Phóng viên (PV): Lời đầu tiên, con xin chân thành cảm ơn cô vì đã nhận lời tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay ạ. Không biết cảm giác của cô như thế nào khi ngày 20/11 - ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến rất gần ạ?
Cô Dung: Đối với tất cả các thầy các cô, ngày 20/11 thực sự được coi là một ngày Tết. Trước tiên, đối với bản thân cô, với tư cách là một học trò, đây là dịp để được bày tỏ sự tri ân của mình với những người thầy trước kia cô may mắn được học tập. Bên cạnh đó, như một giáo viên, cô cũng nhận được rất nhiều tình cảm và những lời chúc tốt đẹp từ không chỉ các bạn học sinh mà còn từ cả những lứa cựu học sinh đã ra trường. Và xúc động nhất là, cũng chính dịp này, cô được nhìn thấy và chứng kiến sự trưởng thành của những học trò năm xưa.
PV: Sau 3 năm học online do ảnh hưởng của đại dịch Covid, đây là năm đầu tiên ngày Nhà giáo Việt Năm 20/11 được tổ chức offline trở lại. Vậy khi được gặp trực tiếp những học trò của mình, cô có thấy điều gì đặc biệt so với những năm trước không ạ?
Cô Dung: Thực lòng mà nói, so với các năm học online trước, cô cũng không thấy điều gì khác biệt lắm. Bởi vì, kể cả là gặp mặt trực tiếp hay kết nối với nhau qua những màn hình máy tính, điện thoại, cô vẫn cảm nhận được những tình cảm rất chân thành từ phía học sinh.
PV: Là một giáo viên giảng dạy bộ môn Toán, một môn học mà đối với đa phần học sinh ban xã hội đều coi là khó nhằn, không biết cô có bí kíp gì để có thể giúp các bạn dễ dàng tiếp thu hơn không ạ?
Cô Dung: Cô nghĩ, một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến các bạn cảm thấy khó khăn khi học Toán là nằm ở cách tiếp cận với môn học này. Bản thân cô luôn quan niệm rằng, có hai từ khóa giúp các bạn chinh phục Toán cơ bản, đó chính là “chịu khó” và “tỉ mỉ”. Toán học là một bộ môn rất logic, nên chỉ cần chú ý từ những kiến thức nhỏ nhất, thì cô tin chắc rằng dần dần các bạn sẽ thấy việc nắm bắt kiến thức môn học chưa hẳn đã khó như các bạn tưởng tượng. Có khi, chính vì tâm lí “sợ Toán”, “ngại Toán” mới là “thủ phạm” khiến việc học môn này khó khăn hơn.
Cô Mai Dung luôn nhiệt tình giải đáp thắc mắc của học sinh trong các tiết học
PV: Trong suốt sự nghiệp giảng dạy của mình, không biết có kỷ niệm nào lưu lại ấn tượng sâu sắc nhất với cô không ạ?
Cô Dung: Phải nói là, trong những năm qua, cô có rất nhiều kỉ niệm thực sự đáng nhớ. Nhưng có một bạn cựu học sinh đã để lại nhiều ấn tượng cho cô, đó là một em học sinh chuyên Văn đã ra trường từ rất lâu rồi, từ những năm đầu tiên cô công tác tại trường. Và đến tận bây giờ, sau bao nhiêu năm, cô và bạn ấy vẫn rất thân thiết, gắn bó, vẫn giữ liên lạc và nói chuyện thường xuyên. Cô rất vui khi được đồng hành với tất cả những học trò của mình, không chỉ trên tư cách là một người thầy, mà hơn hết là một người bạn.
PV: Sau bao năm giảng dạy với nhiều lứa học sinh thành công, không biết có điều gì khiến cô cảm thấy tự hào nhất không ạ?
Cô Dung: Với quan điểm của cô, cô chỉ nghĩ đơn giản rằng, tự hào là khi nhìn thấy học trò trưởng thành. Những lứa học sinh đầu tiên của cô bây giờ cũng đã ngoài 30 tuổi rồi, cũng đã có sự nghiệp, cũng đã lập gia đình, và khi nhìn lại, cô đều rất mừng cho các học trò ngày nào. Cô nghĩ rằng, sự trưởng thành và chững chạc của các em học sinh đều chính là niềm tự hào và hãnh diện to lớn nhất của không chỉ riêng mình cô mà còn của tất cả những thầy cô giáo khác đã và đang làm nghề.
PV: Con xin cảm ơn cô một lần nữa vì những chia sẻ của cô trong buổi phỏng vấn hôm nay ạ. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt CLB Ams Wide Web, con xin gửi tới cô những lời tốt đẹp nhất. Con chúc cô sẽ luôn vui vẻ, hạnh phúc, có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng của nghề giáo – sứ mệnh “trăm năm trồng người” ạ.
Phóng viên viết: Phạm Hoàng Hải Anh - Văn 2124
Ảnh: Facebook nhân vật