Được biết chị từng là cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam khóa 1989-1991. Trong những năm học dưới mái trường này, chị đã cảm nhận được những giá trị gì về thầy cô, bạn bè ngôi trường HN-Ams?
Trong thời gian học ở trường HN-Amsterdam, tôi có khá nhiều kỷ niệm với thầy cô, bạn bè và những trải nghiệm quan trọng có ảnh hưởng lớn đến những quyết định nghề nghiệp của tôi sau này. Ấn tượng về nhiều thầy cô giáo ngày ấy là cảm nhận rất ấm áp, tin cậy, cả về mặt chuyên môn lẫn tình cảm thầy trò. Nhiều thầy cô đã là những người đầu tiên “khai mở” cho tôi phương pháp học và phương pháp tiếp cận kiến thức, khiến việc học không còn tốn nhiều thời gian nữa và vì thế có thể có điều kiện để... làm những điều mình thích ^^ hoặc có thời gian thu nhận kiến thức từ nhiều nguồn khác, không chỉ từ sách giáo khoa. Tôi nhớ thầy Túc, thầy Thái dạy Văn, thầy Kính dạy Sử, thầy Hiền, cô Nga dạy Sinh, cô Châu, cô Bính dạy Hóa, cô Dung dạy Địa, thầy Đạt dạy Lý, thầy Trung dạy Thể dục... Mỗi người trong số họ đều cho tôi một ấn tượng riêng, những bài học nhỏ không phải chỉ về kiến thức mà cả về giá trị sống nữa. Nói điều này ra có thể là ... kỳ lạ đối với các bạn trẻ bây giờ, nhưng trên thực tế, ngày đó chưa có mạng, chưa có nhiều điều kiện truyền thông, việc có thêm nguồn thông tin cho học sinh ở trường phổ thông không hề đơn giản.
Từng là một học sinh chuyên ngành ngoại ngữ nhưng giờ đây chị lại rất thành công trong lĩnh vực xuất bản thơ văn. Vậy cảm hứng gì khiến chị đam mê và bắt đầu bước vào giới văn học? Thầy cô, bạn bè đã giúp đỡ chị định hướng nghề nghiệp như thế nào?
Tôi còn nhớ như in những ngày sôi nổi ở trường Ams khi diễn ra cuộc thi thơ Tuổi học trò năm 1990. Cũng lại có thể khiến các em thấy buồn cười! Nhưng bấy giờ, đó là cuộc thi thơ đặc biệt, độc đáo, chỉ dành riêng cho chúng tôi – những đứa trẻ đang lớn, đầy ắp cảm xúc về bạn, về mình, về trường lớp thầy cô, và cả những mối tình học trò chớm nở nữa. Cuộc thi như một lời mời: mời các em nói lên cảm xúc của mình, chia sẻ mạnh dạn mà... không ai phán xét, đánh giá. Thế là các thi sĩ ở các lớp hăm hở gửi thơ dự thi. Có cả thơ tình nhé, thơ tình tuổi học trò ngày ấy e ấp, nhẹ như những ánh nhìn thoáng qua mà để lại nhiều ấm áp, ấn tượng. Tôi vẫn cứ nghĩ rằng, cuộc thi ấy của trường Ams gợi mở cho chúng tôi nhiều suy nghĩ về tương lai chứ không chỉ đơn thuần là cơ hội giãi bày, chia sẻ. Chí ít là với tôi, ngày ấy, lần đầu tiên tôi có cảm giác rằng, mình có thể viết và được chấp nhận như một tác giả! Một trong những người thầy ngày ấy có ảnh hưởng sâu sắc đến tôi, từ thái độ đối với thi cử, với cuộc sống, với kiến thức và cả định hướng tương lai là thầy Vũ Xuân Túc. Thầy không trực tiếp dạy tôi trên lớp nhưng chúng tôi có khá nhiều cơ hội được tiếp xúc với thầy qua các cuộc thi học trò, các hoạt động khác của nhà trường. Tôi còn nhớ lời dặn của thầy khi chúng tôi đi thi học sinh giỏi: “Làm bài với niềm say mê, thể hiện được hết khả năng của mình, không nghĩ quá nhiều đến điểm số”. Có thể ai đó có nhiều “thủ thuật” hoặc “kỹ năng” thi cử và đạt được điểm cao, nhưng cá nhân tôi luôn làm theo lời khuyên của thầy và nhận được rất nhiều. Ít nhất là sự tự hào với bản thân và cả niềm vui thi cử nữa! J Vì thế, nguyên tắc định hướng nghề nghiệp của tôi cũng là: say mê - làm điều gì mình thực sự say mê.
Sau những năm học trường chuyên lớp chọn, chị thấy quan điểm, thái độ và cách nhìn cuộc sống của các bạn học sinh trường chuyên có khác gì so với các bạn học sinh trường ngoài hay không?
Ở thời chúng tôi, điều này có lẽ chỉ tập trung ở chỗ: điều kiện trường chuyên tốt hơn so với điều kiện bên ngoài để có thể tập trung học tập, vì thế có cảm giác có đôi chút tự tin hơn, có trường hợp biến thành... chủ quan, hay tự tạo áp lực cho mình khiến khó chấp nhận được thất bại. Mục đích của những học sinh chuyên tập trung cao nhất ở việc đạt thành tích cao trong học tập mà chưa nhìn rộng hơn, thiếu sự chia sẻ cộng đồng. Một thời, trường chuyên như những cái “lò” luyện học sinh giỏi, như người ta nói, “nuôi gà nòi” - một mặt rất tốt ở chỗ kích thích thi đua học tập, mặt khác cũng có những lệch lạc trong phát triển tâm lý mà nếu không chú ý kịp thời sẽ có những hậu quả không thể hiện ngay.
Đương nhiên vẫn có thể trung hòa các thái cực nói trên nếu nhà trường chú trọng xây dựng môi trường cân đối giữa học tập, tiếp nhận kiến thức và việc trau dồi các kỹ năng xã hội khác.
Hiện nay, tiêu chí đầu tiên mà một học sinh cần có để thành công chính là phải Hội nhập với thế giới. Vậy theo chị một ngôi trường chuyên cần tạo nhưng điều kiện gì để học sinh có thể đủ kĩ năng để hội nhập và đáp ứng những nhu cầu khắt khe của cuộc sống trong tương lai?
Kỹ năng hội nhập mà bạn nói đến, theo tôi, bao gồm: khả năng “thích nghi” với môi trường, trong đó có môi trường văn hóa khác, khả năng tự học và tự đào tạo, khả năng sống đồng thuận với cộng đồng mà vẫn giữ được cái Tôi của mình. Như vậy, ngoài việc tổ chức học và nghiên cứu, kích thích ở học sinh niềm say mê học tập, mong muốn đi tìm kiến thức thì nhà trường cần hướng cho học sinh tìm đến một phương pháp học, phương pháp tiếp cận kiến thức có hiệu quả để có thể “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như Bác Hồ từng nói.
Nền tảng văn hóa, nền tảng tri thức quyết định một phần thành công của con người, phần nữa là những kỹ năng xã hội mà các em trau dồi được trong quá trình học tập trên ghế nhà trường. Các em cần được “làm” thay vì chỉ “nghe”. Các em cần có những môn học, tiết học tương tác, khuyến khích nhìn vấn đề nhiều chiều hoặc tự đặt ra vấn đề, qua đó chính các em hiểu hơn về khả năng của mình, tự khám phá bản thân để có những lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp.
Một ngôi trường chuyên cần phải cho học sinh cơ hội bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học, thậm chí đưa ra các dự án nho nhỏ của riêng mình xử lý một vấn đề nào đó của xã hội nhưng liên quan mật thiết đến cuộc sống của các em. Tốt hơn nữa là những hoạt động khoa học nho nhỏ ấy cần làm dưới dạng làm việc nhóm. Chẳng hạn, vấn đề rác thải trong trường, vấn đề tiết kiệm điện ở gia đình...v.v... Cách đây không lâu, tôi được đến thăm một trường học ở Mexico và thấy rất thú vị về không khí nghiên cứu khoa học ở đây, từ những em học sinh lớp 8, lớp 9. Qua các hoạt động nhóm, các bạn trẻ cân đối được cảm xúc, chia sẻ được nhiều kỹ năng, biết cách thuyết phục, chia sẻ, tìm sự hợp tác, đồng thuận. Đó cũng là những kỹ năng giúp các em đối mặt với nhiều thử thách trong tương lai, kể cả những thất bại không thể tránh khỏi trên đường đời.
Để phát triển một đất nước thì thế hệ trẻ phải không ngừng rèn luyện và phấn đấu. Theo chị, gia đình, thầy cô và bạn bè phải tạo ra những nguồn động lực theo cách như thể nào để khiến cho giới trẻ không ngừng cống hiến cho cuộc đời mọi lúc, mọi nơi, kể cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất?
“Cống hiến cho cuộc đời” là một cụm từ có vẻ rất to tát, nhưng trên thực tế, bạn có thể cống hiến bất kỳ lúc nào, ở cương vị nào, kể cả từ khi bạn là học sinh trên ghế nhà trường. Một trong những điều mà tôi thấy trước đây chúng tôi ít được dạy mà lại là yếu tố tác động đến sứ mệnh “cống hiến” - là ý thức cộng đồng. Đây không phải là chuyện từ thiện hay những công việc tương tự như vậy mà là ý thức mình là một nhân tố của cộng đồng và mình có trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng kiến thức của mình, góp sức làm cuộc sống của cộng đồng tốt hơn. Trong việc này, gia đình, nhà trường đóng vai trò khuyến khích các ý tưởng. Thầy cô, người lớn... tin tưởng vào năng lực của giới trẻ, sẵn sàng cho họ cơ hội tìm kiếm thông tin, cơ hội bắt đầu một việc theo kiểu của họ. Chẳng hạn, một bạn trẻ mở câu lạc bộ đọc sách ở nhà, chia sẻ với các em nhỏ kỹ năng đọc sách. Một nhóm bạn khác lên kế hoạch cùng các em vẽ tranh tường cho khu phố mình ở đẹp hơn. Một nhóm khác tham gia tìm hiểu công nghệ trồng rau sạch để hỗ trợ các bác nông dân, cổ súy cho việc giữ gìn sức khỏe cộng đồng..v..v. Những ý tưởng “cống hiến” như thế ban đầu là nho nhỏ, cá nhân, về sau sẽ trở thành những dự án lớn hơn khi ý thức cộng đồng luôn tồn tại trong suy nghĩ mỗi học sinh.
Hẳn các bạn đã từng nghe đến từ “empowerment” - đó là cách tạo nguồn động lực cho mỗi cá nhân mà nhà trường, gia đình cần làm: tin tưởng, trao quyền, hỗ trợ và đồng hành.
Với sự xuất hiện của Internet và sự bùng nổ của các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter… nhiều bạn trẻ đã dần mất thói quen đọc sách. Không giống như thiếu nhi trước đây, coi nguồn thơ văn là đứa con tinh thần. Chị nghĩ sao về hiện tượng này? Liệu có cách nào để khắc phục không?
Với tôi, hiện tượng này hoàn toàn có thể hiểu được. Thời đại thế nào thì “nhân vật” thế ấy. Ta cũng phải hiểu sự khác nhau giữa các thế hệ cũng là chuyện tất yếu. Tuy nhiên, việc đọc sách bên cạnh những thú vui khác của các bạn trẻ vẫn là một hoạt đông quan trọng mang nhiều ích lợi cả về tính chất giải trí hay mang mục đích định hướng, rèn luyện tư duy, đồng thời xây dựng một cuộc sống tinh thần phong phú và tràn đầy cảm xúc. Việc của những người cổ súy văn hóa đọc không phải là lên án, phê phán người chưa thích đọc mà biết cách cho họ thấy niềm vui vô bờ có thể có được khi đọc sách. Đương nhiên, việc đọc bây giờ có thể có nhiều hình thức, không chỉ đóng khuôn trong việc mua sách, đến thư viện, cầm cuốn sách trên tay. Bạn có thể đọc qua mạng, có thể đọc tắt, chỉ đọc những cuốn sách theo một chủ đề mà bạn quan tâm, hoặc thậm chí tham gia đọc … tập thể như một số các câu lạc bộ sách trẻ hiện nay vẫn làm. Việc đọc là hoạt động cá nhân, nhưng việc giao lưu, chia sẻ giữa những người đọc cũng có những tác dụng nhất định của nó trong việc lôi cuốn giới trẻ đọc sách.
Trong nhà trường, đoàn thanh niên có thể kết hợp cùng các thầy cô dạy văn tổ chức những buổi giao lưu với các nhà văn nhà thơ, các buổi đọc sách chung hoặc đọc sách bằng tiếng nước ngoài mà trong đó, cách dẫn dắt khéo léo và những bài tập liên quan đến kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng giải quyết vấn đề, phát triển trí tưởng tượng... có thể khiến các bạn trẻ thấy được sức hấp dẫn của thế giới sách. Đọc và nói lên ý kiến của mình cũng là một phương pháp hay. Nhu cầu chia sẻ ý tưởng là một nhu cầu có thật của các bạn trẻ, điều này kích thích họ rất nhiều trong các hoạt động đọc sách cá nhân, miễn sao ý kiến của họ được lắng nghe, tôn trọng, không bị chê bai, phán xét hoặc định hướng. Bất kỳ một hướng suy nghĩ nào, dù là táo bạo nhất, kỳ lạ nhất, cũng phải được chấp nhận. Ở đây, ta có thể sử dụng chính các phương tiện mạng xã hội cổ súy cho việc đọc. Chẳng hạn, một cuốn sách được đưa lên FB, một chi tiết tranh cãi, một câu chuyện hài hước, một chi tiết cảm động, một bài học được rút ra... - tất cả đều có thể chia sẻ qua Facebook và các mạng xã hội một cách nhẹ nhõm, thoải mái và đa chiều.
Thơ không chỉ khiến người đọc thả hồn vào để đồng cảm, mà đôi khi còn giúp ứng dụng trong việc ghi nhớ. Tuy nhiên, số lượng những bài thơ này còn rất ít, bởi chúng ta dường như thiếu người làm thơ. Nhiều người nghĩ rằng làm thơ là khả năng thiên phú, nên họ không bao giờ thử sáng tác một bài thơ cho riêng mình. Trong khí đó, những hoạt động làm thơ trong chương trình học lại rất hiếm, hầu hết là học sinh chỉ được phân tích những bài thơ cổ điển theo một khuôn mẫu. Chị nghĩ sao về điều này? Chúng ta có thể đổi mới cách học như thế nào để khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo cho học sinh, để học sinh “dám nghĩ, dám làm”?
Tôi vẫn nghĩ rằng, chúng ta cần thay đổi cách dạy văn. Cách dạy truyền thống vẫn đem lại nhiều giá trị, tuy nhiên, bên cạnh đó, có thể có một chương trình hỗ trợ để truyền được cảm hứng thật sự cho các em qua các giờ học. Đó có thể là chương trình “Hành trình văn học”, đưa học sinh về những địa chỉ văn hóa-văn học có trong sách giáo khoa, những nơi liên quan đến nhà văn, những chương trình giao lưu với các nhà văn. Hành trình đi theo cảm xúc của nhà văn cũng kích thích khả năng sáng tạo và khơi nguồn cảm xúc cho chính các em học sinh. Một buổi học thực địa mang nhiều giá trị tạo động lực khác hẳn so với việc chỉ học ở trên lớp theo một khuôn mẫu nhất định.
Riêng việc làm thơ thì... tôi không cho rằng mọi người đều phải và có thể làm thơ. Tuy nhiên, việc khơi dậy cảm xúc, giữ được cảm xúc khi học một bài thơ là việc cần làm. Đôi khi, những “ba-rem” ý cho trước khi phân tích thơ đã giết chết cảm xúc của học sinh, khiến học sinh sợ môn văn nói chung và sợ thơ nói riêng. Trong nhiều tiết học môn Văn cũng có thể học bằng phương pháp tương tác hoặc có những tiết học mà chủ đề được lựa chọn tương đối tự do, cho các em quyền được nói, được nghĩ, được trình bày một vấn đề theo kiểu của mình.
Để hỗ trợ cho việc này, có thể tìm đến các môn nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc, sân khấu... Chẳng hạn: ngắm một bức tranh mùa thu, nghe một bản nhạc... và viết lại cảm xúc của em lúc ấy. Hội họa, âm nhạc đều khơi gợi cảm xúc mà văn học lại có thể lưu giữ những khoảnh khắc cảm xúc ấy bằng lời. Phải có nhiều cách khác nhau khuyến khích học sinh chia sẻ và trân trọng cảm xúc của chính mình và của người khác. Đó cũng chính là khởi nguồn của thơ ca.
Sau nhiều năm xa rời mái trường cấp 3, giờ đây trở lại ngôi trường HN-Ams này, ngắm nhìn nó với một diện mạo mới, chị có những cảm nhận gì về ngôi trường này? Chị có lời nào muốn gửi tới thầy và trò trường HN-Ams không?
Mỗi một người đều có một khoảng lớn cho những kỷ niệm gắn liền với hình ảnh ngôi trường cũ của mình. Đương nhiên, tôi rất nhớ trường cấp III của tôi với dãy nhà bốn tầng quen thuộc, cái cổng vào giản dị, sân sau đầy hoa giấy... Kỷ niệm tuổi thơ luôn đẹp và êm đềm, đã nâng bước mỗi khi ta vấp ngã. Giờ đây, diện mạo mới của trường Ams khiến tôi... hơi ngợp một chút. Cơ sở vật chất của trường thật sự quá lý tưởng cho một ngôi trường cấp III. Tôi cảm thấy vui mừng cho học sinh của trường, nhưng không... ghen tị đâu nhé. Vì tôi biết, giá trị của ngôi trường nằm ở những con người, thái độ của họ đối với cuộc sống và đối với cộng đồng. Tôi nghĩ, học sinh trường Ams đã và đang được quan tâm đúng mức, đang có một môi trường học tập hiện đại để có thể phát triển toàn diện và tự tin hướng về tương lai. Mong sao, các bạn trẻ tự mình có trách nhiệm làm nên “giá trị Ams”, biết chia sẻ với cộng đồng và biết tri ân những người tạo nên cho mình một môi trường học tập tốt. Hướng lên phía trước, ước mơ bay bổng và đến một lúc nào đó nhìn lại phía sau, khi đã qua cả một chặng đường, hẳn bạn sẽ nhận ra nhiều giá trị hơn nữa từ ngôi trường thân yêu, “bệ phóng” cho đường bay của bạn.
Nhân cuộc trò chuyện này, tôi cũng xin nhờ bạn chuyển hộ lời tri ân của tôi đến mái trường Hà Nội – Amsterdam thân thương trong tâm trí tôi suốt nhiều năm qua, tới các thầy cô giáo và các bạn trẻ. Các thầy cô trực tiếp dạy tôi đã gần như về hưu hết cả rồi, nhưng tôi vẫn nhớ được từng người trong số họ và trân trọng từng bài học nho nhỏ họ đã cho tôi, nhớ mãi những lời thầy cô đã viết động viên tôi trong lưu bút ngày tôi ra trường. Tôi còn nhớ, một thầy giáo ký dưới dòng lưu bút ấy là “Một người thầy và một người bạn”. Có lẽ, đó cũng là một giá trị cần được xây dựng ở ngôi trường của chúng ta. Thầy cô giáo là người hướng dẫn cũng là người bạn đồng hành trong quá trình thành người của mỗi chúng ta.
Tôi nghĩ, thế hệ các em bây giờ mạnh mẽ và tự tin hơn chúng tôi ngày ấy, môi trường cũng phóng khoáng rộng mở hơn, lại có nhiều mối liên hệ với thế giới rộng lớn bên ngoài bằng nhiều hình thức – mong sao các em hướng cái nhìn xa tới chân trời, mơ đến công việc tương lai mình sẽ làm với sự say mê và đầy ắp chia sẻ cộng đồng, đồng thời giữ cho mình từng khoảnh khắc đáng quý với bạn bè, thầy cô – những gì sẽ giúp các em đi tiếp mỗi lần gặp khó khăn.
Xin trân trọng cảm ơn chị!
(PV Khánh Linh – 10 Trung)