Phương Anh được nhận vào các đại học top đầu Mỹ, trong đó có Harvard, Johns Hopkins, Stanford, Columbia, UC Berkeley và chọn theo học tại trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan trực thuộc Harvard, ngôi trường hàng đầu thế giới về Dịch tễ học ung thư (Cancer Epidemiology).
Cô gái Việt tốt nghiệp ngành Sinh học tại ĐH Brandeis, Mỹ. Em theo đuổi ngành này với dự định ban đầu là ứng tuyển vào trường Y.
Phương Anh tốt nghiệp bằng cử nhân Danh dự ngành Sinh học tại ĐH Brandeis. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khi học đại học, em đã tham gia nghiên cứu trong hai năm cùng giáo sư Lichtman, nổi tiếng trong chuyên ngành Bệnh học (Pathology) và Miễn dịch học (Immunology) tại Harvard, với đề tài về bệnh viêm cơ tim liên quan đến liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư. Sau này, Phương Anh dùng kết quả từ nghiên cứu để bảo vệ luận văn tốt nghiệp, và được đánh giá là một trong những luận văn xuất sắc của Khoa Sinh học, ĐH Brandeis (Highest Honors in Biology). Bên cạnh nghiên cứu, em được mời làm trợ giảng cho các thầy cô trong trường.
Nói về Phương Anh, giáo sư Lichtman nhận xét: "Phương Anh có tinh thần làm việc mạnh mẽ, ham học hỏi khoa học, rất thông minh, và có khả năng làm việc tốt với đội ngũ các nhà nghiên cứu".
Phương Anh bắt đầu "hành trình Dịch tễ học" khi tham gia vào nhóm nghiên cứu Global School-based Student Health Survey (Khảo sát sức khỏe học sinh toàn cầu) tại Việt Nam vào 2019. Chính từ nghiên cứu này, Phương Anh được học hỏi từ những giáo sư Dịch tễ học hàng đầu ở Việt Nam.
Phương Anh từng học lớp 10 chuyên Trung ở THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhận học bổng chương trình A Level tại Anh. Sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ, em về nước làm việc cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. Em được phân làm điều phối viên, hỗ trợ quản lý khảo sát STEPS - khảo sát quốc gia lớn nhất về yếu tố nguy cơ của các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, ung thư, tiểu đường, các bệnh hô hấp mãn tính) ở người trưởng thành.
Được nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực dịch tễ, Phương Anh đã có quyết định bước ngoặt. Thay vì ứng cử vào trường Y như dự định ban đầu, em quyết tâm theo đuổi Dịch tễ học Ung thư.
"Bác sĩ lâm sàng tập trung vào chẩn đoán và điều trị khi đã có bệnh, còn nhà dịch tễ tập trung vào nghiên cứu các yếu tố liên quan đến bệnh (mức độ phổ biến, sự phân bố, các yếu tố nguy cơ...) nhằm phòng hơn chữa bệnh. Do đó, kết quả nghiên cứu mang tác động lớn không kém so với bác sĩ lâm sàng", Phương Anh chia sẻ.
Sự chuyển hướng từ dự định theo ngành Y sang Dịch tễ học của Phương Anh được bố mẹ em, vốn là những bác sĩ lâu năm, ủng hộ nhiệt tình. Phương Anh chia sẻ: "Từ bé tới lớn, bố mẹ luôn động viên em theo đuổi lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của mình và cố gắng đóng góp được gì đó cho xã hội".
Xa nhà trong 4 năm học đại học ở Mỹ, Phương Anh chưa có một mùa hè trọn vẹn nào được về Việt Nam để quây quần bên gia đình. Em tận dụng tối đa thời gian để xin thực tập, nghiên cứu vì hiểu rằng, bậc thạc sĩ đòi hỏi ở ứng viên kinh nghiệm nghiên cứu và độ sâu học thuật.
Ngoài ra, em học thêm các khoá học, thi chứng chỉ hành nghề kỹ thuật viên cấp cứu y tế (Emergency Medical Technicians) để mở rộng kỹ năng. Em cũng vinh dự nhận học bổng dành cho sinh viên có kỳ thực tập xuất sắc của ĐH Brandeis (World of Work Fellowship).
Phương Anh sẽ sang Mỹ tháng 9 tới để theo học bậc thạc sĩ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo Phương Anh, Harvard nói riêng và các đại học Mỹ thường đánh giá cao ứng viên toàn diện (holistic). Một "ứng viên sáng giá" không chỉ có bề dày học thuật mà cần thể hiện được đam mê và mục tiêu sự nghiệp rõ ràng.
Năm cuối đại học, khối lượng học các môn căng thẳng, nặng nhất, Phương Anh một mặt cố gắng hoàn thành GPA xuất sắc, mặt khác miệt mài làm nghiên cứu và bảo vệ luận án. Giai đoạn tìm việc "hậu tốt nghiệp" cũng khiến em chịu nhiều áp lực.
Ở từng thời điểm, trong từng công việc, Phương Anh đều cố gắng đạt được một điều gì đó, dù là nhỏ. Hồ sơ thạc sĩ đối với em là sự tích lũy học tập và trải nghiệm trong sáu năm liên tục.
Chia sẻ về quá trình nộp đơn học, Phương Anh cho biết, khó khăn lớn nhất của em là kể về những thành tích trong bài luận. Em luôn cảm thấy những gì mình làm được là quá nhỏ bé và xung quanh còn rất nhiều người giỏi hơn. Vì vậy việc "chứng minh rằng bạn là người xuất sắc, bạn có điểm gì đặc biệt và nổi bật hơn người khác" trong bài luận là một điều không dễ.
Bài luận của em viết về thế mạnh nghiên cứu, trải nghiệm liên quan đến lĩnh vực ung thư và lý do lựa chọn theo đuổi ngành Dịch tễ học ung thư.
"Ung thư là loại bệnh phổ biến, gây nên những tác động nặng nề, không những đối với người bệnh mà với cả gia đình bệnh nhân. Em muốn tập trung giúp mọi người phòng bệnh, phát hiện sớm, nâng cao chất lượng sống của người bệnh, và giảm nhẹ gánh nặng đối với gia đình họ", Phương Anh nói.
Bằng hành trình của mình, Phương Anh đã chứng minh cho nhà tuyển sinh rằng em là một ứng viên xứng đáng, phù hợp với chương trình thạc sĩ tại Harvard. Phương Anh sẽ theo học tại ngôi trường hàng đầu thế giới vào tháng 9 này.
Theo Vnexpress