Anh – Mỹ tiếp tục chia nhau Top 10
Vẫn như mọi năm, hai cường quốc giáo dục Anh – Mỹ chia nhau những vị trí danh giá nhất trong Top 10. Điều đặc biệt là năm nay không có hạng 3 và có đến hai hạng 2 được dành cho hai trường Oxford và Harvard. “Quán quân” Caltech tiếp tục giữ hạng cao nhất, liên tục trong ba năm liền. Với tổng cộng 77 trường lọt vào bảng xếp hạng (tăng một trường so với năm ngoái), Mỹ trở thành quốc gia mạnh nhất thế giới về giáo dục, trong đó có 40 trường tăng hạng, 33 trường tuột hạng và 4 trường không có thay đổi về thứ hạng.
Dưới đây là danh sách 10 trường Đại học tốt nhất thế giới năm 2013-2014 theo bảng xếp hạng THE:
1. Caltech (California Institute of Technology)
= 2. University of Oxford
= 2. Harvard University
4. Stanford University
5. MIT (Massachusett)
6. Princeton University
7. University of Cambridge
8. California Berkeley
9. University of Chicago
10. Imperial College London
Những trường Đại học tốt nhất khu vực
Danh sách 200 trường hàng đầu có sự góp mặt của 26 quốc gia, tức là nhiều hơn hai quốc gia so với năm ngoái. Năm nay, Top 200 chào đón ba nước mới là Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và Na Uy. Rất tiếc là Brazil đã không bảo toàn được vị trí của mình trong danh sách này.
Cũng theo bảng xếp hạng, một số trường đã chứng tỏ được vị thế chủ chốt của mình trong từng khu vực. Cụ thể:
Trường xếp hạng cao nhất châu Âu (ngoài Vương quốc Anh): ETH Zurich (hạng 14)
Trường xếp hạng cao nhất châu Á: University of Tokyo (hạng 23)
Trường xếp hạng cao nhất châu Thái Bình Dương: University of Melbourne (hạng 34)
Trường xếp hạng cao nhất châu Phi: University of Cape Town (hạng 126)
Trường xếp hạng cao nhất Nam Mỹ: University of Sao Paulo (từ hạng 226 đến 250)
Những thay đổi đáng kể
Tuy vẫn giữ được vị thế thứ hai trong bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu, các trường Đại học Anh quốc (đặc biệt là các trường nằm ngoài vùng “Tam giác vàng”: Oxford, Cambridge và London) đã có nhiều tuột hạng đáng lo ngại. Chẳng hạn, so với năm 2011-2012, trường Đại học Manchester đã bị tuột đến 10 hạng (từ 48 xuống 58), Đại học Bristol từng ở vị trí 66, nay lại tuột xuống hạng 79. Từng giữ hạng 101, trường Sheffield nay xếp vị trí 112. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với trường Aberdeen (từ 151 xuống 188). Đặc biệt đáng báo động có trường Reading tuột đến 30 hạng chỉ sau ba năm (từ 164 xuống 194) và Newcastle tuột hạng từ vị trí 146 xuống 198.
Bên cạnh đó, các trường Đại học châu Âu cũng có kết quả đáng thất vọng. ETH Zürich - Swiss Federal Institute of Technology Zürich tụt hai hạng, University of Munich của Đức không được vào top 50. Các trường ở Bỉ, Pháp, Hà Lan, Cộng hòa Ireland và Áo cũng rơi vào tình trạng “thảm bại” tương tự.
Trong khi đó, tại châu Á, các cơ sở giáo dục của Trung Quốc, Hàn quốc, Singapore và Nhật Bản đều đang vươn lên. Nắm vị trí giỏi nhất châu Á là University of Tokyo (hạng 23 toàn cầu). Về nhì là National University of Singapore (hạng 26). Ngoài ra, Seoul National University của Hàn Quốc cũng lần đầu tiên được vinh danh trong top 50 (hạng 44). Korea Advanced Institute of Science and Technology cũng hiện đang yên vị ở hạng 56. Tại Trung Quốc, Peking University lên một hạng, giữ vị trí thứ 45, còn Tsinghua University cũng đã vào được top 50.
Điều này cho thấy các trường châu Á đang dần dần khẳng định được chất lượng đào tạo của mình không hề kém cạnh so với các cường quốc giáo dục khác. Hy vọng một ngày, các trường Đại học hàng đầu của Việt Nam cũng sẽ vinh dự có mặt trong “bảng vàng” này.
(Theo Dantri)