Ra đời bên chiếc bàn tròn tại Big C
“Năm 2012, Aiesec (Tổ chức sinh viên quốc tế) - Đại học Ngoại thương tổ chức cuộc thi Dash for Impact, khi đó có 5 đội cùng chung ý tưởng dùng đồ ăn còn lại có chất lượng tốt từ nhà hàng, khách sạn để đưa đến những người nghèo đã thi đấu với nhau. Đây là bước đầu để HFR ra đời” – Ngô Hà Châu - học sinh THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - chủ tịch HFR chia sẻ.
Từ đó, hành trình của đồ ăn bắt đầu được viết nên từ những ước mơ, khát vọng, dự định của những con người trẻ tuổi.
Tuy nhiên “Vạn sự khởi đầu nan”. Khi bắt đầu công việc thì muôn vàn vấn đề khó khăn đặt ra trước mắt. Bốn thành viên ban đầu của HFR họp lại với nhau từ tháng 1/2013 bên chiếc bàn tròn tại Big C. Những vấn đề hồ sơ, xin tài trợ, input (nguồn cung cấp đồ ăn), output (những hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ), nhân lực… đều được đưa ra bàn bạc lại từ đầu để đảm bảo cho một tổ chức hoạt động bền vững.
Việc tìm tài trợ cho HFR rất khó, vì đây là tổ chức hoạt động với mục đích lương thực, hoàn toàn mới ở Việt Nam và do học sinh cấp 3 thực hiện nên độ tin tưởng không cao.
Nguồn nhân lực để làm việc còn thiếu vì không phải ai cũng có thời gian cho việc tình nguyện. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất của HFR là nguồn thức ăn.
Ngô Hà Châu chủ tich HFR - học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam
“Ban đầu, các khách sạn không chấp nhận cung cấp thức ăn vì chỉ cần sơ suất nhỏ về chất lượng đồ ăn được đưa ra bên ngoài sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín của cả khách sạn và tổ chức” – Châu tâm sự.
Công việc của từng bộ phận được phân công rõ ràng không bị chồng chéo lên nhau. HFR gồm các ban: nội dung, đối ngoại, media, nhân sự, hậu cần. Nhờ những nỗ lực của những người trẻ đầy nhiệt huyết, đến tháng 6/2013, HFR chính thức hoạt động và từ tháng 9 cùng năm, những suất ăn đầu tiên được đưa đi.
Loại đồ ăn chủ yếu được HFR nhận là cơm, đồ ăn, bánh mì, bánh ngọt và những đồ này được đưa trực tiếp trong ngày. HFR không chọn những địa điểm đã quen thuộc mà nguồn thức ăn này được đưa đến các làng chạy thận, các bênh viện, những người lao động nghèo trên địa bàn Hà Nội.
5000 suất ăn tới tay người khó khăn
“Đó là một con số vô cùng lớn mà HFR đạt được” – Châu hào hứng nói. Dù mới hoạt động chưa được bao lâu, nhưng cho đến nay, kết quả mà tổ chức thu được có thể khiến họ cảm thấy tự hào. Ba nguồn thường xuyên giúp đỡ đồ ăn là Khách sạn Dân Chủ, Sofitel Plaza, Paris Deli.
Từ 4 thành viên ban đầu, đến nay, con số này đã lên đến gần 30 người. Hơn 150 tình nguyện viên từ các trường đại học và phổ thông tại Hà Nội.
Đồ ăn quyên góp trong chương trình Tet Donation 2014. Ảnh nhân vật cung cấp
Từ khi hoạt động đến nay, nhóm đã chuyển khoảng 5000 suất ăn lấy từ 21 nhà hàng, khách sạn và tiệm bánh ngọt tới tay hơn 1300 người còn đang thiếu ăn.
Riêng từ tháng 10 đến tháng 12/2013, 2242 suất ăn đã được HFR nhận từ các nhà hàng, khách sạn và đưa tới các trung tâm Ấm Từ thiện, Vì Ngày Mai, Solidarités Jeunesses Vietnam, Bệnh viện Bạch Mai, làng chạy thận bên Long Biên…
“Chúng mình hoạt động từ thiện không mong muốn gì hơn là những người nhận được đồ ăn của HFR đỡ phải vất vả. Còn có gì hạnh phúc hơn khi nhìn thấy người mẹ trẻ vui mừng vì đứa con đã biết cười sau một tháng chỉ khóc trong đau đớn ở bệnh viện Nhi Trung ương. Hay những lời cảm ơn không ngớt của một bác bệnh nhân của Bệnh viện Bỏng. Và những cuộc nói chuyện vui vẻ với một người vô gia cư phải ngủ bên bờ mương cạnh nhà mình” – Châu xúc động nói.
Khát vọng vươn xa
Hiện nay, HFR đang thực hiện chương trình Tet Donation 2014. “Chương trình Tet Donation HFR kết hợp Câu lạc bộ tình nguyện Vì Hòa bình Việt Nam (VPV Club). Mục đích là tận dụng đồ ăn sau Tết không được sử dụng từ các gia đình một cách hợp lí bằng cách mang chúng tới tay các em học sinh trường Tiểu học Vừ A Dính, xã Đông Quan, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái” – Lê Thị Yến Linh, trưởng nhóm chương trình Tết nói.
Những đồ ăn quyên góp trong đợt này phải còn hạn sử dụng ít nhất 3 tháng. Hiện tại đã có trên 30 loại đồ ăn được gửi về và sẽ được HFR phân loại, bảo quản tại nhà các thành viên. Sau đó, VPV Club sẽ phụ trách việc đưa đồ ăn đến tay người cần.
Châu vững tin “Trong tương lai HFR mong muốn sẽ mở rộng nguồn thu ra thêm nhiều nhà hàng, đặc biệt là những cửa hàng buffet, tăng 500 suất bánh và 60 đến 70 suất cơm một tháng. Ngoài ra còn hợp tác với các tổ chức tình nguyện để đưa đồ ăn đi xa hơn”.
Theo Tiền Phong