"Du học các nước Phần Lan, Hà Lan vẫn có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh nhưng học phí và chi phí sinh hoạt thấp hơn so với Mỹ, Úc… Hơn nữa, do muốn thu hút sinh viên quốc tế nên visa vào các nước này rất dễ dàng" - cô Phan Thanh Xuân, Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế Trung tâm Du học AMA, nhận xét về thế mạnh của thị trường du học châu Âu hiện nay.
Chương trình thực tập có lương tại Đại học Stenden - Hà Lan thu hút nhiều sinh viên quốc tế.
Trường công cũng mở "hầu bao"
Để dẫn chứng điều này, cô Phan Thanh Xuân đưa ra trường hợp của Trường Đại học Công lập Saxion - Hà Lan. Khi đăng ký chương trình cử nhân của đại học này, sinh viên có cơ hội nhận học bổng trị giá 3.300 euro. Do đó, mức học phí còn lại chỉ 4.500 euro. Trường có các chương trình quốc tế được giảng dạy bằng tiếng Anh gồm các ngành về kinh doanh và kỹ thuật. Sinh viên còn có cơ hội vừa học vừa làm thêm 10 giờ/tuần với mức lương tương xứng. Mức chi phí này sẽ phần nào hỗ trợ cho sinh viên trong suốt quá trình học tập tại Hà Lan.
Trường Đại học Han (Hà Lan) cũng đưa ra học bổng trị giá 2.500 euro/năm và sẽ xét duyệt tiếp cho các năm sau dựa trên số tín chỉ đạt được. Theo Công ty Tư vấn Giáo dục mạng lưới quốc tế (INEC), đơn vị đại diện tuyển sinh, với mức học phí đại học 7.000 euro/năm, chi phí sinh hoạt từ 4.000 - 6.000 euro/năm, cơ hội làm thêm ngoài giờ 20 giờ/tuần, không chứng minh tài chính… là những lý do khiến Hà Lan thu hút du học sinh quốc tế.
Trong khi đó, nhiều trường đại học ở Phần Lan cấp học bổng là 100% học phí và chương trình học giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, được làm thêm 20 giờ/tuần… Để đạt được học bổng này, ngoài yêu cầu về chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, ứng viên phải dự thi 2 môn toán và tiếng Anh. Công ty Du học VISCO cho biết hằng năm đã gửi khoảng 30 sinh viên đến học tập tại các trường đại học như Haaga - Helia, Hamk, Laurea, Turku, Lahti, Metropolia, Savonia, Vaasa, Central Ostrobothnia…
Rào cản chứng chỉ tiếng Anh quốc tế
Dù các đơn vị đại diện tuyển sinh của các trường đại học châu Âu như Phần Lan, Hà Lan đều khẳng định tỉ lệ visa vào các nước này rất cao, thậm chí 100% nhưng họ thừa nhận sinh viên Việt Nam vẫn bị một rào cản. Đó là phải có bảng điểm tiếng Anh TOEFL iBT hoặc IELTS trước khi vào học. Trong khi các quốc gia khác có thể học tiếng Anh tại nước mình mà không cần chuẩn bị như tại Việt Nam.
Ví dụ điều kiện tiếng Anh để học bậc đại học đối với nhiều trường đại học Phần Lan là: IELTS 5.5 - 6.0/TOEFL iBT 79 - 80. Còn đối với đại học Hà Lan là: IELTS 6.0, TOEFL 550/TOEFL iBT 80. Rào cản là ở chỗ không phải học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 nào cũng có sẵn các chứng chỉ này. Do đó, học sinh có ý định du học đại học châu Âu ngay khi tốt nghiệp lớp 12 thì trước đó phải đầu tư thời gian học tiếng Anh và dự thi lấy các chứng chỉ quốc tế nói trên.
Ngoài ra, dù các quốc gia như Đức, Pháp, Phần Lan, Hà Lan... đều có những chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh nhưng nếu du học ở các nước này sinh viên vẫn phải trang bị cho mình ngôn ngữ của nước bản xứ để thuận tiện trong giao tiếp, sinh hoạt, du lịch... Các chuyên viên tư vấn du học khuyên rằng tuy nhà trường có dạy ngôn ngữ bản xứ cho sinh viên quốc tế nhưng để an tâm du học thì cần học ngôn ngữ đó từ khi ở Việt Nam, ở mức độ giao tiếp căn bản.
Lê Đức Thuận
(Theo Người lao động)