gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người của mình!
Phóng viên: Tô Hà Anh - Văn 2023