Nối tiếp sự thành công của các mùa trước, G’LAMS x Một Buổi Nhạc Kịch 2023 với vở diễn "Người tìm nơi sóng lặng" tiếp tục mang đến cho người xem vô vàn cung bậc cảm xúc thông qua những ca khúc, vũ đạo do chính các thành viên Ban tổ chức tự mình sáng tác, phổ lời, biên soạn và thể hiện. Năm nay là lần đầu tiên G’LAMS lựa chọn thử sức với chủ đề con người hậu chiến tranh Việt Nam – một chủ đề tương đối thử thách đối với thế hệ trẻ trong việc tìm ra cách khai thác các khía cạnh về tâm lý nhân vật sao cho chân thực và sâu sắc nhất.
MC chương trình giới thiệu vở nhạc kịch “Người tìm nơi sóng lặng”
Lấy bối cảnh Việt Nam những năm 80, “Người tìm nơi sóng lặng” đưa cả hội trường đến với làng chài “Của Tôi” – nơi những con người may mắn sống sót sau chiến tranh được đưa tới để bắt đầu cuộc sống mới. Bên cạnh đó, người xem còn được thả hồn mình vào một góc phố Khâm Thiên của Hà Nội những ngày xưa cũ, nơi chất chứa biết bao mảnh tâm hồn của những thiếu nữ vừa tròn đôi mươi.
Bác Tổ trưởng tổ dân phố Quyết rất thích ngâm nga những câu thơ ca ngợi vẻ đẹp làng chài Của Tôi
Phiên chợ sớm lúc nào cũng đông vui và náo nhiệt
Ở nơi làng chài nhỏ bé và yên bình này, có những gia đình gửi trọn cả đời mình vào vùng biển, quanh năm “ăn gió uống sương”, một trong số đó là vợ chồng Hiền và Tuấn. Trở nên tàn tật sau trận chiến Thành Cổ Quảng Trị, cả cơ ngơi chỉ có chiếc thuyền con con, Tuấn lựa chọn bầu bạn với rượu để quên đi những kí ức ngập ngụa mùi thuốc súng, cũng như để quên đi nỗi mặc cảm chẳng thể mang tới hạnh phúc xứng đáng cho người vợ mình yêu thương nhất. Còn Hiền, cô vẫn luôn ôm trong mình một nỗi đau khôn nguôi xen lẫn những tia hi vọng nhỏ nhoi khi vô số lần trở lại Hà Nội để tìm kiếm gia đình đã thất lạc, tìm kiếm người em gái tên Hòa ròng rã suốt 14 năm nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Hiền và Tuấn đều là nạn nhân của thứ chiến tranh phi nghĩa lý
Ngày ấy ở Hà Nội nổi danh một chàng họa sĩ tên là Mùa Xuân. Trong một lần vô tình nhìn thấy những bức tranh mà Xuân vẽ người anh yêu, Hiền đã vô cùng bất ngờ khi người con gái ấy giống hệt với những kí ức của cô về em gái mình. Lần theo những dòng địa chỉ, Hiền tìm đến con phố Khâm Thiên và cả ngôi trường Tiểu học mà em gái mình dạy, song vẫn không tìm được em, chỉ hay tin cô giáo tên Hòa đã không còn dạy ở đây nữa.
Hòa là một cô gái Hà Nội mang theo nhiều mộng mơ về mối tình với chàng họa sĩ Mùa Xuân
“Nghề dạy học không chỉ ban cho em trách nhiệm dạy chữ cho bọn trẻ, mà còn phải biết nuôi dưỡng tâm hồn chúng”
Biết được Hiền là chị gái của người yêu mình, Xuân ngỏ ý đưa Hiền lên Hà Nội cùng anh vào dịp Giáng Sinh để tìm em gái vì anh đã hẹn gặp Hòa ngày hôm đó. Hay tin Hiền sắp tìm lại được gia đình ngoài Hà Nội, Tuấn mừng cho vợ nhưng đồng thời cũng chơi vơi giữa biết bao suy tư. “Tình yêu là chấp nhận lùi lại để người mình yêu có được những điều tốt nhất, kể cả những điều đó không bao gồm mình, hay tình yêu là phải giành giật trái tim của người ta cho đến cùng?”
Những dằn vặt trong nội tâm Tuấn được thể hiện thông qua một màn vũ đạo đẹp mắt
Những tưởng chẳng còn gì có thể ngăn cách hai chị em Hiền và Hòa gặp lại nhau, song bi kịch lại một lần nữa đổ ập xuống. Khung cảnh Giáng Sinh nơi phố thị gợi nhắc Hiền về một miền kí ức đã ngủ quên – trận Mỹ ném bom Khâm Thiên vào đúng ngày này của 14 năm trước. Cảnh mưa bom, mùi máu tanh, hình ảnh bố mẹ mình nằm im bất động, một lần nữa hiện lên rõ mồn một trước mắt Hiền.
Cảnh tượng khốc liệt được tái hiện chân thực lấy đi không ít nước mắt của người xem
Để rồi sau cùng Hiền mới ngỡ ra, cô chẳng có người em gái thất lạc nào cả. Hòa chỉ là những ảo mộng của cô về tuổi trẻ của chính mình, là một hình tượng giả tưởng cô tự tạo ra để an ủi, vỗ về những đau thương do chiến tranh để lại. Là một trong rất ít người sống sót sau trận bom năm ấy, khi được đưa đến làng chài, Hòa dường như chẳng còn nhớ được bất cứ điều gì, kể cả tên của chính mình. Vì vậy, bác Quyết đã đặt cho cô cái tên Hiền, “hiền” trong “vợ hiền dâu thảo”, để cô có thể bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới. Và hóa ra, Xuân chính là mối tình thời trẻ của cô, anh chưa từng quên đi tình cảm của mình dành cho Hòa.
“Anh biết Hòa muốn gì, còn tôi biết Hiền muốn gì! Chúng ta đừng nên ảo tưởng về mình Xuân ạ.”
Hòa vô cùng đau đớn khi nhận ra sự thật đầy cay đắng và trớ trêu này. Cô trở lại Hà Nội và dạo quanh những nơi chốn cũ. Cả hội trường lại được dịp lắng đọng một lần nữa khi Hòa gặp lại chính mình của những ngày xưa, ngày cô vẫn còn được sống hạnh phúc cùng bố mẹ trong căn nhà phố Khâm Thiên. Sau cùng, Hòa chọn tiếp tục cuộc sống bám biển quanh năm cùng Tuấn, bởi làng chài Của Tôi đã giúp cô được sống một cuộc sống mới thật bình yên. Người ta ai cũng mong tìm về nơi sóng lặng, chứ mấy ai ước biển động mang theo giông bão?
4 phiên bản của Hòa tượng trưng cho 4 thời điểm khác nhau trong cuộc đời của cô
“Em là chị năm 21 tuổi!”
“Em là vợ của mình mà.”
Ngày khánh thành triển lãm tranh của Xuân, Thư - quản lý của Xuân bỗng như phát điên và cầm kéo rạch nát tất cả những bức tranh vẽ Hòa. Cô cay đắng cho phận mình và cả mối tình đơn phương chẳng bao giờ có thể đơm hoa kết trái với Xuân, hi sinh cả thanh xuân để ở bên chăm lo cho anh, vậy mà anh chẳng bao giờ thèm đoái hoài tới cô, ngay cả khi anh đã bị Hòa dứt khoát từ chối. Có lẽ những xáo trộn khủng khiếp trong trí óc Thư đã khiến căn bệnh cười mà cô mắc phải thời còn ở chiến trường tái phát. Thư cười man dại, rồi bỗng nhiên nụ cười tắt lịm, rồi lại khóc như mưa. Khóc cười lẫn lộn, dù cười nhưng sâu trong lòng đau đớn biết nhường nào.
“Để em rạch những bức tranh đó ra để xem trong đó có cái nào là vẽ em không nhé. Em sẽ rạch một chút thôi, rồi sẽ gắn lại ngay mà!”
5 năm sau, Thư xuất bản cuốn tự truyện “Người tìm nơi sóng lặng” với đồng tác giả là Xuân và tất cả bà con ở làng chài Của Tôi
Chiến tranh gắn liền với đau thương, chia lìa, với mất mát, hoang hoại, với máu, nước mắt, súng đạn và đói khổ lầm than. Họng súng năm xưa nhắm thẳng vào kẻ thù, nay lại lạnh lùng nhả đạn vào tâm trí người lính, gây ra những vết thương tâm lý không bao giờ biến mất. Chiến tranh cũng thức tỉnh tình yêu quê hương đất nước từ nồng nàn thầm kín đến quằn quại day dứt và làm đẹp thêm những tình cảm cố hữu như tình yêu với bạn bè, tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình. “Chiến tranh biến tình yêu thành những thân phận”, nhưng cũng chính những thân phận lẻ loi giữa cuộc đời ấy lại kiên cường vươn lên khỏi vũng lầy quá khứ, bởi nỗi buồn nào rồi cũng phải khép lại. Không phải chúng ta quên đi, mà ta học cách chấp nhận và coi những nỗi đau ấy là một phần của bản ngã, để tiếp tục sống, để biết ta còn có ngày mai, để “không vô ơn với cuộc đời này”.
Một số khoảnh khắc đáng nhớ khác tại vở nhạc kịch “Người tìm nơi sóng lặng”
BTC G’LAMS x Một Buổi Nhạc Kịch 2023: Người tìm nơi sóng lặng
Mỗi một nhân vật, mỗi một mảnh đời, trong “Người tìm nơi sóng lặng” đều gợi cho người xem những rung động sâu sắc và những suy tư về một cuộc chiến khác mà mỗi con người thời hậu chiến phải đối mặt khi bom đạn qua đi: đấu tranh với những mâu thuẫn trong chính tâm hồn mình trên hành trình “tôi đi tìm tôi” - hành trình tìm lại bản ngã để thoát khỏi những tàn dư của quá khứ. Mỗi người chúng ta ắt hẳn đều phải trải qua những năm tháng “sóng dữ” - để tìm thấy cho mình những “sóng lặng” riêng. Có thể nói, G’LAMS x MBNK đã xuất sắc truyền tải được những thông điệp đầy ý nghĩa ấy đến với khán giả thông qua kịch bản được xây dựng tỉ mỉ, trau chuốt, cùng phương diện hình ảnh sân khấu chỉn chu, từ bước nhảy dứt khoát của những vũ công, giọng ca da diết của những ca sĩ, cho tới diễn xuất tự nhiên của những diễn viên; và minh chứng rõ ràng nhất cho tài năng của các bạn học sinh, sinh viên có lẽ chính là thành công rực rỡ của buổi nhạc kịch “Người tìm nơi sóng lặng”.
Phóng viên Viết: Hoàng Huyền Anh - Văn 2124
Ảnh: BTC G’LAMS x MBNK 2023 cung cấp