TRƯỜNG EM, NGÔI TRƯỜNG CỦA LÒNG NHIỆT HUYẾT
Nguyễn Thị Minh Thu
A2, khóa 85-88
Hôm qua bạn Kiều Uyên gọi điện nhắc nhở về việc tới thăm cô Liên, cô giáo cũ nhân ngày 20/11 sắp tới, em mới chợt nhận ra là không nhớ gì đến cô giáo cũ, bởi vì còn đang bận rộn “lên kế hoạch” thăm cô giáo của các con.
Cô Liên ơi, nếu chúng em có quên đến thăm cô ngày 20/11, thì cô hãy hiểu rằng chúng em vẫn luôn mong cô hạnh phúc với niềm vui đơn sơ bên con cháu, và dồi dào sức khỏe tất cả các ngày trong năm.
Lớp trưởng cũ tặng hoa cô giáo cũ
Thời gian và biết bao những cuộc gặp gỡ sau này, ngoài mái trường đã khiến chúng em thấy cô gần gũi và không chỉ là một cô giáo. Là cô chủ nhiệm 3 năm liền, cô là nơi đi về của chúng em, mỗi khi nhớ về tuổi thơ đầy kỷ niệm, về cô và tất cả các thầy cô giáo.
Em còn nhớ hồi năm 1985, khi Việt Nam chưa “mở cửa”, phong trào học thêm chưa “phát triển”, và tiếng Anh còn là một ngoại ngữ không được ưa chuộng, em chỉ được 4/20 điểm mà cũng đỗ vào trường. Thi chuyên Anh mà không biết các tính từ so sánh hơn và so sánh nhất là gì. Ngày tựu trường, các bạn – phần lớn đi những chiếc xe đạp cũ kỹ, đứng lao xao trước cổng trường, kháo nhau không biết trường tên là gì. Em đi xe đạp bị tuột xích, thầy Hoãn, hiệu trưởng còn đích thân lắp lại cho.
Lớp học khang trang chưa từng có. Niềm vui lâng lâng vì được học trong một ngôi trường với những người bạn “ưu tú” từ khắp các quận của Hà Nội. Vì không học theo tuyến, có những bạn nhà rất xa. Có lẽ 95% đi học bằng xe đạp. Em nhà tận cầu Vĩnh Tuy. Còn bạn Ánh nhà bên Gia Lâm. Những hôm học hai buổi, còn mang cơm đi học.
12A2 đi “phượt” năm 1986
Những ngày đầu, trường còn chưa hoàn thiện. Học sinh ngồi học trong khi các bác công nhân vẫn bắc thang sơn tường, sửa điện xung quanh.
Ngoài cổng trường còn có hàng bán kem mậu dịch, 1 hào một chiếc. Kem rất rắn chắc (vì toàn nước đá), mà chao ơi là ngon. Đến giờ ước gì được một lần í ới đứng ăn kem giữa một đống bạn bè như thế.
Khi vào học, em và nhiều bạn phải chép sách tiếng Anh, vì cuốn sách giáo khoa sử dụng cho khối tiếng Anh hồi đó rất hiếm ở Hà Nội. Chỉ có vài bạn “con nhà nòi” bố mẹ mua ở tận Sài Gòn thì phải. Có lẽ đây là bằng chứng của việc vượt khó trong học tập mà con em thời google ngày nay khó hình dung nổi.
Nhưng ở mái trường Ams, có một điều vô cùng đặc biệt, đó là những người thầy, người cô mẫu mực, tận tụy. Quả thực, khi nhớ về ngôi trường “đỉnh cao tri thức phổ thông” đó, điều em nhớ đến, không phải là những tri thức ở các môn học được coi là “môn chính”, mà lại là những say sưa của các thầy cô dậy những môn phụ. Nào là những câu chuyện lôi cuốn về lịch sử của thầy Huy; những giờ học Địa lý thú vị của thầy Mỹ, với giá trị cốt lõi là mỗi công dân nên biết: đó là vẽ rất nhanh bản đồ của nước mình; nào là những tiết học Triết nhẹ nhàng bởi cách đặt vấn đề cởi mở và dí dỏm của cô Hán Thị Thu Thước.
Dạy, mà không phải là dạy, mà là yêu thương chúng em, nắm bắt được tâm lý của lứa tuổi “nông nổi” với tất cả những tri thức uyên bác của mình, để chúng em trở thành những con người nhiệt thành, yêu đời và yêu người.
Ngôi trường cũ kỹ gần khách sạn Giảng Võ 11 tầng cao nhất Hà Nội thời bấy giờ, là nơi cất giữ bao kỷ niệm, từng hành lang, cầu thang, vườn cây, phòng thí nghiệm, nhà học thể chất. Ngôi trường Ams mới to đẹp ở phía thành phố đang phát triển, là niềm tự hào của chúng em mỗi khi nhớ về thuở cắp sách tới trường.
Mong trường 30 năm luôn trẻ trung và nhiệt huyết, lung linh như những ký ức đẹp của tuổi thơ Hà Nội.