Ký sự vùng cao (kỳ 2): Nụ cười và những giọt nước mắt

By toan | 15 Tháng Năm, 2017

Đã thành thông lệ, 10 năm nay, Sơn La là điểm đến thường xuyên của các thầy thuốc bệnh viện 103 trong những chương trình công tác “Quân dân y kết hợp” với kinh nghiệm hơn 10 năm vì sự nghiệp phát triển và xây dựng Sơn La nói riêng và vùng sâu, vùng xa nói chung . Đây là lần thứ hai đoàn thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn huyện Mai Sơn- Sơn La, là lần đầu tiên đến với xã Phiêng Pằn, huyện Na Sơn, tỉnh Sơn La. Giám đốc Bệnh viện- Thiếu tướng PGS.TS. Hoàng Mạnh An, có nhã ý mời trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam cùng kết hợp tổ chức chương trình từ thiện trong chuyến công tác này. Đồng hành cùng đoàn bệnh viện Quân y 103 đã hai năm nay, đến hẹn lại lên, những ngày cuối tháng 11 năm 2014, Đoàn giáo viên trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam kết hợp tham gia vào chuyến đi từ thiện đến Phiêng Pằn- xã biên giới thuộc huyện Mai Sơn, một trong 86 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La. 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Sở giáo dục Hà Nội về hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong nhiều năm qua, trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tuyên truyền, vận động những nhà hảo tâm đến với những mảnh đời còn nhiều bất hạnh, neo đơn; giáo dục học sinh về lòng nhân đạo, tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn, éo le trong xã hội, có nhận thức và trách nhiệm hơn với các vấn đề xã hội. Những chuyến đi thực tế như thế này, đối với chúng tôi, vừa là trải nghiệm, nhưng vừa là cơ hội để chúng tôi gần gũi hơn với đồng bào, gặp gỡ đồng nghiệp và cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống, cảm phục những con người vô danh đang ngày đêm cống hiến cho quê hương, đất nước và tình đoàn kết bền vững của khối đại đoàn kết dân tộc.

 Vượt chặng đường gần 400 km, Đoàn cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam (Hà Nội) với gần 100 thành viên có mặt tại Phiêng Pằn. Trong 3 ngày, Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã khám và tư vấn sức khỏe trực tiếp cho hơn 6.100 lượt người; hướng dẫn cách sử dụng và cấp 7.000 suất thuốc thông dụng với tổng trị giá 700 triệu đồng; tặng 16 suất quà cho các đối tượng chính sách, gia đình đặc biệt khó khăn, 200 chiếc chăn, 50 chiếc màn, gần 100 bộ quần áo, 3.000 quyển vở và những đồ dùng, nhu yếu phẩm khác cho đồng bào các dân tộc...

Ngày thứ 2 trong cuộc hành trình- 1 ngày đầy nụ cười và những giọt nước mắt! Đoàn giáo viên đã đón nhận buổi sớm vùng cao trong lành và nhiều ý nghĩa. Các cô giáo ở trường mầm non Phiêng Pằn 2 và trường tiểu học Phiêng Pằn 2 đã dành cho chúng tôi chỗ nghỉ ấm áp nhất. Mặc dù không có điện, các cô đã nhóm lửa, đun nước ấm cho chúng tôi. Ở đây, chúng tôi không thể quên được câu chuyện với các cô giáo vùng cao. Cô Lê Thị Thanh Tâm- hiệu phó chia sẻ với chúng tôi những khó khăn của các anh chị em giáo viên và của học sinh tại nơi đây: “Khó khăn lớn nhất là về ngôn ngữ, nhiều trẻ nói chuyện với bố mẹ bằng tiếng dân tộc. Thứ hai là thiếu cơ sở vật chất, đồ dùng học tập cho các con rất thô sơ. Khó khăn về địa hình là một trở ngại với học sinh, nhiều con đi bộ 7-8 cây số đồi, bờ ruộng, vất vả. Cả tháng cả tuần, các con chỉ được duy nhất một bộ quần áo. Vất vả về ở lớp các cô nuôi, bố mẹ cho mang cơm đi, có nấu thêm rau. Đa dạng về thức ăn không được như mong muốn nhưng các cô cũng đã rất cố gắng đảm bảo đủ dinh dưỡng cho các con”. Mặc dù điều kiện khó khăn nhưng các cô giáo luôn chăm lo cho các con chu đáo. 5 giờ sáng, các cô đã phải thức dậy đón học sinh. Có những hôm tối muộn, sau một ngày vất vả trên nương rẫy, phụ huynh mới đến đón các con, các cô giáo mới lặng lẽ dọn lại những món đồ chơi đơn giản ở lớp học, rồi mau chóng chuẩn bị bữa cơm tối đạm bạc và đi nghỉ. Trên ngọn đồi khá vắng vẻ, xung quanh chỉ toàn bóng núi, cây cỏ, buổi tối bao trùm lên ngôi trường thật tĩnh lặng. Sự đơn điệu ngày này qua ngày khác, sự cô đơn trên điều kiện núi cao, bình quân trên 1.000 m so mặt biển, địa hình lại chia cắt, đường giao thông đi lại rất khó khăn, có bao mối e ngại cướp đường, thổ phỉ,…các cô vẫn kiên trì và tâm huyết. Trò chuyện với các cô, chúng tôi thấy động lòng. Đó là một sự đồng cảm chân thành giữa những người đồng nghiệp- đó là sự cảm phục trước những hi sinh âm thầm- là sự trân trọng những con người bản lĩnh, nhiệt huyết với nghề nghiệp cao quý nhưng cũng thật nhiều trách nhiệm.Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, để có trang thiết bị cơ bản cho ngôi trường, các Ban ngành, đoàn thể, các cấp lãnh đạo cũng như sự tin tưởng, đóng góp của nhân dân là vô cùng cần thiết. Họ cần hơn nữa đến sự quan tâm, giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm- những nghĩa cử cao đẹp thiết thực và chứa đầy tinh thần nhân ái.

---

Nhanh chóng có bữa sáng chắc dạ, chúng tôi theo đoàn bác sĩ viện 103 tới khu vực khám chữa cho đồng bào. Ngày hôm nay, các y- bác sĩ khám cho những đối tượng còn lại- do bận công việc của ngày hôm qua hoặc thông tin chưa đến nơi.

Buổi sáng nắng sớm, sau khi chuẩn bị xong những thiết bị, vật dụng cho ngày khám bệnh, trong khi chờ đồng bảo, các cô giáo và các cán bộ, y bác sĩ đã có ít  phút cùng chụp lại tấm ảnh lưu  niệm và cùng bà con nơi đây. Chúng tôi khoan khoái đón nhận những tia nắng ấm áp sau đêm sương lạnh lẽo trên rẻo cao. Ánh năng vàng suộm mang lại những niềm vui và sự khoan khoái, hào hứng cho cả đoàn.

 

Đồng chí Trần Văn Bản- phó chủ nhiệm chính trị Bệnh viên quân y 103 chia sẻ “Sau khi chúng tôi đi thị sát, được biết xã Phiêng Pằn có 19 bản thì còn tới 14 bản đặc biệt khó khăn, khó khăn nhất là nước, vệ sinh công cộng và giao thông đi lại”. Ông Nguyễn Quang Ngọc- Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục huyện Mai Sơn dẫn đường cho đoàn giáo viên tới nơi đây cũng kể lại: “Ở vùng núi nên những chiếc xe gắn máy của bà con thường rất nhanh hỏng. Các cô giáo ở đây đi làm vất vả lắm.Trời nắng thì bụi tung mù trời, người dân phải khoác áo mưa, bởi nếu không, bụi đường sẽ làm cho quần áo họ đổi màu. Còn mùa mưa thì thật là khổ! Đầu năm học vừa qua, nhiều cô giáo đã không thể đi xe gắn máy vào các điểm trường do đường quá lầy lội. Các cô đành dựng xe đứng nhìn rồi gọi điện, chờ người ra đón. Xe quấn xích là hình ảnh quen thuộc trong phương tiện đi lại của các cô giáo nơi đây”.  Chưa phải nếm trải hết những gian nan như vậy, nhưng chuyến đi lần này, chúng tôi đã chứng kiến các thành viên trong đoàn công tác của Bệnh viện Quân y 103 cũng đã không ít lần phải xuống để đẩy xe qua những đoạn đường hiểm trở. Nhiều khi chúng tôi cũng e sợ mỗi lần bánh xe trượt dốc hay tiếng động cơ rít lên và những bánh xe quay tít mỗi khi vượt qua những con dốc dựng đứng, gập ghềnh sỏi đá mang tên: Thẳm Khắp, Pá Ló, Phiêng Khàng…

 

Ảnh do anh Đỗ Trần Trung- Phòng Chính trị, Bệnh viện Quân y 103 cung cấp

 

Đồng bào đã đến đông dần, chúng tôi bắt gặp những hình ảnh rất đẹp về những bác sĩ mặc áo lính, những nụ cười- những ánh mắt rưng rưng của đồng bào miền núi.

Hình ảnh đông đúc của đồng bào đi khám chữa bệnh

Nụ cười ấm tình quân- dân

 

Các y-bác sĩ đang tư vấn, khám chữa bệnh cho đồng bào

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi, trò chuyện với bác sĩ – tiến sĩ y học Nguyễn Minh Núi- người từng có thời gian học tập và bảo vệ luận án tiến sĩ ở Nhật Bản. Anh tâm sự rằng mình may mắn hơn mọi người khi có thời gian dài học tập- tu nghiệp ở Nhật- một đất nước phát triển tiên tiến, chứng kiến cuộc sống của đồng bào vùng cao, càng thấy thương đồng bào ta hơn. “Với một nước mà tỉ lệ hộ nghèo lớn như nước ta, việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc tổ chức những chuyến công tác “quân dân y kết hợp” như lần này với các bác sĩ ở viện 103 chúng tôi là vô cùng ý nghĩa, không chỉ khám, tư vấn  sức khỏe cho đồng bào mà còn thắt chặt tình đoàn kết quân- dân, khiến người dân tin tưởng vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và của nhân dân cả nước”. Bởi vậy ngay trong ngày đầu tiên, các thầy thuốc quân y đã đón tiếp rất đông người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số: Xinh Mun, Mông, Thái... lặn lội từ các bản xa tới khám bệnh và tư vấn sức khỏe. 

 Ghi nhận cho những hoạt động đó, UBND tỉnh Sơn La đã tặng Bằng khen cho tập thể Bệnh viện và 10 cá nhân; UBND huyện Mai Sơn đã tặng Giấy khen cho 5 tập thể và 12 cá nhân đã có thành tích suất sắc trong hoạt động “Khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho đồng bào huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La năm 2014”.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Thơm (tổng phụ trách Đội) đại diện trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam nhận bằng khen của chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La

Đến tận nơi- cùng sống- cùng chứng kiến cuộc sống và nỗi khó khăn của người dân, đặc biệt là của những cô giáo vùng cao, chúng tôi cảm nhận được tình cảm của đồng bào- đồng nghiệp, cảm phục những người dân bản kiên cường bám trụ lấy cuộc sống khó khăn trên rẻo cao, giữ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc- là một biểu hiện của lòng yêu nước- một truyền thống quý báu của dân tộc. Với một đất nước mà tỉ lệ hộ nghèo lớn như nước ta, sự quan tâm của những tấm lòng thơm thảo chính là món quà vô giá. Chúng tôi hiểu rằng món quà của mình nhỏ bé nhưng trở nên giàu ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Chia tay Phiêng Pằn trong những cái bắt tay nồng ấm, đọng lại trong chúng tôi nụ cười giao liên, gặp gỡ và những giọt nước mắt rung động, chia tay lưu luyến. Tạm biệt Phiêng Pằn, chúng tôi vượt qua các con dốc khúc khuỷu, quanh co để ngược ra Quốc lộ 4G. Dọc đường, cả đoàn lại nhìn thấy những khuôn mặt thơ ngây, những đôi mắt trong veo cùng những chiếc cặp sách còn chạm đất của từng em nhỏ đi bộ chục cây số để về nhà vào ngày cuối tuần; những bàn tay vẫy vẫy tạm biệt; những giọt nước mắt chia tay- hẹn ngày gặp lại của các cô giáo vùng cao…  Chuyến đi từ thiện lần này của đoàn giáo viên THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam cùng đoàn công tác của Bệnh viện Quân y 103, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) là một sự kết hợp ý nghĩa, củng cố tình quân dân, một hoạt động vô cùng thiết thực và giàu tính nhân văn. Chúng tôi muốn có nhiều cuộc hành trình như thế. Nếu một ngày trở lại nơi đây, chúng tôi mong sẽ nhìn thấy ánh điện sáng trưng đến từng bản, từng nhà; thấy những nụ cười của cô trò trong từng ngôi trường khang trang, đủ đầy, và chúng tôi được cười tươi trong niềm vui gặp lại, được khóc trong những cái nắm tay nghĩa tình…

_Hết_

Biên tập: Hà My (GV)

Bài viết có sử dụng một số hình ảnh do anh Đỗ Trần Trung- Phòng Chính trị, Bệnh viện Quân y 103 cung cấp

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan