Hiệu trưởng các trường đại học chọn thi quốc gia theo phương án 2

By toan | 23 Tháng Sáu, 2016

Hội nghị tổ chức tại 5 đầu cầu trong cả nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự hội nghị. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, về đổi mới thi năm 2015, tại hội nghị, các hiệu trưởng tập trung thảo luận theo về tổ chức một kỳ thi quốc gia có hai mục đích: Xét tốt nghiệp THPT (cần có những môn bắt buộc để đánh giá kết quả học tập ở bậc phổ thông của học sinh), là cơ sở xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo cao nhất tính nghiêm túc, khách quan phản ánh đúng chất lượng; kết quả của kỳ thi đạt độ tin cậy để các trường ĐH, CĐ.

Hội nghị trực tuyến Hiệu trưởng các trường đại học sáng nay 15/8.

Lo lắng về tính nghiêm túc của kỳ thi

Hiệu trưởng các trường như ĐH Luật Hà Nội, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, ĐH Phương Đông, ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng... phát biểu đều chọn phương án 2 và tổ chức ngay trong năm 2015 bởi nếu chọn phương án 1 sẽ quá nặng nề cho học sinh. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường cũng tỏ ra lo lắng.

Lãnh đạo Trường ĐH Phương Đông ủng hộ phương án 2 nhưng băn khoăn lo lắng vì chưa tin cậy kỳ thi phổ thông hiện nay. Mục đích của kỳ thi xét tốt nghiệp là tốt nhưng để thực hiện xét vào đại học hơi khó. Người muốn vào đại học quá đông nhưng năng lực thấp. Tình hình dạy và học phổ thông chưa cải tiến được cách dạy và học như hiện nay, e chuyển ngay vào đại học sẽ gây nhiều khó khăn. Bộ cần nghiên cứu cách ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi như thế nào cho phù hợp.

Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho hay, nếu tổ chức 2 kỳ thi quốc gia như hiện nay rất tốn kém cho xã hội, tổ chức 1 kỳ thi như bộ đưa ra là đúng đắn. Công tác tổ chức ra đề, coi thi, chấm thi chúng ta đủ năng lực làm ngay trong năm 2015.

Ông Vui đề nghị, Bộ GD-ĐT, thực hiện theo phương án 2 đã đưa ra vì phương án này phù hợp đúng lộ trình đổi mới giáo dục. Để thực hiện tốt phương án này, cấu trúc của đề thi hết sức quan trọng. Bộ ra đề thi cần phải đảm bảo yêu cầu là một phần đảm bảo tốt nghiệp THPT và một phần thiết kế đảm bảo phân hóa, trung bình, khá, giỏi để các trường ĐH dễ chọn.

“Tôi tin tưởng Bộ quản lý tốt  khi thực hiện tổ chức kỳ thi quốc gia 2 trong 1 và giao quyền tự chủ cho các địa phương, các trường thực hiện. Có thể đưa các trường đại học tham gia vào quản lý, thanh tra, kiểm tra, chấm thi trong kỳ thi. Bộ khẩn trương thực hiện phương án thi này ngay trong năm 2015” - ông Vui nhấn mạnh.

Còn ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết: “Tôi mong muốn bỏ kỳ thi tốt nghiệp  phổ thông, để thi đại học vì 2 kỳ thi giống nhau. Bộ đưa ra 3 phương án, tôi nghĩ phương án 2 là tốt nhất, phù hợp với thực tế nên thực hiện ngay trong năm 2015. Toán - Ngữ văn và Ngoại ngữ rất phù hợp hơn vì các môn thi đều quan trọng.  Về ngoại ngữ tuy khác nhau về trình độ ở các vùng miền, theo tôi bộ nên có biện pháp tính toán để các thí sinh vùng khó khăn đỡ thiệt thòi”.

Vị lãnh đạo này cho rằng, để tổ chức một kỳ thi quốc gia 2 trong 1, khâu quan trọng nhất ra đề, coi thi, chấm thi. Bộ Giáo dục ra đề như lâu nay là tối ưu nhất. Theo tôi, công tác coi thi cho kỳ thi này là 1 người  là giáo viên đại học và 1 giáo viên phổ thông như vậy là yên tâm nhất. Thanh tra phải là của Bộ và của các trường đại học. Đối với chấm thi vẫn nhờ cả giáo viên phổ thông chấm. 

Còn ông Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng,xu hướng tích hợp để có 1 kỳ thi nhằm 2 mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ là định hướng đổi mới quan trọng, có thể làm thay đổi công tác tuyển sinh trong thời gian tới.

Nhận xét 3 phương án Bộ GD-ĐT đưa ra tại dự thảo, chúng tôi thấy rằng căn bản vẫn có cùng điểm chung, đó là cách thức tổ hợp các môn khác nhau và những bài thi theo môn. Cả 3 phương án, nội dung thi của thí sinh vẫn còn khá nặng nề.

Chúng tôi đã nghĩ đến 1 phương án giản tiện nhất cho công tác tổ chức cho kỳ thi 2 mục đích, đó là nội dung thi gồm 2 khối kiến thức thuộc Toán và Ngữ văn; riêng môn thứ 3 Ngoại ngữ có thể đa dạng hóa hình thức thực hiện, có tính đế yếu tố vùng miền.

Với phương án thi tốt nghiệp tổ hợp gồm Toán, Văn và Ngoại ngữ sẽ vừa thuận tiện cho việc xét tốt nghiệp THPT, vừa thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển đầu vào. Trong tích hợp đó, dần định hướng đến kiểu bài thi đánh giá năng lực tổng hợp.

Thêm một vấn đề nữa đặt ra, đó là liệu việc tổ chức thi tại địa phương, các trường ĐH, CĐ có yên tâm sử dụng kết quả hay không? Nhiều trường sẽ phải tiếp tục tiến hành đánh giá riêng để yên tâm hơn với chất lượng đầu vào. Đây cũng là một điều đáng phải suy ngẫm thêm.

Ông Phan Huy Chú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long không đưa ra ý kiến ủng hộ hay không ủng hộ phương án tổ chức kỳ thi quốc gia và cho rằng: hiện nay và vài năm tới, các trường đại học chưa thực sự tin tưởng vào kết quả thi tốt nghiệp THPT tổ chức ở các địa phương, dù Bộ GD-ĐT có huy động lực lượng từ các trường đại học tham gia trông thi. Vì nếu tổ chức một kỳ thi quốc gia “2 trong 1” ở địa phương thì nhiều trường sẽ phải tổ chức thi bổ sung, gây khó khăn cho thí sinh và tốn kém công sức, tiền bạc của xã hội.

Lãnh đạo Trường ĐH Thăng Long cho hay đồng tình với phương án tổ chức thi của Bộ GD-ĐT đưa ra: Đề thi chung, kết quả thi vừa sử dụng đề xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng nhưng điểm khác biệt cơ bản nằm ở chỗ: Các trường ĐH, CĐ mà không phải là các tỉnh đảm nhiệm coi thi và chấm thi.

Theo đó, giao nhiệm vụ trông thi và chấm thi cho các trường ĐH và CĐ sẽ làm cho các trường yên tâm để tuyển chọn chính xác “đầu vào” theo tiêu chí riêng của mỗi trường trong khuôn khổ nguyện vọng của thí sinh. Đổi lại, một số thí sinh sẽ vất vả hơn so với việc thi ở địa phương. Nhưng nếu so với những năm vừa qua thì thí sinh sẽ đỡ vất vả hơn nhiều vì chỉ phải thi một đợt. Để giảm bớt khó khăn cho các thí sinh ở các tỉnh xa, Bộ có thể tổ chức thêm 1 số cụm thi.

Về tổ chức xét tuyển sau khi có kết quả thi, lãnh đạo ĐH Thăng Long lo lắng cho rằng, việc sử dụng chung kết quả của kỳ thi để xét tuyển vào các trường sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Vì vậy, vị lãnh đạo này đề xuất: một phương án tổ chức xét tuyển dựa hoàn toàn vào công nghệ thông tin theo “Chương trình xét tuyển” với nền tảng là thuật toán. Để tiến hành xét tuyển, Bộ làm đầu mối thành lập và chỉ đạo một “Ban tuyển sinh” gồm các thành viên đại dện cho các trường sử dụng một phần kết quả thi để xét tuyển. Ban tuyển sinh chạy “Chương trình xét tuyển” theo dữ liệu là chỉ tiêu của các trường, nguyện vọng và kết quả học tập cũng như kết quả thi của thí sinh. Chỉ trong vài giờ sẽ có ngay kết quả phân bố các thí sinh về các trường.

Theo vị lãnh đạo này, hai giải pháp trên tương đối độc lập với nhau vì vậy có thể áp dụng đồng thời hai giải pháp hoặc chỉ áp dụng 1 trong 2 giải pháp đó.

Sau khi các ý kiến góp ý của các hiệu trưởng, Bộ GD-ĐT tổng hợp lại cùng với ý kiến các Sở GD-ĐT và của xã hội để đưa ra phương án tối ưu nhất cho kỳ thi quốc gia 2 trong 1 vào năm 2015.

Thi theo bài - Phương án 2

Trong kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm:

- Bài thi Toán;

- Bài thi Ngữ văn;

- Bài thi Ngoại ngữ;

- Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học và Sinh học);

- Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lí);

Có 5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

 

Theo Dantri.com.vn

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan