Như một trào lưu nở rộ, chụp ảnh kỷ yếu kết hợp đi chơi, dã ngoại trở thành nhu cầu lớn ở khắp các lớp học của trường ĐH, CĐ và lan xuống học sinh THPT. Cùng với sự sáng tạo của lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma”, nhiều bộ ảnh kỷ yếu ra lò không chỉ đẹp mà còn độc, lạ, hoành tráng.
Lớp của em Nguyễn Trọng Giáp (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An) đã lên kế hoạch chụp ảnh kỷ yếu từ dịp Tết Nguyên đán. Sau 3 năm học đáng nhớ, ngoài việc có mong muốn chung với nhau bộ ảnh, các bạn còn có ý định tổ chức một buổi dã ngoại ở bãi biển Bãi Lữ (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) với nhau. Chi phí dự tính mỗi người 800 nghìn đồng, bao gồm cả chụp ảnh, ăn uống, thuê xe cộ… Tuy nhiên, 800 nghìn đồng là số tiền khá lớn, nhiều bạn về xin nhưng bố mẹ không đồng ý nên cả lớp bàn bạc lại và thống nhất mỗi người đóng 500 nghìn đồng. “Chúng em đã có một ngày chơi đùa với nhau rất vui và có một bộ ảnh cực chất! Hôm đó đi chơi về rất mệt nhưng ai cũng vui, nhất là vào thời điểm cuối khóa trước khi khi tốt nghiệp, cả lớp bỗng dưng thấy đoàn kết hơn, yêu quý hơn thời gian còn đi học cùng nhau. Đặc biệt, chúng em đã giữ được khoảnh khắc thật đẹp đó trong bộ kỷ yếu của cả lớp”, Giáp cho biết.
Không chỉ ở TP Vinh, phong trào chụp ảnh kỷ yếu còn rầm rộ ở nhiều trường thuộc vùng nông thôn, miền núi như Thanh Chương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Yên Thành…
Chụp ảnh kỷ yếu cho học sinh đã 3 năm nay, anh Hồ Hữu Thân (nhóm Đức Thân Photography) cho biết: Mùa kỷ yếu thường bắt đầu cuối tháng 12 năm trước và cao điểm là tháng 3, tháng 4 năm sau. Từ khi ra tết đến nay, nhóm nhận rất nhiều lịch đặt chụp ảnh của học sinh lớp 12. Thường các bạn không chỉ chụp ảnh mà còn tổ chức đi chơi, cắm trại cả ngày….
Về mặt bằng chung giá cả có nhiều gói tùy vào nhu cầu người chụp. Gói rẻ nhất là 100 nghìn/ người bao gồm chụp ảnh các điểm, gửi toàn bộ file ảnh đã qua chỉnh sửa… Đắt nhất là gói 500 nghìn/người, với gói này đã có xe ô tô đưa đón, có quần áo cho thuê, trang điểm, và các phụ kiện như loa đài, âm thanh… và in ảnh đóng khung tặng cho học sinh và giáo viên chủ nhiệm lớp.
Trên thực tế, có trường hợp các lớp còn đua nhau để bộ ảnh của lớp mình đẹp hơn, đặc biệt hơn những lớp trước đó. Muốn đẹp, cầu kỳ thì chi phí theo đó cũng đội lên giá cao hơn. Tuy nhiên, với những người chụp ảnh “có tâm” thì cần tư vấn cho các em học sinh lựa chọn gọi chụp hợp lý. “Học sinh thì không có tiền, chủ yếu về xin bố mẹ, nên bản thân mình cũng không muốn các em quá tốn tiền cho một bộ ảnh. Hơn nữa, lứa tuổi học trò nên đẹp kiểu đơn giản, hồn nhiên là được”, anh Thân cho biết.
Để mùa kỷ yếu an toàn, tiết kiệm
Việc chụp ảnh kỷ yếu không chỉ gói gọn trong khuôn viên trường lớp mà còn là dịp để đi dã ngoại ở những nơi xa như biển, đồi núi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trong đó, sự việc đáng tiếc chiều ngày 9/4, có 2 em học sinh trường THPT Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên) bị sóng cuốn trôi ở đảo Lan Châu (Cửa Lò) khiến nhiều người đau lòng và giật mình lo ngại: Làm sao đảm bảo an toàn cho những cuộc vui của học trò?
Nhiều năm đảm nhiệm làm giáo viên chủ nhiệm, cô Cao Thị Kim Anh, (trường THPT DTNT số 2) chia sẻ: Chụp ảnh kỷ yếu, liên hoan cuối khóa là nhu cầu dễ hiểu của nhiều học sinh, đặc biệt là các lớp cuối khóa. Mục đích nhằm lưu lại những kỷ niệm tuổi học trò. Nhà trường và các thầy cô giáo không cấm các em có những hoạt động tập thể với nhau như thế, nhưng nhà trường không đồng ý việc các em đến nơi mạo hiểm, tổ chức các cuộc chơi tốn kém.
Đặc biệt là học sinh của trường đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình còn nhiều vất vả.
Các thầy cô trường THPT DTNT số 2 còn “mách nước” cho các em những địa điểm chụp ảnh chỉ loanh quanh trong trường nhưng có ý nghĩa đặc biệt như: Lớp học, vườn rau thầy trò đã cùng chăm sóc, nhà ăn tập thể…
“Việc các em tạo dáng “phá cách” với những hình tượng như: người nông dân trên đồng lúa, công chúa và hiệp sĩ trong lâu đài, hay thời trang thập niên 80, 90… cũng có thể là cái đẹp. Nhưng nó chỉ làm thỏa mãn cái xu thế, cái trào lưu đang rộ ra tại thời điểm hiện tại. Làm thế nào để nhiều năm sau ra trường nhìn lại, lật những bức ảnh cũ đến đâu, ký ức của cả một thời học sinh hiện ra, sống động, đáng nhớ đến đó”, cô Kim Anh nói.
Tập thể 12 Văn trường Hà Nội - Amsterdam chụp ảnh tại sân bóng trường - một góc kỉ niệm của các bạn học sinh
Thầy Lê Văn Quyền – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn, Nghệ An) – cũng cho rằng: Việc chụp ảnh kỷ yếu của học sinh nên gắn với hình ảnh mái trường, khoảng sân, góc lớp nơi các em gắn bó nhiều năm qua. Về phía nhà trường cũng đã tổ chức buổi nói chuyện với học sinh cuối cấp, phân tích cho các em về những điều nên hay không nên khi chụp ảnh kỷ yếu. Cấm tuyệt đối học sinh đi xa hay đến những nơi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm để chụp ảnh kỷ yếu. Giao trách nhiệm cụ thể cho giáo viên chủ nhiệm và cán sự lớp trong việc tổ chức chụp ảnh kỷ yếu, tránh việc chụp ảnh tốn kém, không an toàn.
“Chủ trương trên của nhà trường cũng đã nhận được sự ủng hộ của học sinh, giáo viên chủ nhiệm và cả phụ huynh. Trường cũng hết sức tạo điều kiện cho các lớp khi có nhu cầu chụp ảnh kỷ yếu trong khuôn viên nhà trường nhưng chỉ nên chụp trong ngày nghỉ để không ảnh hưởng đến việc học tập. Nhiệm vụ quan trọng nhất của các em hiện nay là tập trung vào ôn tập kiến thức, hoàn thành hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017 đang đến gần”, thầy Quyền cho biết thêm.
Theo Giáo dục thời đại