Đổi màu huy chương tại đấu trường quốc tế
Olympic khoa học trẻ quốc tế, gọi tắt là IJSO (International Junior Science Olympiad) là cuộc thi dành cho học sinh có lứa tuổi dưới 15. IJSO được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2004 tại Indonesia bởi một nhóm các nhà khoa học quốc tế với mong muốn giúp các bạn trẻ nhận ra tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của mỗi quốc gia và toàn nhân loại, khuyến khích học sinh theo đuổi đam mê tìm hiểu, khám phá và bước đầu tạo điều kiện cho các em làm quen nghiên cứu khoa học tự nhiên. Đồng thời, thắt chặt tình hữu nghị và sự gắn kết giữa học sinh trên toàn thế giới.
Hành trình đưa Tuấn cùng với 5 học sinh khác đến với Ấn Độ là các vòng thi tuyển chọn ở các bộ môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh. Vượt qua hàng trăm học sinh giỏi của Thủ đô, 6 em được chọn vào đội tuyển đại diện cho học sinh cả nước tham dự IJSO lần thứ 10 được tổ chức tại thành phố Pune, cách Mumbai khoảng 170 km. Cuộc thi năm 2013 có 42 đoàn với tổng số hơn 200 học sinh đến từ 39 quốc gia tranh tài.
Để đạt thành tích cao tại cuộc thi mang tầm quốc tế, 6 thành viên của đội tuyển phải nỗ lực rất nhiều. Cả bài thi lý thuyết và thi thực hành đều đòi hỏi các em có kiến thức vững và thành thạo tiếng Anh. Trong đoàn học sinh dự thi lần này, Tuấn được đánh giá có ngoại ngữ khá nhất. Nhận thấy tầm quan trọng của tiếng Anh, là công cụ không thể thiếu trong giao tiếp cũng như nghiên cứu khoa học, nhiều năm qua Tuấn đã dành thời gian học môn học này. Cậu cũng có sở thích đọc truyện tiếng Anh để củng cố vốn từ, văn phong nước ngoài, đặc biệt là các truyện phiêu lưu, truyện khoa học.
Ngày tiễn đoàn học sinh đi thi, tất cả đều hy vọng các em có thể đổi màu huy chương bởi tính đến nay, chúng ta đã 7 lần tham dự IJOS, trong đó HS Hà Nội 4 lần đại diện cho học sinh Việt Nam tham dự, đạt 18 huy chương nhưng chưa có HCV nào mà mới chỉ dừng lại ở 8 HCB.
Và trong giây phút công bố kết quả tại Ấn Độ, đoàn Việt Nam vỡ òa trong niềm vui. 5 huy chương Bạc lần lượt thuộc về các học sinh Việt Nam. Những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi khi tên “Lê Mạnh Tuấn, Hà Nội, Việt Nam” được xướng lên trong số ít những học sinh đạt huy chương Vàng. Với thành tích này, Việt Nam đã vinh dựlọt vào tốp các nước có kết quả cao nhất trong kỳ thi năm nay. Một điều nữa đáng mừng là không chỉ giành điểm cao ở phần thi lý thuyết, học sinh của chúng ta có kết quả phần thi thực hành chỉ kém đội dẫn đầu hơn 2 điểm.
Từ giải Nhất HSG Thành phố đến HCV quốc tế
Ấn tượng đầu tiên mà Lê Mạnh Tuấn để lại cho những người tiếp xúc với em là sự sắc sảo, thông minh, có chút gì đó rất… nghịch ngợm. Tuấn hồn nhiên, chân thành và cởi mở khi trò chuyện. Khác với nhiều bạn trẻ cùng trang lứa, em ăn mặc giản dị, không quá chăm chút đến ngoại hình. Dường như Tuấn dồn hết tâm trí vào niềm đam mê khoa học của mình. Trong các môn học, em thích nhất là các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là môn Hóa học. Chính sự yêu thích, say mê nghiên cứu đã giúp Tuấn đạt giải Nhất HSG cấp Thành phố môn Hóa học khi đang học lớp 9.
Ảnh minh họa
Rạng ngời niềm vui chiến thắng
Từ nhỏ Tuấn đã thể hiện khả năng ở các môn khoa học và sự ham thích khám phá. Gia đình đã tạo mọi điều kiện để cho em phát triển sở trường của mình. Bố của em làm ở Viện Vật lý. Ở nhà, Tuấn thường xuyên trao đổi với bố về các chủ đề khoa học, các môn học khoa học tự nhiên. Chị Văn Thị Tâm – mẹ của Tuấn chia sẻ: “Cũng giống như nhiều bậc phụ huynh khác, thấy con có khả năng gì thì tạo điều kiện cho con phát triển. Nhận thấy Tuấn tư duy nhanh, học Toán tốt hơn các môn học khác nên gia đình động viên cháu học các môn khoa học tự nhiên, cố gắng thi đỗ vào trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Sự nỗ lực của cháu, sự hướng dẫn của các thầy cô giáo tâm huyết, nhiều kinh nghiệm đã giúp cháu đạt được kết quả như hôm nay”.
Cuộc thi đã kết thúc được hơn 1 tháng nhưng Tuấn vẫn nhớ như in những ngày tham dự cuộc thi tại Ấn Độ. Nhận xét về bài thi, em cho rằng, các câu hỏi của bài thi không sâu nhưng trải rộng. Không chỉ có kiến thức trong sách giáo khoa mà có nhiều câu hỏi liên quan đến các chủ đề khoa học khác vì thế nếu chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa thì không thể đạt được thành tích cao.
Tuấn không dành toàn bộ thời gian cho việc học. Sắp xếp thời gian học hợp lý, Tuấn vẫn có thời gian chơi thể thao, giúp gia đình việc nhà, hướng dẫn em gái học tập. Chính điều đó giúp em có những kỹ năng sống cần thiết để giao lưu trong môi trường quốc tế. Sang Ấn Độ, 6 học sinh trong đội thi ở trong khách sạn và hoàn toàn tách biệt với thầy cô trong đoàn. Hơn chục ngày tại Ấn Độ, Tuấn đã có dịp trao đổi với nhiều bạn bè quốc tế, chơi thể thao, các trò chơi sáng tạo. Kỷ niệm đáng nhớ của Tuấn là tham gia đá bóng cùng các bạn quốc tế. Đội bóng của Tuấn gồm học sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau, tuy không tập luyện gì nhưng nhờ biết phối hợp nên đã đoạt chức vô địch. Sau cuộc thi, Tuấn không chỉ có HCV mà còn có thêm nhiều người bạn quốc tế cùng có niềm đam mê khoa học. Các em vẫn thường xuyên liên lạc, trao đổi với nhau.
“Tự lực cánh sinh” là phương châm Tuấn đã tự xác định trên con đường phía trước. Mẹ của em cũng chia sẻ: “Thành tích mà Tuấn đạt được là bước khởi đầu. Chúng tôi khuyên con xác định rõ ước mơ, đưa ra những ý kiến cho con tham khảo, lựa chọn. Quan điểm của gia đình là cho cháu tự lực. Chẳng hạn nếu Tuấn muốn đi du học thì phải cố gắng thi lấy học bổng”.
Tết này với Tuấn thật đặc biệt, không chỉ vui vì được nghỉ ngơi, được về quê ăn tết, được học gói bánh chưng… mà Tết này, đến thăm anh em họ hàng, Tuấn có thêm nhiều điều để kể, đặc biệt là những kỷ niệm không thể nào quên trong chuyến đi Ấn Độ năm qua. Huy chương Vàng mà Lê Mạnh Tuấn giành được trong năm qua là món quà mừng tuổi quý giá dành cho ông bà, bố mẹ, thầy cô. Đây cũng là động lực để em tiếp tục phấn đấu đạt nhiều thành tích cao hơn trong những năm tới.
(Theo hanoi.edu.vn)