"Tôi cá tính. Nhìn vào tôi ở hiện tại, không nhiều người biết rằng con đường tôi đi luôn có giai đoạn phải bắt nhịp và 'không phải lúc nào cũng màu hồng'", người phụ nữ 34 tuổi bắt đầu cuộc trò chuyện.
Tiến sĩ Lê Thái Hà hiện là Giám đốc điều hành của giải thưởng VinFuture, sau gần 10 năm là giám đốc nghiên cứu và giảng viên cao cấp ở trường đại học. Cô cũng là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất được Nhà xuất bản Elsevier công bố hồi tháng 10.
Thái Hà tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore, trong gần 3,5 năm và hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ trong hai năm với điểm số cao nhất khóa 4.92/5 - điều chưa từng xảy ra ở NTU. Khi đó, Thái Hà 24 tuổi.
Tiến sĩ Lê Thái Hà khi còn giảng dạy tại Đại học Fulbright năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Năm 2006, nữ sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, du học Singapore sau khi giành học bổng của NTU. Lần đầu tiên ra nước ngoài, cuộc sống những ngày đầu ở Singapore của Thái Hà chỉ quanh quẩn trong khuôn viên trường rồi về phòng, không đi chơi hay mua sắm. Hà nhìn nhận, khó khăn lớn nhất khi đó là nỗi nhớ nhà và khả năng tiếng Anh.
"Tôi khóc nhiều và tốn tiền mua thẻ điện thoại để gọi về nhà. Tôi cũng viết rất nhiều thư tay gửi về cho gia đình để thỏa nỗi nhớ", cô kể. Hà chưa tự tin vì tiếng Anh khi đó chưa tốt so với các bạn người bản địa. Học ngành Kinh tế nhưng kiến thức về lĩnh vực này của Thái Hà chỉ là những bản tin xem cùng bố mẹ ngày ở nhà, trong khi nhiều bạn trong lớp đã được học môn Kinh tế từ cấp ba.
Chỉ nghe hiểu được một phần bài giảng trên lớp, Thái Hà phải đọc sách, rèn thói quen nghiên cứu tài liệu trước khi đi học và đọc lại sau khi về nhà. Sau học kỳ đầu tiên không đạt xuất sắc như kỳ vọng, Thái Hà bắt đầu bật lên trong top của lớp ở các học kỳ tiếp theo. Trong khi bạn bè thường đăng ký khoảng 5 môn học mỗi kỳ, Thái Hà học 6-7 môn. Từ năm thứ ba đại học, nhờ thành tích xuất sắc, cô được tham gia chương trình URECA (chương trình nghiên cứu dành cho sinh viên trong top 5% của khóa). Việc được tham gia nghiên cứu sớm, theo Hà giúp cô có kinh nghiệm và xuất phát điểm thuận lợi hơn các bạn cùng khóa.
Theo quy định của trường, sinh viên khoa Kinh tế phải làm khóa luận theo nhóm ba người. Nhưng muốn chủ động và tiết kiệm thời gian, Thái Hà xin được làm khóa luận một mình vì đã học gần hết tín chỉ, có điểm số cao và kinh nghiệm viết nghiên cứu.
"Tôi có tính hay sốt ruột, việc nào có thể làm nhanh thì không muốn phải chờ lâu", cô nói.
Tốt nghiệp sớm với kết quả xuất sắc, Hà hứng khởi vì được học bổng toàn phần bốn năm để học thẳng lên tiến sĩ và là người trẻ nhất trong nhóm nghiên cứu sinh. Nhưng khi vào học, cô lập tức hụt hẫng. Ở đại học, khi đăng ký môn tự chọn, cô chọn học ngoại ngữ thay vì các môn cao cấp liên quan đến Toán và Kinh tế lượng, vì thế khi bỏ qua bậc thạc sĩ, Hà nhận thấy bản thân thiếu hụt nhiều kiến thức nền liên quan đến hai môn học này.
"Tôi hoang mang trong tuần học đầu tiên khi học Toán kinh tế, Kinh tế lượng ở mức độ khó. Tôi đã nghĩ không biết có thể hoàn thành chương trình đúng hạn không", Thái Hà nhớ lại.
Học chuyên Toán nhiều năm, nhiều lần góp mặt trong các kỳ thi học sinh giỏi và giành giải thưởng, điều này khiến Hà không hài lòng về bản thân. Cô gái trẻ cũng lo khi nghĩ tới sự kỳ vọng của gia đình, những lời chúc mừng khi biết cô được học vượt lên bậc tiến sĩ.
Hà quyết định "đóng cửa" để đọc sách, quyết tâm phải hiểu hết những kiến thức bị hổng. Gần nửa tháng sau đó, cô gần như không liên hệ với gia đình. "Tôi nghĩ không thể bỏ cuộc như thế được. Tôi vẫn tin nếu cố gắng thì sẽ làm được", nữ tiến sĩ nhớ lại.
Tiến sĩ Hà trong buổi lễ tốt nghiệp tiến sĩ tại NTU, Singapore, năm 2013. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhờ đã quen với cường độ và áp lực học trường chuyên từ thời phổ thông, Hà có được sự tập trung cao độ, "nhồi" được khối lượng lớn kiến thức vào đầu. Nút thắt tâm lý thực sự được tháo gỡ trong một lần thầy giáo môn Toán kinh tế chia sẻ vấn đề đang bị tắc trong nghiên cứu với học viên, Thái Hà thử sức và tìm ra nghiệm đúng. "Từ đó, tôi tự tin, không còn sợ môn của thầy nữa. Thầy giáo cũng rất quý và tin tưởng tôi", Thái Hà nhớ lại.
Nữ sinh Việt bắt đầu tìm đọc những bài nghiên cứu hay đi nghe những buổi chia sẻ của các giáo sư. Ngay năm đầu làm tiến sĩ, cô mong muốn được viết các bài báo khoa học dù giáo sư hướng dẫn chưa kỳ vọng nhiều. Sau khi gửi bài tới hội nghị kinh tế lớn nhất Singapore (Singapore Economic Review Conference) và được mời trình bày, Thái Hà khiến thầy hướng dẫn tự hào và bắt đầu được các giáo sư trong trường để ý.
Sang năm thứ hai, với điểm số cao nhất khóa cùng hai bài báo khoa học được chấp nhận đăng (với vai trò là tác giả chính), Thái Hà cảm thấy bản thân đã sẵn sàng để tốt nghiệp. Ngày cô bảo vệ luận án tiến sĩ, các anh chị và bạn bè cùng khóa đến rất đông vì tò mò.
"Mọi người biết tôi có kết quả học tập tốt nhưng lúc nghe nói tôi bảo vệ luận án tốt nghiệp sớm chỉ sau hai năm, lại về lĩnh vực Kinh tế năng lượng, họ ngạc nhiên vì ở trường chưa từng có tiền lệ này", Thái Hà kể, cho biết đây là lĩnh vực mới trong kinh tế, đặc biệt ở thời điểm cô học tiến sĩ. Hiện, Thái Hà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực xu thế, liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo tiến sĩ Thái Hà, nghiên cứu đòi hỏi sự bền bỉ, nhẫn nhại và khó nhất là giữ được đam mê. Làm nghiên cứu sinh là con đường "may rủi" khi nhiều người bỏ giữa chừng vì nhận ra không phù hợp hoặc bế tắc trong nghiên cứu.
"Nhưng tôi cảm thấy mình như được sinh ra để làm nghiên cứu. Tôi làm việc này mà không thấy chán. Cũng có lúc hơi mệt đầu nhưng khi bài nghiên cứu được chấp nhận, cảm giác rất sung sướng, không còn nghĩ gì đến những mệt mỏi, khó khăn trước đó nữa", Thái Hà chia sẻ.
Về Việt Nam đầu năm 2013, nữ tiến sĩ giảng dạy tại Đại học RMIT, sau đó là Đại học Fulbright, đồng thời với công việc nghiên cứu. Tính đến nay, Thái Hà đã công bố khoảng 70 bài báo, ấn phẩm thuộc nhiều lĩnh vực, từ năng lượng, kinh tế, thuế, trên các tạp chí quốc tế uy tín như Energy Economics, Energy Journal, Energy Policy, Economic Modelling, International Review of Financial Analysis, Annals of Operations Research, Australian Tax Forum.
"Tôi không ngạc nhiên về danh tiếng quốc tế của tiến sĩ Hà. Các ấn phẩm của cô ấy ấn tượng về số lượng, chất lượng và tác động", GS Trần Nam Bình, Đại học New South Wales, Australia, nói. Là đồng tác giả một số nghiên cứu với Thái Hà, GS Bình đánh giá tiến sĩ Thái Hà là một trong những đại diện xuất sắc nhất của làn sóng mới với các nhà kinh tế trẻ và có năng lực ở Việt Nam. GS Bình ấn tượng về sự vượt trội của cô khi có khả năng nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau. Ông cũng ngưỡng mộ sự thân thiện, cam kết nghiên cứu và sự kiên trì của Thái Hà.
Ngoài việc nghiên cứu của bản thân, Thái Hà còn hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, học viên thạc sĩ và hỗ trợ họ trong các cơ hội học bổng, đi học tiếp. Nữ tiến sĩ nói niềm vui những lúc rảnh rỗi là được ở bên chồng và cậu con trai 5 tuổi, tự đi chợ mua đồ chế biến cho con hay du lịch, đi thăm bố mẹ hai bên.
"Sắp tới, bên cạnh công việc quản lý và nghiên cứu, tôi hy vọng dành được nhiều thời gian hơn để tiếp tục chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đến các bạn sinh viên, học viên có đam mê nghiên cứu. Chứng kiến các bạn thành công, tôi hạnh phúc như là thành công của chính mình", tiến sĩ Thái Hà chia sẻ.
Theo Vnexpress