Phóng viên (PV): Lời đầu tiên, em xin cảm ơn anh đã nhận lời tham gia phỏng vấn. Anh hãy chia sẻ một chút về bản thân như trường và ngành anh đang theo học cho các bạn độc giả nhé!
Anh Tuấn Minh: Anh tên là Phạm Tuấn Minh, cựu học sinh lớp 12 Toán 1 (khóa 20-23), hiện tại anh đang học ngành Data Science ở trường Purdue University.
Anh Hoàng Nam: Mình là Trần Hoàng Nam, cựu học sinh lớp 12 Toán 1 (khóa 20-23), trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Hiện nay mình đang học chuyên ngành Statistics ở Đại Học Purdue, Mỹ.
Anh Chí Bách: Mình tên là Vũ Đình Chí Bách, cựu học sinh lớp 12 Lý 1 (khóa 20-23) của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Hiện tại, mình đang học ở trường Đại Học Purdue, Indiana, Mỹ. Ngành học của mình là Khoa học dữ liệu (Data Science).
Những thành tựu của anh Trần Hoàng Nam trong ba năm tại Ams
PV: Ở thời điểm lớp 12 phải đứng trước những cánh cửa của cuộc đời, điều gì đã đưa anh đến với lựa chọn việc đi du học?
Anh Minh: Anh lựa chọn đi du học vì anh mong muốn trải nghiệm môi trường học ở Mỹ và cũng bởi việc du học sẽ giúp anh có nhiều cơ hội trong tương lai hơn.
Anh Nam: Mình lựa chọn đi du học Mỹ bởi vì Mỹ có nhiều trường đại học hàng đầu thế giới với hệ thống giáo dục đa dạng và phong phú; có nhiều ngành học và chương trình đào tạo uy tín trên toàn quốc. Ở đó, mình có thể học hỏi rất nhiều thứ, gặp gỡ bạn bè tới từ khắp nơi trên thế giới và có nhiều cơ hội nghiên cứu, phát triển sự nghiệp. Ngoài ra, du học còn cung cấp cơ hội trải nghiệm cuộc sống nước ngoài, học cách tự quản lý và thích nghi trong môi trường mới.
Anh Bách: Mình đã ước mơ được đi du học từ hồi còn bé vì mình cảm thấy bản thân không phù hợp với việc học ở Việt Nam. Mình cũng rất thích môi trường ở Mỹ nói chung và môi trường học tập của các trường đại học Mỹ nói riêng. Văn hoá Mỹ thú vị và hài hước nhưng mọi người vẫn học hành nghiêm túc và rất giỏi.
PV: Em được biết quá trình chuẩn bị và apply hồ sơ du học luôn là một hành trình dài và đầy thử thách, anh có thể chia sẻ về kỉ niệm đáng nhớ hay điều khiến anh ấn tượng nhất không?
Anh Minh: Anh nghĩ hồi apply hồ sơ thì điều anh nhớ nhất là hè năm lớp 12 - lúc anh phải học để lấy chứng chỉ IELTS và SAT. Do tiếng Anh không phải thế mạnh của anh nên khi đạt được mục tiêu đã đề ra, anh cảm thấy rất thỏa mãn với công sức mình đã bỏ ra. Bên cạnh đó, trong quá trình nộp hồ sơ anh cũng đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những bạn bè cùng nộp hồ sơ du học.
Anh Nam: Về kỉ niệm đáng nhớ thì có lẽ đó là những đêm mình phải thức đến 2 giờ sáng với người hướng dẫn viết luận để sửa từng chữ, từng từ trong bài luận chính của mình; là những chuyến đi ngoại khoá đầy ắp niềm vui lên các tỉnh miền núi phía Bắc làm thiện nguyện, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương.
Anh Bách: Điều đáng nhớ nhất là việc mình thấy đi du học Mỹ không cần GPA nên đã dành 3 năm cấp 3 để … đá bóng. Mình cũng hơi hối hận vì nếu mình học tập tử tế hơn, lên đại học sẽ dễ thở hơn nhiều. Tuy nhiên đây cũng là trải nghiệm tuyệt vời bởi mình đã hiểu thêm rất nhiều điều về bản thân, cũng như có những mục tiêu rõ ràng trước khi bước vào đại học.
Anh Phạm Tuấn Minh trên phông nền đỏ đặc trưng của Ams
PV: Vậy bên cạnh những kỉ niệm đáng nhớ ấy thì đâu là điều khiến anh gặp khó khăn nhất trong quá trình nộp hồ sơ vào đại học Mỹ?
Anh Nam: Khó khăn lớn nhất phải nói đến là viết luận. Bài luận cần phải có câu từ sắc bén để cho các nhà tuyển sinh bên Mỹ thấy được những phẩm chất và niềm đam mê của mình đối với ngôi trường đại học mình ứng tuyển. Chính vì vậy, anh đã phải viết đi viết lại, sửa đi sửa lại bài luận của mình cho đến khi nó gần như là hoàn hảo.
Anh Bách: Đối với mình, khó khăn lớn nhất nằm ở phần viết luận. Mình nhận thấy rất nhiều phần trong quá trình viết luận đã trở thành công thức và được hỗ trợ rất nhiều bởi các trung tâm tư vấn du học. Tuy nhiên, mình cho rằng viết luận là một cái ta cần phải tự nhìn vào bản thân và viết. Đối với mình, đó là thứ thử thách nhất nhưng cũng hết sức thú vị.
PV: Chuyển đến một đất nước mới, anh hòa nhập với môi trường sống mới thế nào hay anh đã từng gặp lại người quen ở trời Tây không?
Anh Minh: Anh nghĩ khó khăn lớn nhất mà anh gặp ban đầu là về giao tiếp. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, sau một thời gian thích nghi với môi trường mới, anh cũng không còn gặp khó khăn về giao tiếp nữa. Ngoài việc đó ra thì anh chưa gặp quá nhiều khó khăn khi ở bên này.
Anh Nam: Vì đây là lần đầu sang Mỹ nên cuộc sống của mình đã gặp rất nhiều khó khăn, từ ngôn ngữ, thời gian cho đến đồ ăn, khí hậu. Do đó mình đã tìm cách để hoà nhập bằng cách cố gắng nói chuyện, kết bạn với những người nước ngoài nhiều hơn; cố gắng đi khắp trường để khám phá, thử làm gì đó. Ở bên này, mình cũng gặp khá nhiều bạn Việt Nam sang đây học.
Anh Bách: Mình rất không thích đồ ăn Mỹ. Việt Nam có đủ loại gia vị: từ muối, tiêu, đến các loại nước chấm ở các hàng quán ăn vỉa hè, muối mì tôm, ... còn ở Mỹ thì luôn chỉ có hai vị là ketchup (tương cà) và BBQ. Mặt khác, người Mỹ khá thoải mái nên mình đã làm quen được với rất nhiều người. Chính ra cuộc sống đại học cũng không quá nhọc nhằn nếu biết quản lý công việc, thế nên mình cảm thấy mình đang bắt kịp tốt với tiến độ.
Ngoài ra, ở Purdue cũng có kha khá người Việt. Bạn cùng phòng của mình là hai người bạn cũng cùng học với mình ở Ams và đã giúp đỡ mình rất nhiều trong quá trình học tập. Mình cũng có vài người bạn ở cùng ký túc xá và một nhóm những học sinh Việt Nam đang theo học ở Purdue. Mình còn có hai người anh chơi khá thân và đã giúp đỡ mình rất nhiều trước và sau khi mình đến Mỹ.
Anh Vũ Đình Chí Bách trong bộ ảnh tốt nghiệp
PV: Đứng trên vị trí của một người đã và đang sinh sống tại hai đất nước cách nhau nửa vòng trái đất, anh cảm nhận thế nào về những sự khác biệt giữa cuộc sống ở Mỹ và ở Việt Nam?
Anh Nam: Anh nhận thấy có khá nhiều khác biệt về cuộc sống tại hai đất nước. Ở Việt Nam mình sống cùng bố mẹ nên gần như chỉ phải đi học, còn các thứ khác có bố mẹ lo cho hết. Còn khi sang Mỹ mà không có bố mẹ ở bên, mình phải tự mình đương đầu với mọi thứ: đồ ăn lạ, khí hậu khắc nghiệt, ngôn ngữ, khuôn viên trường rộng lớn, ... Mặt khác, không giống khi ở Việt Nam, bên này học trên lớp khá ít nên mình có khá nhiều thời gian rảnh để chơi thể thao hay lên thư viện tự học.
Anh Bách: Mình thấy người dân ở Mỹ họ rất phóng khoáng và tự do. Bên này (gần như) không có xe máy và các xe ô tô thường kéo cửa sổ xuống và bật nhạc rất to. Có thể một số người sẽ thấy khó chịu, còn với mình thì mình cũng thoải mái với điều đó. Ngoài ra mình còn thấy người Tây họ rất là cao.
Anh Minh: Về văn hóa, do Mỹ là một quốc gia đa sắc tộc cho nên văn hóa ở bên này vô cùng đa dạng, anh cho rằng điểm đặc biệt này sẽ cho anh nhiều cơ hội được trải nghiệm nhiều nền văn hoá khác nhau trong thời gian theo học tại nơi đây.
PV: Cuộc phỏng vấn của AWW với anh đến đây đã gần kết thúc, anh còn có điều gì muốn nhắn nhủ tới các bạn học sinh cũng ấp ủ ước mơ theo học tại nước ngoài không?
Anh Minh: Anh cho rằng mọi người nên chuẩn bị cho việc nộp hồ sơ du học sớm nhất có thể để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Chúc các em có thể đạt được ước mơ của mình.
Anh Nam: Mình có điều nhắn nhủ tới các bạn có cùng ước mơ là các em hãy luôn cố gắng theo đuổi ước mơ của mình, đừng ngại gian khổ. Bởi sau khi đi du học thì các em sẽ trở thành một con người khác: người sống tự lập và trưởng thành.
Anh Bách: Hãy biết mình rõ bản thân mình là ai và mục tiêu của mình là gì. Cuộc sống của học sinh bây giờ dường như đã được lập trình sẵn: học cấp ba, thi chứng chỉ, GPA trên 9, thi đại học trong nước hoặc đi du học này nọ. Vì vậy nhiều người còn chưa thực sự hiểu bản thân mình là ai và mong muốn điều gì sau này, mà chỉ làm theo bố mẹ hay xu hướng chung từ bạn bè, ... Hãy thực sự dành thời gian khám phá chính bản thân và dũng cảm để tự quyết định đi theo con đường mình cho là đúng đắn nhất.
Tại nơi chắp cánh những ước mơ
(Anh Tuấn Minh bên trái, anh Hoàng Nam đứng giữa, anh Bách bên phải)
PV: Một lần nữa, em xin cảm ơn anh đã dành chút thời gian tham gia phỏng vấn và có những chia sẻ đầy bổ ích. Chúc mừng anh đã đạt được ước mơ du học của mình và mong rằng anh sẽ có quãng thời gian học đại học tại Mỹ thật đáng nhớ, tuyệt vời và luôn sống hết mình vì: “Once Amser, forever Amser”.
PVV: Nguyễn Khánh Chi - Amser 2125
Ảnh: Nhân vật phỏng vấn cung cấp