Học Lịch sử một cách hiệu quả nhất

By toan | 15 Tháng Năm, 2017

Lịch sử là môn học về nghiên cứu và phân tích những sự kiện đã xảy ra. Học Lịch sử ta như được sống lại cùng những trang sử hào hùng của dân tộc cũng như được hòa mình vào trong quá khứ của nhân loại. Đối với tôi môn Lịch sử như có một sức hút kì lạ, khiến tôi say mê. Tôi đã học sử với tất cả niềm đam mê của mình và thật vui khi đạt được những kết quả tốt trong học tập. Tôi sẽ chia sẻ với các bạn 1 số kinh nghiệm học sử của tôi.

1. Nghe giảng ở lớp

Vì nó là điều kiện đầu tiên giúp bạn trong việc học bài ở nhà sau đó. Bài giảng nếu bạn tiếp thu tốt thì tất nhiên sẽ học bài mau thuộc. Bạn phải xác định như vậy mới gạt phăng mọi vấn đề khác để tập trung cho việc nghe giảng bài. Nếu như bạn không chú tâm nghe giảng thì đâu phải bạn có động cơ học. Mà động cơ học tập thì đúng là điều rất quan trọng đội với chúng ta( giới trẻ) ngày nay.

2. Phải thổi hồn vào những con số

Với lịch sử không nên học thuộc từng câu, từng chữ, từng từ vì như thế là không cần thiết, tuy nhiên, phải nhớ mốc lịch sử đó là ngày, tháng, năm nào. Bạn phải hiểu sự kiện ấy có ý nghĩa như thế nào và thả tâm  hồn mình vào những con số, ngày tháng ấy chứ không phải trình bày một cách khô khan, vô nghĩa. Bạn  khó mà có thể  đạt được điểm cao nếu chỉ đưa ra con số, số liệu mà không có phân tích, chứng minh.

Học Sử, bạn nên chia từng thời kỳ và trong từng thời kỳ phải định ra những sự kiện chứ không nên học thuộc máy móc theo sách giáo khoa.

Ví dụ :  Nêu nội dung chủ yếu của lịch sử thế giới nửa đầu thế kỉ XX

Đầu tiên chúng ta phải suy luận logic rằng nửa đầu thế kỉ XX là vào khoảng từ năm 1901-1950. Sau đó chúng ta mới liệt kê các sự kiện quan trọng và có ảnh hưởng lớn. Và cuối cùng nêu ra thời gian ý nghĩa, diễn biến và hậu quả. Chẳng hạn như Chiến tranh thế giới lần thứ 2:


3. Đừng học vẹt

Đừng coi Sử là môn phụ. Sử phải học thường xuyên để ngấm sâu vào nhận thức của từng người. Phải chọn vấn đề để học, phải hiểu vấn đề để nắm vững bản chất của vấn đề và vận dụng linh hoạt trong bài làm vì đề thi học kỳ hiện nay thường vào những dạng bài  phân tích và tổng hợp. Trong quá trình làm bài không nên đi sâu quá vào sự kiện mà phải nêu bật được tính khái quát của nó. Do vậy, bạn phải biết khái quát vấn đề và quan trọng nhất là nắm chắc câu hỏi.


4. Xem phim tài liệu và đi ngao du nhiều hơn

Hãy xem những cuốn phim tài liệu về các sự kiện như về Chiến dịch Điện Biên Phủ, về chiến tranh thế giới …và nhiều cuốn phim tài liệu lịch sử khác. Đó cũng là một cách ghi nhớ lịch sử trực quan, sinh động.

Những bộ phim đó sẽ giúp bạn tiếp thu kiến thức lịch sử một cách nhẹ nhàng hơn, với ấn tượng mạnh hơn mà không hề cảm thấy khô khan như tiếp thu trên trang sách.

Nếu có điều kiện bạn có thể đi ngao du để biết them kiến thức về lịch sử. Ví dụ như đi Huế để biết thêm về các lăng tẩm, về lịch sử thời Nguyễn, hay về kiến trúc… Ngoài ra bạn còn có thể đi thăm quan những bảo tàng lịch sử để hiểu rõ hơn và khắc sâu các kiến thức mình đã học trên lớp.

5. Áp dụng logic vào sử

Khi làm bài thì bạn nên nhớ phải có tuần tự, đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, kết thúc vấn đề bởi đó là lôgíc vấn đề của lịch sử mà chúng ta không thể bỏ qua.


6. Gắn các sự kiện với thứ gần gũi

 Các sự kiện lịch sử bao giờ cũng đòi hỏi phải thật chính xác. Vì vậy, bạn hãy nhớ kỹ bằng cách đính vào mỗi sự kiện (năm tháng xác định) một cột mốc liên quan đến bản thân. Tôi thường gắn các sự kiện đến ngày sinh nhật của mọi người như: Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng 10 Nga thắng lợi vào ngày 25-10( lịch Nga), ngày đó cũng là sinh nhật của tôi nên rất dễ dàng để nhớ.

7. Nhớ 1 được 2

Với nhiều sự kiện chỉ cần nhớ 1, ta sẽ nhớ sự kiện kia. Chỉ cần các bạn tìm ra cách thức liên kết 2 sự kiện ấy.

Ví như ngày 27 tháng 1 (1973) là ngày kí Hiệp định Pari, đảo lại, ngày 21 tháng 7 (1954) là ngày kí Hiệp định Giơnevơ; Ngày 2 tháng 9 (1945) Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, đảo lại ngày 9 tháng 2 (1930) là ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái…


Cuối cùng: HỆ THỐNG KIẾN THỨC TRƯỚC KHI ĐI NGỦ

Bạn hãy dành ít nhất 10 phút trước khi đi ngủ để hệ thống lại khối kiến thức đã thu lượm được trong ngày.

Cố gắng nhớ lại trong đầu những sự kiện, như hôm nay mình học về Pháp nổ súng xâm chiếm Việt Nam,Pháp đánh Gia Định,…

Ta sẽ cần nhớ Pháp tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam xong rồi đến thái độ của người dân là chống trả quyết liệt và quan trọng nhất là thời gian (1/9/1858). Chỉ với ít phút đó bạn có thể khắc sâu kiến thức thêm một lần nữa. Hôm sau, nếu có thời gian, sau khi hệ thống kiến thức của ngày đó, bạn có thể hệ thống kiến thức đã học của ngày hôm qua, hôm kia.

Thi Lịch sử sao cho điểm cao?

Th.S Nguyễn Thu Hiềngiảng viên khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội:  Để có điểm cao khi thi môn Lịch sử thì bài thi yêu cầu thí sinh cần phải thể hiện được kỹ năng hệ thống vấn đề, khi làm bài cần phải biết phân tích và hiểu bản chất của sự kiện, ngoài ra nguyên tắc luôn luôn phải ghi nhớ trong đầu thí sinh là: Đủ ý! Đủ ý!

- Điểm đầu tiên cần tránh, tuyệt đối không đem tài liệu vào phòng thi. Bạn tự làm mình không tự tin, có tài liệu lo bị bắt, không tập trung làm bài. 

- Vào phòng thi, hãy để tinh thần thoải mái, phong thái tự tin, đừng tạo áp lực cho bản thân.

- Cầm đề thi, đọc vài lần để nắm rõ đề, định hình trong đầu cách làm. 10 phút đầu tiên hãy vạch dàn ý sơ lược nhất cho tất cả các câu trong đề thi.

- Phương châm làm bài là dễ làm trước, khó làm sau. Câu nào bạn hiểu rõ nhất, hãy làm trước, lúc đó sẽ tạo cho bạn sự tự tin khi tiếp cận những câu khó hơn vì ít ra bạn đã làm được một phần bài.

- Căn cứ vào số điểm cho các câu mà làm bài cho đúng dung lượng kiến thức và thời gian. Không được làm quá dài câu bạn nắm vững kiến thức nhưng điểm câu đó lại không cao, sẽ làm mất thời gian những câu khác. Nhớ căn mốc thời gian cho từng câu hỏi.

- Đối với những câu liên quan tới sự kiện, mốc thời gian, nhân vật, nếu nhớ rõ thời gian, tên nhân vật bạn hãy viết, còn không nên viết. Ví dụ, ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nếu không nhớ ngày, thì chỉ ghi tháng 4 năm 1975. Không nhớ ngày, tháng, chỉ ghi năm. Tên người cũng vậy.

- Làm bài, hãy làm đúng trọng tâm câu hỏi, hỏi gì đáp nấy, đừng lan man kiến thức dễ lạc đề. Nếu kiến thức rộng, nắm chắc thì hãy liên hệ, mở rộng thêm xung quanh vấn đề đó nhưng đừng để mất nhiều thời gian quá.

- Trong bài viết cần phải biết trình bày vấn đề một cách sáng sủa, mạch lạc. Nên có sự trình bày “thụt” vào trong khi "xuống ý" để giáo viên dễ chấm điểm. Để tránh thiếu ý, trước khi làm thí sinh nên “nháp” trước, vạch ra các ý cơ bản, cần thiết. Những ý nào nắm vững thì có thể viết cụ thể, những sự kiện nào không nắm vững thì tốt nhất chỉ nên nêu qua nội dung hoặc không nêu!

Lê Đức Thuận (Theo LuyenthiVIP)

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan