10 lý do chính đáng để du học tại Pháp

By toan | 15 Tháng Ba, 2013

1. Một nền giáo dục chất lượng cao

Chất lượng của các trường đại học Pháp đã được công nhận trong nhiều bảng xếp hạng do các báo và tạp chí chuyên ngành nước ngoài công bố.

Bảng xếp hạng 2010 về 65 khóa học Thạc sĩ tốt nhất trong lĩnh vực Quản lý của tạp chí Financial Times đã xếp 5 trường đại  học thương mại của Pháp vào danh sách 10 trường hàng đầu. Vị trí đứng đầu thuộc về ESCP Europe và vị trí thứ ba thuộc về HEC.

Trong Danh sách các trường đại học Châu Âu tốt nhất năm 2010 của Times Higher Education Supplement, Trường Bách Khoa Pháp chiếm vị trí thứ sáu và Trường Đại học sư phạm chiếm vị trí thứ tám.

Nước Pháp đứng hàng thứ sáu trong số các nước có vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng 2010 của Trường Đại học Jiaotong Thượng Hải.

 

2. Một nền giáo dục được “xuất khẩu”

Một số chương trình đào tạo của Pháp được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, quá trình hợp tác giữa Pháp và Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhiều chương trình đào tạo.

CFVG (Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về Quản lý) là chương trình hợp tác Pháp Việt đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục. Trung tâm được chính phủ Việt Nam ( đại diện là Bộ Giáo dục và Đào tạo) và chính phủ Pháp (đại diện là Bộ Ngoại giao) thành lập vào năm 1992.

CFVG do Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris (CCIP) chịu trách nhiệm triển khai và được đặt tại hai trường chủ nhà là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, CFVG là một cơ sở tiên phong trong lĩnh vực đào tạo về quản lý tại Việt Nam và được ghi nhận như một thành công của quan hệ hợp tác song phương Pháp - Việt.

Các Trung tâm đại học Pháp (PUF) có các chương trình đào tạo được Pháp cấp bằng và bằng này được công nhận cả ở Châu Âu và trên thế giới. Như vậy, đối với sinh viên, theo học một khóa đào tạo tại PUF cũng tương đương với học tại một trường đại học Pháp trong khi sinh viên vẫn ở Việt Nam.

Cũng trên tinh thần đó, Chương trình đào tạo kĩ sư chất lượng cao của Việt Nam (PFIEV) có chuyên gia của Pháp trong lĩnh vực khoa học kĩ sư sang giảng dạy tại 4 trường đại học có tiếng nhất của Việt Nam. Đây là một chương trình đào tạo hoàn chỉnh theo mô hình giảng dạy của Pháp, bao gồm một chương trình học dự bị trong 2 năm, với nội dung giảng dạy chủ yếu trong lĩnh vực khoa học cơ bản, và một chương trình kế tiếp về chuyên ngành kĩ sư trong 3 năm (trong đó có chương trình học tiếng Anh và tiếng Pháp bắt buộc).

Bằng Kĩ sư chất lượng cao, do Bộ giáo dục và Đào tạo Việt Nam cấp, là một trong những bằng hàng đầu được cấp ngoài phạm vi Châu Âu và được Pháp công nhận (từ năm 2004 và tiếp đó là năm 2010 trong thời gian 6 năm) dựa trên quyết định cấp bằng của Uỷ ban cấp học vị kĩ sư. Đây cũng là chuyên ngành đào tạo đầu tiên ở bậc đại học của Việt Nam được quốc tế công nhận.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) là một trường đại học chất lượng cao của Việt Nam, được thành lập năm 2010 trong khuôn khổ quan hệ đối tác với các cơ sở đào tạo đại học của Pháp và trên cơ sở “tam giác tri thức”: đào tạo, nghiên cứu và đổi mới.

 

3. Mối liên kết chặt chẽ với một nền nghiên cứu khoa học ở trình độ cao

Những thành công trong khoa học công nghệ cùng với số giải Nobel và các huân chương Field mà Pháp đạt được (Ngô Bảo Châu, huân chương Fields 2010) đã khẳng định Pháp là nước có nền khoa học tiên tiến và nền nghiên cứu năng động. Các chuyên ngành đào tạo ở trường đại học và trường lớn đều dựa trên cơ sở là các phòng thí nghiệm uy tín.

 

4. Mối liên kết chặt chẽ giữa các trường đại học và doanh nghiệp

Các chương trình đào tạo và giảng dạy được xây dựng với sự tham gia của những nhà chuyên môn làm việc tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, các đợt thực tập tại doanh nghiệp đang là một yếu tố bắt buộc của phần lớn các chuyên ngành đào tạo đại học hiện nay. Các khóa thực tập là bắt buộc trong năm học hoặc được tổ chức dưới hình thức "năm học tại doanh nghiệp" vào cuối chương trình học. Là một cơ hội đào tạo dành cho sinh viên nước ngoài đồng thời được các nhà tuyển dụng tương lai đánh giá cao, những đợt thực tập này tạo điều kiện thuận lợi cho sự hòa nhập của sinh viên vào môi trường làm việc đồng thời mang đến cơ hội được tuyển dụng sau khi quá trình thực tập kết thúc.

 

5. Một nền giáo dục mở đối với sinh viên nước ngoài

Với 243 436 sinh viên nước ngoài (chiếm hơn 12% tổng số sinh viên), năm 2008, Pháp đứng thứ 3 trên thế giới về tiếp nhận sinh viên nước ngoài, sau Mỹ (624 474) và Anh (341 791).

Hiện nay, có hơn 6 300 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Pháp.

 

6. Bằng cấp được công nhận ở mức độ Châu Âu

Trong khuôn khổ quy trình « Sorbonne-Bologne », hiện nay, các trường đại học của Pháp, đã áp dụng 3 bậc học của châu Âu : cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ (LMD) và sinh viên nước ngoài được cấp bằng như sinh viên Pháp tại Pháp.

 

7. Mức học phí rẻ

Tại Pháp, học phí của các khóa đào tạo đại học và sau đại học ở mức rất hợp lý: 177€ một năm cho bậc Đại học, 245€ một năm cho bậc Thạc sĩ và 372€ một năm cho bậc Tiến sĩ (năm học 2010/2011). Mức học phí là như nhau đối với sinh viên Pháp và sinh viên nước ngoài.

Mỗi năm, có hơn 20 000 suất học bổng du học và thực tập được cấp cho các bạn sinh viên và các bạn trẻ nước ngoài mới đi làm.

 

8. Được hưởng những ưu đãi như sinh viên Pháp

Sinh viên nước ngoài được trợ cấp về nhà ở, bảo hiểm xã hội, được giảm giá vé khi sử dụng các dịch vụ vui chơi, đi lại và ăn uống. Ngoài ra sinh viên nước ngoài có thể đi làm thêm mà không cần giấy phép, với thời gian tối đa là 60% thời gian làm việc hàng năm theo quy định chung, tương đương với 964 giờ làm việc một năm.

Sinh viên nước ngoài có bằng thạc sĩ hoặc có bằng tương đương với bằng thạc sĩ (tốt nghiệp kĩ sư hoặc trường thương mại) cấp tại Pháp được ở lại thêm 6 tháng sau khi tốt nghiệp để tìm việc làm và sẽ được cấp giấy phép lao động trong trường hợp được tuyển dụng.

 

9. Được học một ngôn ngữ thông dụng

Có 200 triệu người nói tiếng Pháp và 745 000 người học ngôn ngữ này trên khắp 5 châu. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức và ngôn ngữ làm việc của Liên minh châu Âu và các tổ chức của Liên hiệp quốc. Tiếng Pháp cũng là ngôn ngữ của thế vận hội. Nước Pháp, cường quốc thứ 5 về thương mại, là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nhiều nước, đặc biệt là các nước châu Âu.

 

10. Môi trường sống dễ chịu

Với một nền văn hóa, địa lý và ẩm thực phong phú, Pháp là điểm đến du lịch hàng đầu trên thế giới. Hạ tầng cơ sở của Pháp, đặc biệt là về giao thông và y tế rất hiện đại. Các trường đại học thường được đặt tại trung tâm thành phố, gần gũi với các hoạt động văn hóa, xã hội. Mạng lưới các tổ chức xã hội ở Pháp là một trong những mạng lưới đa dạng, dày đặc và năng động trên thế giới.

 

Sưu tầm từ CampusFrance

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan