Mừng ngày 20/11: Gặp gỡ thầy giáo vui tính Đinh Trần Phương - Nhất định thầy sẽ hết "ế"

By toan | 17 Tháng Mười Một, 2014

Thầy giáo Đinh Trần Phương

1. Em được biết rằng thầy tốt nghiệp tiến sĩ Vật lý ở bên Pháp, vậy lí do gì đã thôi thúc thầy quyết định quay về nước để giảng dạy một ngôi trường cấp 3?

Lý do quan trọng nhất là thầy chỉ muốn sống ở Hà Nội cùng gia đình và bạn bè, thật ra còn là về nhanh nhanh mà lấy vợ. Dự định ban đầu là sau Tiến sĩ sẽ sang Nhật làm việc một thời gian vì thầy rất thích văn hóa Nhật. Nhưng khi qua Nhật làm thực tập thấy không hợp với cách sống của mình nên đã quyết định về Việt Nam luôn. Thầy thích dạy cấp 3 vì rất thích chơi với trẻ con, các bạn học sinh hồn nhiên và ngố ngố trêu rất dễ. Đi dạy học còn được nghỉ hè, các bạn là học sinh thì biết nghỉ hè thích như thế nào rồi đúng không? *cười*

Trở về từ Pháp, thầy đã chọn về dạy Vật lý ở trường cấp 3…

Bởi thầy rất thích được hòa mình với học trò

2. Có ý kiến cho rằng thật lãng phí tài năng khi thầy đã không tiếp tục học lên cao và nghiên cứu chuyên sâu hơn mà lại chọn con đường dạy học. Thầy nghĩ sao về ý kiến này ạ? Nếu được quay ngược lại thời gian, thầy có bao giờ nghĩ sẽ thay đổi lựa chọn của minh không?

Thật ra thầy không tài năng đến như thế đâu. Nếu tài năng trong khoa học thật thì có khi thầy lại thích ở lại Pháp hay qua Mỹ, Nhật… để nghiên cứu ý chứ. Đúng là có “lãng phí” thật nếu xét trên quan điểm không sử dụng hết những gì mình được học hay phát triển tiếp để phục vụ cho khoa học. Nhưng quan điểm riêng của thầy, mình chỉ cần và nên làm những việc mình thực sự thích. Nếu thấy yêu đời, hạnh phúc khi dạy học thì lựa chọn ngành gõ đầu trẻ (mặc dù thầy chưa gõ đầu bạn nào) là đúng đắn. Khi nào mình thấy hạnh phúc thì mình đúng. Nếu mà thầy quay ngược được thời gian, thầy sẽ ngay lập tức chạy đi khoe ầm ĩ với mọi người. Chắc chắn là thầy sẽ vẫn thích học và theo môn Vật lý, nhưng thầy cũng muốn học thêm những thứ khác rất hay như Văn học, Nghệ Thuật, Triết học, Ngoại ngữ… (hồi đấy thì thầy chỉ học Lý, Toán và chơi điện tử). Nhưng không sao, thích thì bây giờ học vận được mà, nên là không cần quay lại thời gian làm gì đâu.

Thầy cũng chơi đàn rất giỏi đấy nhé

3. Có nhiều người nói giờ Tiếng Pháp không phải là ngoại ngữ thông dụng. Thầy nghĩ sao về ý kiến này ạ? Điều gì đã khiến thầy chọn Tiếng Pháp, đặc biệt là Lý Pháp, chứ không phải là một ngoại ngữ nào khác ạ?

Thật ra thầy không thích cách nhìn thực dụng như vậy đâu. Mình học một ngôn ngữ là biết được thêm văn hóa của đất nước đó. Văn hóa Pháp lại rất hay! (Mặc dù thầy thích Văn hóa Nhật hơn). Cá nhân thầy học ngoại ngữ không phải để dễ dàng kiếm việc hay gì gì mà đối với thầy, ngoại ngữ là chiếc chìa khóa giúp mình khám phá những cái đẹp của nhân loại nói chung. Nếu bạn nào theo học tiếng Pháp thì cũng nên học cả tiếng Anh nữa vì tiếng Anh đúng là thông dụng hơn thật, có ai cấm mình học nhiều thứ tiếng đâu, tất nhiên là phải đầu tư thời gian hợp lý mà thôi. Các bạn học tiếng Anh thì cũng nên học thêm ngoại ngữ nào nữa nhé, tiếng Pháp cũng là 1 lựa chọn rất hay đấy! Còn tại sao thầy chọn tiếng Pháp là vì tình cờ thầy lại đỗ vào 1 trường bên Pháp thế là học tiếng Pháp thôi.

4. Là một cựu Amser, thầy cảm nhận học sinh trường Ams ngày ấy - bây giờ có những điểm gì giống và khác nhau ạ?

Học sinh Ams lúc nào cũng ngoan và hiếu động, thầy và các bạn đều rất may mắn được học ở Ams vì môi trường bạn bè xung quanh rất tốt. Còn nhớ hồi cấp 2 thầy quay bài rất giỏi nhưng khi vào Ams (cấp 3) các bạn trong lớp chả ai chịu quay bài mà một mình thì làm sao quay được nên thầy lên cấp 3 không quay cóp nữa. Bây giờ thì HS Ams cũng quay bài với trao đổi lúc kiểm tra kinh phết nhỉ, khác hồi thầy *cười lớn* Dù sao thì khi các bạn trưởng thành nhớ lại cũng sẽ thấy vui, học sinh mà!!! Nhưng nhớ hạn chế tối đa có thể nhé. Nhớ lại 1, 2 lần quay bài còn vui chứ bài nào cũng quay thì chả vui gì cả, mà kiến thức lại không vào người, lại còn phải gian dối (rất xấu) nên là các bạn đừng quay bài nữa, nhớ học hành chăm chỉ cẩn thận nhé!

Thời đại này là thời đại công nghệ, internet chứ hồi thầy, đang chơi điện tử ngoài đường mà muốn gọi điện cho bạn gái là phải chạy về nhà dùng điện thoại bàn nói nói mấy câu rồi lại quay lại quán điện tử chơi tiếp. Các bạn bây giờ tìm kiếm thông tin rất dễ, nên tận dụng lợi thế ấy để tìm hiểu xem mình thực sự muốn làm gì trong tương lai và nỗ lực cho mục đích ấy. Nhưng cũng phải cẩn thận với công nghệ, internet rất dễ biến mình thành giống với mọi người, khó tìm thấy con người thật của mình; cũng dễ làm cho cuộc sống của mình “ảo” nhiều hơn là “thật”. Nhớ cẩn thận các em nhé!

Quay trở lại với học sinh Ams ngày ấy – bây giờ thì thấy khác nhau nhiều nhất là hồi thầy học ở cơ sở cũ, còn các bạn học ở cơ sở mới. Còn giống nhau nhiều nhất là chúng ta cùng đeo cái phù hiệu Ams ở trên vai và tất cả chúng ta đều tự hào và yêu mến nó!

Thầy Phương chơi hết mình trong Ngày hội Thầy trò

Ngoài việc dạy các lớp chuyên Lý, thầy Phương còn là giáo viên Lý Pháp

5. Có thể nói thầy là một trong số các thầy cô giáo trẻ rất tâm lý và được học sinh vô cùng yêu quý. Vậy thầy có thể chia sẻ các “bí kíp” để có thể một thầy giáo được học sinh yêu quý như thế không ạ? Là một thầy giáo nhiệt tình và hòa mình vào các học trò như thế, có bao giờ thầy lo sợ sẽ bị học sinh của mình “bẳt nạt” không ạ?

Nói về "bí kíp" thì thầy chỉ có bí kíp tán gái (vẫn ế), bí kíp đá Pes (vẫn chơi) thôi; còn bí kíp để học sinh yêu mến (Cảm ơn lời khen của các bạn nhé!) thì không có đâu. Nhưng chắc tại tính thầy trẻ con, thật thà, thích chia sẻ những điều thầy thấy đẹp với các bạn nên dễ gần với các bạn học sinh! Thầy cũng tôn trọng dù là bất cứ học sinh nào; cũng thích trêu học sinh hay là nói điều gì vui vui buồn cười khi có dịp vì như thế ai cũng vui. Mà có lẽ tại thỉnh thoảng có tiền lại mua đồ ăn cho các bạn nên các bạn quý à.

Năm đầu tiên đi dạy, có lần 1 bạn học sinh (lớp toán) đổ nước lên ghế giáo viên trêu thầy, mà thầy thì lúc nào cũng buồn ngủ có nhìn thấy gì đâu thế là ngồi bị ướt hết mông ^^ Trong 5 giây  thầy cũng tức giận nhưng may mắn là nhận ra có nhiều cách xử lý hay hơn nhiều là mắng hay phạt bạn ấy, và đến bây giờ nghĩ lại thì đó lại thành kỷ niệm vui của cả thầy và chắc là của cả bạn nam ấy nữa. Bài học cho cả hai là phải biết tôn trọng người khác và có lòng vị tha. Nhưng mà có lẽ thầy hiền quá nên sau này cũng không thấy bị học sinh bắt nạt gì trừ chuyện thỉnh thoảng trong lớp mất trật tự, phải nói to đau họng lắm.

Thầy luôn miệt mài tìm cách dạy phù hợp nhất với học sinh

“Có ai sợ thầy không nào?” – “Không ạ”

6. Khi học tập ở nước ngoài, thầy có thấy học sinh nước ngoài có những ngày lễ để tỏ lòng biết ơn các thầy cô giáo như ngày 20/11 ở Việt Nam không ạ?

Thật ra thầy học Đại học ở nước ngoài, mà khi lớn rồi sinh viên cũng không gắn bó với giáo viên như thời học sinh (ở Việt Nam cũng vậy thôi) nên cũng không biết ở cấp Trung học thì các bạn thế nào. Hình như là không có ngày gì như 20/11 thì phải (không chắc lắm đâu nhé). Hoan hô học sinh Việt Nam!!!

7. Khi thầy ở tuổi chúng em, thầy và các bạn cùng lớp khi ấy có những “chiêu trò” gì để mang đến cho các thầy cô khi ấy một ngày 20/11 thật đặc biệt không ạ?

Thầy học chuyên Lý, GVCN là thầy Lê Tất Tôn dạy toán rất hay! Nhưng thầy Tôn có một điểm là không thích học sinh quay bút trong giờ học. Mà thầy thì quay bút “giỏi bình thường” nên cứ chốc chốc lại làm rơi phát ra âm thanh khó chịu. Ngày 20/11, để làm vui lòng thầy Tôn thì thầy cố gắng quay thật cẩn thận để chiếc bút không rơi và không ảnh hưởng đến bài giảng của thầy *đây là một ví dụ nho nhỏ của thầy thế thôi – các em đừng bắt chước nhé*

8. Nếu được chọn, thì thầy thích trải qua ngày 20/11 khi còn là học sinh hay khi đã là một giáo viên ạ?

Nếu thầy không bị bắt buộc chọn một thứ thì thầy sẽ chọn cả 2 nhé! Vì thời học sinh được tụ tập đàn đúm nhau đi thăm thầy cô mà mình yêu mến, còn khi được làm giáo viên rồi thì được nói xấu học sinh rất vui (Nói đùa vậy thôi chứ thầy đã nói xấu được học sinh nào đâu)

9. Em được biết thầy năm nào cũng bị nhầm giữa hai ngày là 20/10 và 20/11. Em xin phép được đại diện hỏi thầy một câu mà rất rất nhiều học sinh trong trường thắc mắc ạ: “Thầy đã có kế hoạch gì cho bản thân sắp tới để thoát khỏi cảnh F.A (như thầy vẫn hay nói) chưa ạ?” Điều này sẽ đóng góp 1 phần quan trọng để thầy không còn nhầm giữa ngày 20/10 và 20/11 nữa đấy ạ!

Cảm ơn em đã hỏi câu hỏi rất tò mò J Thầy xin trả lời thế này: thầy đã có kế hoạch rất cụ thể là SẼ LẤY VỢ! Kế hoạch hay ho này thầy đã xác định từ hồi mới về Việt Nam (4 năm rồi) và vẫn luôn theo đuổi. Như thầy trả lời ở trên thì đây cũng là một trong các mục đích của thầy khi về Việt Nam. Các em yên tâm! Khi nào cưới cho dù các em đang ở phương trời xa xôi nào mà chịu bay về thì thầy sẽ cho ăn kẹo nhé!

Em xin cảm ơn thầy về buổi trò chuyện rất thú vị ngày hôm nay ạ!

Thầy Phương của chúng tôi là như thế đó! Luôn vui vẻ, hài hước, gần gũi với các học sinh của mình. Các bạn thấy thầy có đáng yêu không nào? Quả thực, chúng tôi đã rất may mắn khi được gặp thầy và được thầy giảng dạy bộ môn Lý Pháp.

Nhân dịp 20/11, chúng em xin chúc thầy luôn mạnh khỏe, trẻ trung, gặp nhiều may mắn,  thành công hơn nữa và sẽ sớm thực hiện được nguyện vọng “lấy vợ” của mình. Sau cùng, chúng em xin có một bài thơ tự sáng tác dưới dạng thơ Haiku, một thể loại thơ mà thầy rất thích:

Trắng xóa mặt sân, mưa sủi bọt

Rơi đầy mặt đất, lá vàng bay

Mùa thu ngọt.

Dòng nước lặng lờ trôi

Đôi môi lạnh giá

Mất em rồi.

Lộc xanh biếc trên cành

Mong manh thay cuộc tình

Chỉ mình anh.

Khoảnh sân chói nắng hạ

Còn lại ta với ta

Kiếp ép a (FA).

PV: Hà Trang P2 12-15








Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan