Cựu học sinh trường Hà Nội - Amsterdam làm nghề tài chính ở Mỹ

By toan | 23 Tháng Năm, 2014


Họ và tên: Lê Bá Nam Anh
Ngày sinh: 8/3/1988.
Thành tích:
 + Chủ tịch đương thời của tổ chức VietAbroader
 + Sinh viên Đại học Dartmouth danh tiếng của Hoa Kì, từng học tại London School of Economics (UK)
 + Học bổng của Đại học Dartmouth dành cho sinh viên xuất sắc, Chủ tịch hội sinh viên khoa Kinh doanh và Chủ tịch hội sinh viên Đông Nam Á tại Dartmouth
 + Lớp trưởng Anh1 Ams khoá 03-06
 + Vô địch bóng rổ và đạt giải Mr.Ams năm 2006
 + Co-director của Hanoi Conference năm 2006
 + Top 10 hotboy của Hà Nội năm 2006 do bạn đọc báo Hoa Học Trò bình chọn

 

Tôi gặp Nam Anh lần đầu tiên vào hội thảo VietAbroader, khi đó, Lê Bá Nam Anh lên chia sẻ cơ hội để nhận học bổng khủng tại Mỹ và nội dung, đường hướng của VietAbroader.

Mới đây, những thông tin về Nam Anh được cập nhật nhiều hơn, đặc biệt là lúc chương trình SEO IIV cho biết Nam Anh đang vừa cố gắng kiếm tiền ở Mỹ vừa tham gia hoạt động để hướng du học sinh trở về Việt Nam làm việc. Điều đó đã thúc đẩy tôi thực hiện một cuộc khám phá chàng trai tài năng và nhiệt huyết này.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngoại giao, thời cấp 2, khi bố đi công tác New York, Nam Anh đã sống và học tập tại Mỹ. Sau khi trở về Việt Nam, Lê Bá Nam Anh là một cái tên không xa lạ đối với học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam về thành tích học tập, vẻ ngoài điển trai cũng như tài năng thể thao.

Năm 2006, tốt nghiệp trung học, Lê Bá Nam Anh nhận học bổng của trường đại học Dartmouth danh tiếng. Tại đây, anh chàng liên tục đạt học bổng dành cho những sinh viên xuất sắc, có nhiều đóng góp cho trường. Nam Anh cũng là Chủ tịch hội sinh viên Đông Nam Á, 3 năm liền phụ trách các nhà kí túc xá tại trường (như huynh trưởng trong Harry Potter).

Cựu hot boy trường Ams làm nghề tài chính ở Mỹ
Nam Anh (ngoài cùng bên trái) trong lễ tốt nghiệp ĐH tại Mỹ.

Hiện tại, Nam Anh làm việc ở vị trí phân tích viên tài chính (investment banking analyst) tại ngân hàng đầu tư Jefferies (Hoa Kỳ), một trong những công việc đòi hỏi trình độ cao, chịu đựng áp lực lớn và dĩ nhiên điều mang lại là kinh nghiệm và tiền bạc là hoàn toàn phù hợp.

Cựu hot boy trường Ams làm nghề tài chính ở Mỹ
Mỗi tuần Nam Anh làm việc khoảng 100-120 giờ.

Nam Anh cho biết, có 3 điều đã khiến anh chàng lựa chọn nghề phân tích tài chính, đó là sự cạnh tranh, tốc độ đòi hỏi sự năng động - chịu được áp lực và thứ ba là kiếm tiền.

Về công việc, nói đơn giản thì một ngân hàng đầu tư làm 2 việc. Một là giúp các công ty huy động vốn qua các khoản vay hoặc qua việc phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Hai là cung cấp cố vấn tài chính cho các công ty, có thể dưới dạng các hoạt động sát nhập công ty (merger & acquisition), tái cơ cấu (restructuring).... Nam Anh thực hiện việc phân tích tài chính của các công ty này và team, sử dụng kết quả mình đưa ra để đưa ra lời khuyên cho khách hàng.

Ngoài ra, Nam Anh dành rất nhiều thời gian trong việc rất tạo các bài thuyết trình trên power point để team trình bày với khách hàng và đem các vụ làm ăn về cho công ty.

Công việc của Nam Anh đòi hỏi tốc độ cao và sự chính xác đến 200%. Chỉ cần sai một con số là tất cả phân tích sai hết bởi mọi thứ đều liên kết với nhau. Hoặc nếu nhấn nhầm ô excel là cả cái phân tích của bạn đi theo chiều hướng khác. Ngoài ra, những người làm cùng bạn luôn nghĩ là vụ làm ăn của họ là quan trọng nhất nên việc cân đối làm sao cho mọi người đều hài lòng là cái rất khó.

Và, có lẽ mọi người khó có thể tưởng tưởng nổi một anh chàng 8X lại có thời gian biểu như thế này. Sáng dậy từ 8h, chuẩn bị mọi thứ 8h30 ra khỏi nhà để 9h có mặt ở công ty. Làm đến 5h là lúc mọi người đi làm về mới là giữa ngày của Nam Anh. Đến thời điếm này nếu không bận (dù khá hiếm), thì anh chàng tranh thủ tập thể thao.

Lúc quay lại thì thường mọi người gọi đồ ăn tối và sếp cũng đã giao việc nộp ngày hôm sau nên phải tranh thủ ăn nhanh trong nửa tiếng rồi ngồi làm tiếp cho đến khi xong thì thôi. Sớm thì 10h tối là xong, còn muộn là ngủ luôn ở công ty hoặc nếu có về nhà thì cũng khoảng 1-2h sáng.

Cựu hot boy trường Ams làm nghề tài chính ở Mỹ
Khoảnh khắc thư giãn bên bạn bè.

Hôm sau lại tiếp tục như thế. Và cuối tuần trong khi người khác được nghỉ ngơi, đi du lịch thì anh chàng cũng phải đến công ty để làm mọi thứ chuẩn bị cho các cuộc gặp khách hàng vào đầu tuần sau. Tính ra mỗi tuần thời gian làm việc khoảng 100-120 tiếng và mới có 2 cuối tuần duy nhất Nam Anh được nghỉ, trong đó một cái là vào năm mới.

Giữa guồng quay công việc, dĩ nhiên Nam Anh thường xuyên bị stress. Nam Anh chia sẻ: "Mình không có nhiều thời gian lắm ngoài công việc nên cũng chả ra ngoài được mấy để gặp người này người nọ. Mình về muộn lắm. Thế nên mình thường giải khuây qua việc lên mạng, nói chuyện phiếm với các bạn mình. Mình có một người bạn thân gần 6 năm rồi, cái gì cũng chia sẻ."

Ngoài ra, có lẽ nhờ gen con nhà ngoại giao, cùng với sự hướng dẫn của 2 người chú làm trong lĩnh vực tài chính nên dù công việc nặng nhọc, áp lực nhưng học được rất nhiều và luôn đảm nhận tốt công việc của mình ở ngân hàng đầu tư Jefferies.

"Luyện chưởng" để trở về

Thời gian này, Nam anh hoạt động tích cực ở SEO IIV – nơi hỗ trợ các bạn du học sinh trở về Việt Nam. Đó là một công việc mà Nam Anh rất thích, bởi nó giúp cho các bạn sinh viên hiểu hơn về môi trường, cơ hội việc làm ở trong nước, cũng như đóng góp những tài năng cho nền kinh tế nước nhà. Và bản thân Nam Anh thì khẳng định rằng, chắc chắn anh chàng sẽ về Việt Nam làm việc.

Nam Anh chia sẻ: "Mình rất mong đến ngày quay về để cống hiến cho Việt Nam. Mình đã tốt nghiệp đại học rồi nhưng tự nhận thấy mình còn quá non trẻ và chưa có gì để đóng góp cả nên mình muốn làm việc bên này để học hỏi, đúc kết, lấy cái hay của người ta đem về. Mong muốn lâu dài của mình là làm cầu nối giữa Việt Nam và Mĩ, các bạn bè Châu Á trong lĩnh vực tài chính".

Về nhu cầu trở lại Việt Nam làm việc của du học sinh, Nam Anh cho biết: Có hai khía cạnh ở vấn đề này. Khía cạnh thứ nhất, người ta thường nói ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ nhưng cũng tùy ngành. Lĩnh vực tài chính, kinh tế thì nói chung là có nhưng nếu nói về các ngành khoa học kĩ thuật thì lại không nhiều. Thế nên những bạn nào sang đây học tài chinh, kinh tế thì có thiên hướng về nước nhưng những bạn học khoa học kĩ thuật thì cân nhắc hơn nhiều bởi ở bên này cơ sở và cơ hội làm việc tốt hơn nhiều. Đây là 1 điều đang suy nghĩ.

Xét về khía cạnh cấp học thì mình cảm thấy dân cao học có thiên hướng về hơn bởi 2 lí do. Thứ nhất là họ đã từng làm việc ở Việt Nam rồi nên cũng có nhiều mối quan hệ làm ăn và cũng quen công việc ở nhà hơn. Thứ 2 là họ có khả năng cống hiến nhiều hơn nữa. Các bạn học đại học còn muốn ở lại lấy tí kinh nghiệm đã.

Với kinh nghiệm của một du học sinh từng nộp hồ sơ ở nhiều vị trí cấp cao thuộc các công ty tài chính lớn, Nam Anh chia sẻ một học ở đâu thì khi đi xin việc mình phải năng động và tìm mọi cách mới có thể nhận được vị trí công việc tốt.

"Công việc tốt nó không đến với mình được, mình phải chiến đấu vì nó. Tuy nhiên, nếu nói về du học sinh ở độ tuổi mình thì quan trọng nhất là mình sẽ học được gì trong công việc đó, khi làm việc với những người ở công ty đó. Tiền cũng quan trọng nhưng mình sẽ chọn một công việc mà mình học được nhiều hơn thay vì một công việc trả nhiều tiền mà chỉ suốt ngày đọc báo" - Anh chàng khẳng định.

Cựu hot boy trường Ams làm nghề tài chính ở Mỹ
Nam Anh tại hội thảo VietAbroader “Chuyền đuốc” 2009 ở Hà Nội.

Những điều đó, Nam Anh đã từng chia sẻ nhiều ở các diễn đàn du học, định hướng tìm việc ở nước ngoài ở Việt Nam, chính vì thế, cái tên Lê Bá Nam Anh, dù không còn là một học sinh trường Ams siêu hot hay một huynh trưởng năng động của trường Dartmouth, nhưng các thế hệ du học sinh trước và sau đó vẫn luôn xem anh là một biểu tượng của sự năng động, cầu tiến.

Tuy nhiên, bên cạnh hình ảnh một anh chàng có vẻ như chỉ biết đến công việc thôi, thì bạn bè cũng bắt gặp ở Nam Anh những sở thích rất trẻ, rất "máu lửa". Đó là anh chàng cực kỳ thích hát karaoke, mà theo chia sẻ của bản thân thì "mỗi khi hát là cống hiến hết mình luôn, cứ mấy bài gào thét mà chọn". Rồi cũng như nhiều người trẻ Việt Nam khác, Nam Anh là fan cuồng của đội bóng MU. Ban đêm dù làm muộn đến mấy nhưng MU đá sáng sớm ở Mỹ thì Nam Anh vẫn dậy xem. Anh chàng cũng rất thích chơi PES và "chiến rất ác" môn thể thao điện tử này.

Cựu hot boy trường Ams làm nghề tài chính ở Mỹ

Và điều cuối cùng, cựu học sinh trường Ams một lần nữa khẳng định: "Quan trọng nhất là mình luôn hướng về Việt Nam và luôn mong đến cái ngày mình được về cống hiến cho đất nước mình. Bây giờ "luyện chưởng" bên này tí đã".

PV: Ngọc Linh (chuyên Trung 11-14)

Theo Zingnews

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan