Chị Hồ Thị Mai Trang duyên dáng tà trong tà áo dài trắng
PV: Xin chào chị Mai Trang, lời đầu tiên Ams Wide Web xin được cảm ơn chị đã dành thời gian tham gia cuộc phỏng vấn của chúng em. Trong bảy ngày 20 tháng 11 dưới mái trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, đâu là ngày 20 tháng 11 mà chị cảm thấy ấn tượng nhất?
Mai Trang (MT): Ngày 20 tháng 11 đáng nhớ nhất của chị là ngày 20 tháng 11 năm 2013 - năm chị đang học lớp 9. Không biết năm nay trường mình còn làm báo tường không, hồi đó năm nào bọn chị cũng có cuộc thi báo tường. Năm đó lớp chị làm báo tường bằng cách in rất nhiều ảnh dán lên một tờ giấy A0 tạo thành một trang facebook của lớp. Ý tưởng đấy không mới nhưng nó rất phù hợp với lớp chị vì lớp chị không có nhiều người viết được văn hay mà cũng không có nhiều bạn nữ khéo tay. Báo tường chỉ làm trong vòng một ngày thôi nhưng cả lớp túm năm tụm ba vào cùng nhau làm, rất vui. Báo tường lớp chị đã đạt giải Nhất, báo tường năm đó được trưng bày dọc trục đa năng, như một triển lãm vậy.
PV: Qua những ngày 20 tháng 11 đó, chị đã học được những điều gì và cảm thấy mình trưởng thành lên như thế nào?
MT: Trước đây chị chỉ thấy ngày 20 tháng 11 là ngày bố mẹ chúc mừng thầy cô thôi. Đương nhiên bọn chị cũng phải tổ chức văn nghệ, nhưng là một học sinh cấp một, chị chưa cảm thấy ngày Nhà giáo Việt Nam có gì quá ý nghĩa. Càng lớn lên chị càng hiểu được tầm quan trọng của ngày 20 tháng 11, vì dưới mái trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chị gặp được những thầy cô đúng nghĩa là “người mẹ thứ hai”. Giống như việc ai cũng viết được chữ “người mẹ thứ hai” khi viết văn miêu tả người thầy cô kính yêu hồi còn học Tiểu học, nhưng đến khi lớn lên rồi mới thấu hiểu ý nghĩa của bốn từ đấy. Chị nhận ra là một thầy cô tuyệt vời không phải là người dạy cho mình quá nhiều kiến thức mà là người để lại cho mình những bài học về cuộc sống mà mình sẽ không bao giờ quên được.
Còn chị trưởng thành như thế nào, có lẽ rõ nhất là ở việc, muốn đi học chỉ để gặp thầy cô và các bạn, kể cả tiết học mình không thích. Em biết đấy, học sinh thì nhiều khi ghét môn này thích môn nọ, nhưng mà khi chị lớn hơn thì chị thích đến trường, chỉ vì chị nhớ mọi người thôi.
Một thời học sinh hồn nhiên, trong sáng dưới mái trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam
PV: Được biết chị đã lựa chọn theo học ngành Kinh tế - Giáo dục tại Đại học Purdue, Mỹ, phải chăng có một người giáo viên nào đó đã truyền cảm hứng cho chị theo đuổi một ngành học liên quan đến Giáo dục? Chị có thể chia sẻ đôi điều về người giáo viên đáng kính ấy?
MT: Cái này đúng rồi, chị muốn học giáo dục vì nhiều lý do - vì qua những hoạt động của chị ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chị cảm thấy chị rất thích việc truyền đạt lại những gì mình biết, và chị cũng cảm thấy chị rất hợp với việc tiếp xúc với người nhỏ tuổi hơn mình. Và vì cô giáo Nguyễn Thị Thanh Bình - giáo viên chủ nhiệm của chị năm lớp 8 và lớp 9. Thật sự thì chị viết về cô nhiều lắm rồi, trên Ams Wide Web, trong những bài văn năm lớp 10, và trong Những ngày cuối - album về những ngày cuối cùng ở Ams của chị. Và nếu giờ muốn viết thì chị cũng vẫn sẽ viết được rất dài. Cô cho chị hiểu được tình thương có thể thay đổi một con người như thế nào, em có thể nghe rất nhiều người nói về điều đó nhưng không phải ai cũng làm cho em hiểu được và thấy được hành động vô cùng chân thành của họ. Cô truyền sức mạnh cho chị vượt qua rất nhiều điều những năm lớp 8, lớp 9 chị đã trải qua, và sau này chị biết là vì bảo vệ chị, thương chị, nên cô cũng đã phải chịu đựng rất nhiều thứ. Trên hết cô là người duy nhất ủng hộ chị theo đuổi ước mơ vào năm lớp 9, cô là người duy nhất khiến cho chị tin bản thân tới vậy. Đến giờ mỗi khi cảm thấy mình không đủ mạnh mẽ, hoặc không đủ sức lực, hi vọng và niềm tin vào bản thân để trưởng thành và vững bước trên đường đời, tất cả những gì chị cần thật sự chỉ là một buổi về nói chuyện với cô. Ngay sau đó, chị sẽ cảm thấy như được tăng thêm rất nhiều sức mạnh để quay lại tiếp tục những dự định còn dở dang. Lớn lên rồi chị nhận ra là người ta cần một bến bờ để trở về, một bản lề để nhắc nhở bản thân về giá trị của chính mình, cốt lõi của chính mình. Với chị, bên cạnh cô là nơi an nhiên nhất, ấm áp nhất.
Mai Trang luôn được tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện bản thân thông qua những hoạt động ngoại khóa
PV: Đã bao giờ chị nghĩ đến việc sau khi tốt nghiệp sẽ quay trở về Việt Nam, đặc biệt là quay trở lại mái trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam để cống hiến dưới một vai trò mới - một giáo viên?
MT: Thật sự thì đấy là ước mơ của chị. Chị muốn về trường và gắn bó thêm nhiều năm nữa vì chị thấy bảy năm là quá ngắn. Hơn một năm xa trường, xa Hà Nội, lòng chị luôn hướng về đây. Chị nhận ra là tất cả những gì chị có ngày hôm nay đều bắt đầu từ đây. Tất cả những tính cách bây giờ của chị, đều được tạo nên ở đây. Ams, có nghĩa là ngôi trường năm héc-ta màu cam, từng cành cây ngọn cỏ, nhưng cũng có nghĩa là những con người ở đó - những Amsers mọi khóa, hay những thầy cô, những bác lao công, bác bảo vệ. Không có Ams thì không có chị bây giờ, nên chị biết ơn Ams nhiều lắm. Điều gì xảy ra cũng có lý do của nó, và đối với chị việc chọn Ams ngày cấp hai đúng là một định mệnh tuyệt vời nhất. Chị thấy chị còn nợ Ams nhiều điều và chị muốn trở về cống hiến, đóng góp thêm nhiều nữa, dù chỉ là trên tinh thần thôi. Vì thế nên mặc dù đi du học, và thật ra ngành của chị không hoàn toàn là đi dạy, nhưng chị sẽ luôn cố gắng hướng bản thân mình về cái đích cuối cùng là trở về Ams, làm đồng nghiệp của những thầy cô mình rất kính trọng, mỉm cười từ xa mỗi khi thấy các em khối chuyên Lý - khối chuyên chị đã dành cả ba năm cấp ba để cống hiến và để yêu, hay hòa mình vào những tiếng hô của Ngày Hội Anh Tài. Nếu chị làm được, và chị thật sự mong là chị làm được, dù rất khó, thì chị nghĩ là không có gì hạnh phúc hơn.
Tình yêu mái trường thể hiện qua tình yêu dành cho khối chuyên Lý
PV: Từ phương xa, chị có muốn gửi lời chúc, hay lời nhắn nhủ gì đến các thầy giáo, cô giáo và cán bộ, công nhân viên đang công tác tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam?
MT: Thật ra chị muốn nói nhiều điều lắm. Khi đi xa rồi, mình có nhiều “giá như” lắm, trân trọng những điều cũ lắm. Với các em còn ở Ams, chị chỉ muốn nói rằng hãy trân trọng từng giây phút được ở bên cạnh các thầy cô dưới mái trường này. Lên Đại học, hay là ở bất kì nơi đâu, các em cũng sẽ khó lòng có thể gặp được những người thầy cô quan tâm tới các em nhiều đến vậy, ủng hộ các em sống đúng là chính mình như vậy, vui vẻ, tâm lí, và hiểu cho các em nhiều đến vậy.
Vì thế nên nhân dịp ngày 20 tháng 11, ngày Nhà giáo Việt Nam, con xin kính chúc các thầy các cô, các bác cán bộ công nhân viên chức trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam sức khỏe dồi dào, an lành và hạnh phúc. Học sinh chúng con đôi khi vô tâm, đôi khi quá nghịch ngợm, nhưng chúng con thật sự rất thương và biết ơn các thầy các cô, đặc biệt là khi xa trường rồi. Chúng con xin lỗi nếu đã từng làm thầy cô buồn, khóc, chúng con xin lỗi vì đã có nhiều sai lầm làm các thầy cô phiền lòng và thất vọng. Mong rằng thầy cô và các bác sẽ có một ngày 20 tháng 11 tràn đầy niềm vui.
Thay mặt các cựu học sinh, con mong các thầy các cô và các bác, sẽ luôn công tác thật tốt, sẽ có thêm nhiều học sinh tuyệt vời, có thêm nhiều thời gian tuyệt vời dưới mái trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Chúng con nhớ các thầy các cô, các bác và trường Ams rất nhiều.
Cảm ơn những chia sẻ hết sức chân thành của chị. Hi vọng rằng, với hành trang vững chắc là rất nhiều điều đã học hỏi được từ mái trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam dấu yêu, và biết bao những tin yêu thầy cô đã dành cho chị và các thế hệ học sinh đã cất cánh bay xa, chị sẽ tiếp nối những thành công của mình, hiện thực hóa những mục tiêu lớn, mãi tự hào là một Amser. Thay mặt Ams Wide Web, chúng em xin chúc chị sức khỏe và luôn thành công!
PV: Minh Anh - Văn 1821
Ảnh: Nhân vật cung cấp