Một góc Hà Nội thôi

By toan | 11 Tháng Chín, 2013

Đó là khi cậu rẽ Hàng Phèn, vòng lại Hàng Vải, cười hớn hở:

- A đây rồi !

- Không, không phải phố này. Đó là Hàng Thiếc !

 Đó là khi mắt cậu muốn chạm tới trời, tay cậu muốn lướt nhẹ trên những mái ngói đỏ rực và tự hỏi chúng đã ở đó bao năm.

 Đó là khi cậu cho phép gió hôn vào má và nắng hôn nhẹ lên môi. Mắt cậu mở tròn. mở không phải để  nhìn cái cậu đang nhìn mà nhìn về thứ cậu đang tìm.

 Quá khứ là đây, là cái chốn phố "Hàng" chằng chịt, là tiếng người rao kẻ bán, là cái cột điện từ thuở nào, là những âm thanh của một thời xa vắng. Cậu bỗng muốn chạy vội về với ông bà " Ông ơi, bà ơi, hồi xưa Hà Nội thế nào ạ?"

 Là người ngồi trước cậu bỗng  hét lên làm dòng suy nghĩ của cậu như một sợi dây chun bị một con dao chặt đứt, rồi bật tung trở về bức tường hiện thực," Phố í đây rồi !"

 Là về hiện thực, cậu chợt thấy xao xuyến, chợt thấy gì đó lạ hơn chuyến giấc mơ của mình vừa nãy.

 Tiếng búa chan chát, tiếng chào xởi lởi của cô bán hàng.

 " Đẹp quá!" là lời cậu thốt lên vô thức khi tới phố Hàng Đồng.

 Hàng Đồng, đó là con phố của một nền văn hóa Á Đông, của những cái nắm cửa hình con lân ngậm một chiếc vòng cỡ lớn, của những chậu hương, những long, những phượng cho các nhà thờ dòng họ hay trong chùa hay trong bất cứ ngôi nhà dù sang hay hèn của cái đất hà thành. Những chiếc đèn, những chốt cửa được làm thủ công một cách khéo léo. Không, tất cả chúng không đơn giản là những sản phẩm thủ công. Dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, như một cô lọ lem dưới cây đũa thần kì của bà tiên, những thỏi đồng thô sơ đã biến thành những cành hoa uốn nhẹ trong nắng. Và phải chăng bị quyến hút bởi những đường nét của hoa lá, của chim muông mà nắng quên chuyến ngao du của mình, mà đậu trên một cành đào, tỏa cái sắc vàng chói lọi, hắt trên mặt khách qua đường những dải vàng lấy từ trên trời. Và rồi cái thứ ánh sáng ấy như làm người khách bộ hành giật mình. Anh đã đi ngao du khắp nơi, đã chiêm ngưỡng biết bao kiệt tác, đã thưởng thức biết bao cái tinh hoa của xứ sở người, vậy mà thứ ánh sáng ấy lại làm anh dừng lại. Đó không phải là thứ ánh sáng đơn thuần, đó là những dải vàng của một thời kì phồn vinh, của cái quá khứ xa thẳm vọng về. Chính bàn tay thô đen, với tiếng búa chan chát của những người thợ, chính tiềm thức của thời xa đã dệt nên những sợi vàng ấy. Người khách như nghe thấy tiếng ông cha vọng về. Âm vang mà rung động…

 Bỏ đi cái hiện đại khoa học tiên tiến, người khách chợt dụi mắt cho những ngỡ ngàng, cho những thứ anh sẽ chẳng thể tìm ở đâu khi bước khỏi dãy phố này. Anh thấy lòng mình xao xuyến, xao xuyến trong nụ cười hạnh phúc của người già, người lớn, của trẻ con xúm xít trong một căn nhà bé tẹo, bày toàn những đồ đồng xung quanh. Anh thấy mình cười, cười cùng gia đình bà chủ khi thấy đứa bé khoảng 2 tuổi cầm cây búa, thanh sắt, bắt chước cha "đập, đập, chan chan, chát chát". Chả ai thèm lo cái búa đập vào tay đứa bé. Chả ai thèm dạy nó cầm búa. Họ chỉ nhìn như cái lẽ thường trong cái gọi là " gia truyền". Đó có phải là dòng máu của ông cha đang chảy trong đó, cái niềm đam mê, cái tinh, cái khéo của những con người lao động. Lại lần nữa, cậu lại nghe thấy âm thanh của thuở nào, cái sầm uất 1 thời…

 Người bán hàng rối rít cầm mẫu " Để chị chạy sang bên kia xem có làm được như bản thiết kế không, người nhà với nhau cả í mà". Và cậu tròn mắt "Người nhà?". Có dãy phố nào giống những con phố nơi đây, khi mỗi phố là nơi sống của cả một dòng họ, họ đã sống, đã ăn, đã làm nên những tác phẩm để đời, đã đem cả một nền văn hóa trong các ngõ ngách của Hà Nội. Để giờ đây, đâu đâu ta cũng thấy Hà Nội trong nhà, trong chùa, trong những cánh cửa của nhà ai, trong bát hương, trong cây đèn bà lôi xuống từ bàn thờ tổ tiên mỗi tết và ngồi hì hụi lau.

 Có phải tổ tiên đang ở đâu đây, trong những gian nhà vẫn còn tiếng búa, tiếng đập từ thuở xưa. Có phải họ vẫn ở đó, trong tiếng cười của những người nhà với nhau, trong cái hối hả của bà chủ khi giới thiệu hàng với khách. Họ ở đó để truyền dòng máu nghề nghiệp cho con cháu, nhìn con cháu như nhìn chính họ thuở ban sơ, nhìn mà vui vì cái nghề họ lập từ máu xương vẫn được gìn giữ nơi đây, vẫn được nối dõi và phồn vinh như lời thề với tổ tiên, với dòng họ 

 Bước tới một con phố, ta đâu chỉ tìm quá khứ trong những mái ngói đã phai màu, trong cái khao khát môt Hà Nội xưa, ta còn tìm ở đó một hiện tại của quá khứ. Ở đây, người ta không sống về quá khứ, họ sống dựa vào quá khứ. Ông cha đã cho họ bàn tay, dòng máu ông cha đã cho họ nghề nghiệp, và quá khứ vẫn sống mạnh mẽ trong thế giới hiện đại đấy thôi. Đâu cần một bức họa về một Hà Nội xưa, một trang văn của Nguyễn Khải, của Nguyễn Tuân để tìm trong đó cái tinh hoa của Hà Nội một thời. Hà Nội vẫn ở đó, trong âm thanh rộn ràng, trong tiếng cười lao động và ta chợt thấy " Hà Nội đẹp quá Hà Nội ơi !"

 Thu Hằng ( Văn Ams  09 - 12 )

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan