Tháng 5.1998, nhận học vị tiến sĩ tại ĐH Yale (Mỹ).
Năm 2005, được phong giáo sư tại ĐH California - San Diego và trở thành giáo sư tại ĐH Rutgers vào tháng 12 cùng năm.
Năm 2011: chuyển sang ĐH Yale.
Từ 1998 - 2007, ông nhiều lần tham gia các công trình tại Viện IAS của Mỹ và Tập đoàn Microsoft.
GS Vũ Hà Văn là một trong số ít những nhà khoa học nhận được nhiều giải thưởng danh giá của Mỹ nhờ các công trình đột phá, mang tính ứng dụng thực tiễn cao.
Nước Mỹ vinh danh
Năm 2008, Hiệp hội Toán học công nghệ và ứng dụng (Society for Industrial and Applied Mathematics - SIAM) tại Mỹ đã trao tặng giải thưởng toán học George Polya cho GS Vũ Hà Văn vì công trình về tập trung độ đo (concentration of measure). SIAM được thành lập năm 1952, có trụ sở tại Philadelphia, nhằm thúc đẩy sự phát triển của toán ứng dụng, giải quyết những vấn đề trong đời sống. Quá trình xét giải được tiến hành rất nghiêm ngặt với nhiều quy định chặt chẽ. Giá trị của giải thưởng không đơn thuần là khoản tiền thưởng trị giá 20.000 USD mà là sự vinh danh đối với những đóng góp cho ngành toán học ứng dụng. Mới đây nhất, giải thưởng năm 2010 được trao cho GS Terence Tao, người từng nhận huy chương Fields năm 2006. Hiện tại, GS Văn và GS Tao được giới toán học đánh giá là một cặp đôi ăn ý và sáng giá trong nghiên cứu. Năm 2010, bộ đôi này lại công bố công trình có tên gọi tiếng Anh là Circular Law Conjecture, tạo ra một đột phá trong lĩnh vực lý thuyết xác suất.
Trước đó, GS Văn cũng nhận nhiều giải thưởng cao quý khác của làng khoa học Mỹ. Trong năm 1997 - 1998, khi còn nghiên cứu sinh tiến sĩ, nhà toán học này đã được trao giải Sloan. Giải thưởng Sloan đã góp phần tạo bệ phóng cho hơn 30 nhà nghiên cứu đoạt giải Nobel và gần 20 nhà toán học đoạt huy chương Fields. Năm 2002, GS Vũ Hà Văn lại một lần nữa nhận giải thưởng danh giá này. Năm sau đó, ông còn được Quỹ khoa học quốc gia Mỹ (National Science Foundation - NSF) trao tặng giải thưởng vinh danh sự nghiệp. Trực thuộc chính phủ Mỹ với ngân sách nhiều tỉ USD mỗi năm, NSF là đơn vị đóng vai trò nền tảng, chuyên bảo trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học của nước này.
Tâm tư với toán
Được biết, GS là con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương, ông có cảm thấy mình thừa hưởng gien thơ văn nào từ bố và điều đó tác động thế nào đến sự đam mê toán học của GS?
Làm toán cũng như làm thơ đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú và óc khái quát. Nhà thơ dùng những chi tiết chọn lọc trong cuộc sống hằng ngày để nói lên một triết lý sâu sắc. Trong toán học, các định lý tổng quát cũng xuất phát từ những ví dụ rất cụ thể. Tôi không có năng khiếu thơ văn gì đáng kể. Có lẽ chỉ thừa hưởng tính ham đọc sách từ bố.
Là một “người trong cuộc”, ông đánh giá thế nào về “mô hình” truyền thống của nhiều nhà toán học Việt Nam (đó là học phổ thông chuyên toán, sau đó được đào tạo tại các trường đại học Đông Âu vốn khá mạnh về toán rồi sự nghiệp thăng hoa tại phương Tây). Theo tôi được biết, GS cũng hướng dẫn cho TS Nguyễn Hữu Hội, hiện giảng dạy tại Khoa Toán của Đại học Pennsylvania, và cũng là một người theo “mô hình” vừa nói nhưng nhỏ hơn ông đúng 10 tuổi. Thế thì GS có nhận xét gì về sự thay đổi của mô típ trên sau 10 năm?
Thật ra số người được đào tạo từ trường chuyên rồi học tiếp ở Đông Âu và sau đó qua Mỹ hoặc Tây Âu làm toán rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay, vì vậy không thể căn cứ vào đó để đưa ra kết luận mang tính quy luật nào. Đó thật ra là con đường vòng, "cực chẳng đã", vì 20 năm trước tất cả các sinh viên giỏi đều được gửi qua Đông Âu và Nga để học. Hiện nay các sinh viên giỏi thường có cơ hội rất tốt để đi thẳng sang Tây Âu, Mỹ hoặc Úc. Còn trường hợp TS Hội là tương đối cá biệt.
Hàng chục năm qua, Việt Nam không ngừng phát triển mô hình trường chuyên lớp chọn. Tuy nhiên, không nhiều học sinh tiếp tục đi theo con đường nghiên cứu chuyên sâu môn học mà họ đã theo đuổi. Theo ông, đâu là nguyên nhân của điều đó. Qua đó, ông đánh giá thế nào về mô hình trường chuyên mà Việt Nam đang phát triển?
Tôi thấy có vài điều cần làm rõ ở đây:
Thứ nhất, hiện nay số học sinh Việt Nam theo học toán không giảm đi, và chất lượng đào tạo tốt hơn, vì phần lớn đều được đào tạo tại Tây Âu, Úc hoặc Mỹ. Ngày càng có nhiều người Việt giảng dạy ở các trường đại học nước ngoài có uy tín. Nhưng ở Việt Nam, số người học và nghiên cứu toán ngày càng ít đi, đến mức báo động, vì số người có bằng PhD (tiến sĩ) ở nước ngoài về rất ít. Lý do của việc này thì đã được rất nhiều bài báo nhắc tới. Nếu tình hình này cứ tiếp tục, chỉ độ mười năm nữa chất lượng giảng dạy toán và nghiên cứu toán ở Việt Nam sẽ xuống dốc không phanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đào tạo các ngành khác.
Thứ hai, việc đào tạo chuyên phổ thông được chú ý trong quá khứ, nhưng trong thời gian gần đây, sự hỗ trợ lại giảm đi nhiều. Đó là một điều rất đáng tiếc. Mô hình lớp chuyên, theo tôi, là cần thiết và rất hữu ích, vì nó tạo ra một sân chơi khoa học cho các em từ lứa tuổi tương đối nhỏ. Đào tạo một em bé có năng khiếu trở thành một nhà nghiên cứu hay một kỹ sư giỏi có thể xem như xây một kim tự tháp, và những lớp chuyên có thể xem là những viên gạch móng rất quan trọng trong công cuộc đó. Sự đầu tư tài chính cho hệ thống chuyên, theo tôi là không đáng kể, so với lợi ích mà nó mang lại.
Lê Đức Thuận (Theo Thanh Niên)