Trong 5 đề án thi tài thì Hà Nội chiếm 4 đề án. Đề án còn lại đến từ nhóm học sinh đến từ TPHCM.
Các đề án dự thi của Hà Nội gồm: Nghiên cứu công nghệ xử lí nước thải phòng thí nghiệm bằng đá vôi và mùn cưa của nhóm Phạm Quốc Hoàng (nhóm trưởng), Nguyễn Hoàng Hiệp, Phạm Hữu Đạt - lớp 10 Hóa THPT Chu Văn An; Đề án nghiên cứu sản xuất Isoflavone Aglycone từ đậu tương bằng công nghệ vi sinh của em Nguyễn Thảo Anh - lớp 11A1 THPT Chu Văn An; Đề án nghiên cứu khả năng lọc vi khuẩn trong nước của màng vỏ trứng gà của nhóm học sinh Vũ Mai Hương, Hoàng Trọng Nam Anh, Đỗ Thùy Linh đến từ Trường THPT Hà Nội - Amsterdam; Đề án nghiên cứu khả năng xua đuổi côn trùng từ tinh dầu và dịch chiết cây chổi xể của Trần Việt Hoàng và Nguyễn Thanh Đức - lớp 11 chuyên Sinh THPT chuyên Nguyễn Huệ.
Đề án duy nhất của TPHCM tham dự cuộc thi quốc tế là “Hệ thống trồng rau nuôi cá tự động tại nhà” của 3 em Trần Ngọc Châu, Nguyễn Phương Duy và Trương Nhựt Cường (học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM).
Tất cả các đề án tham dự cuộc thi quốc tế đều đã đạt giải cao trong kì thi cấp quốc gia vừa qua. Trong đó đáng chú ý ở khu vực phía Bắc cả hai đề án của THPT Chu Văn An sang Mỹ dự thi đều giành giải nhất ở cấp quốc gia.
Để động viên tinh thần đoàn trước khi lên đường, chiều qua (9/5), lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã có buổi tiếp đón thân mật nhằm động viên tinh thần. Theo quan điểm của Bộ GD-ĐT, Intel ISEF là một sân chơi dành cho học sinh THPT. Thông qua cuộc thi này sẽ làm thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học ngay từ cấp THPT, bên cạnh đó sẽ là cầu nối để các trường ĐH, CĐ gắn kết được với khối trường THPT.
Lê Đức Thuận (Theo Dân trí)