BÀI VIẾT CỦA CÔ GIÁO ĐẶNG NGỌC PHƯƠNG ĐẠT GIẢI NHẤT CUỘC THI VIẾT KỈ NIỆM 60 NĂM NGÀNH GD THỦ ĐÔ

By toan | 23 Tháng Sáu, 2016

NHƯ DÒNG SÔNG CHẢY MÃI…

          Tôi đến thăm thầy giáo cũ vào một ngày bằng lăng đã tuôn sắc tím bâng khuâng dọc những con phố chang chang nắng. Thầy tôi - thầy Vũ Xuân Túc - tóc bạc nửa mái đầu, nhưng nụ cười vẫn hiền hậu như ngày còn đứng lớp, đôi mắt nheo nheo cười rạng lên niềm vui sống lại thời xưa cũ.

            Đứng trước căn phòng chồng chất những bài vở, tư liệu quý về nghề, về trường mà thầy đã dày công sưu tầm và gìn giữ mấy chục năm, tôi chẳng khỏi bồi hồi. Ông giáo già tuổi bảy mươi còn đau đáu về cái sự chưa có đủ thời gian và sức khỏe để phân loại tư liệu, hầu mong truyền cho thế hệ mai sau. “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, “Con tằm đến thác hãy còn vương tơ”…, người xưa đã dạy…

and

Những bức ảnh quý giá về thày 

          Mái tóc bạc và cái dáng lúi húi cần cù bên chồng tư liệu cũ khiến tôi nhớ về hình ảnh thân thương của thầy thuở say mê trên bục giảng, và bỗng liên tưởng đến cả một thế hệ vàng của tổ Văn trường Hà Nội - Amsterdam. Các thầy cô từ nhiều trường nổi tiếng của Hà Nội đã về đây, chung tay xây dựng ngôi trường này từ khi nó còn trứng nước. Cái thời “khởi đầu nan” ấy, thầy cô chúng tôi vẫn còn kể lại trong những cuộc gặp mặt hội đồng giáo dục cuối năm, hay bên chén trà tỏa khói buổi hội ngộ thầy trò, như nhắc đến một chuyện cổ tích xa xăm. Vượt qua những gian khổ buổi đầu, ngôi trường đã trở thành cái tên đầy kiêu hãnh khi nhắc tới giáo dục Thủ đô, ấy là nhờ sự cần mẫn kiên trì cống hiến của bao thầy cô đáng kính, trong đó có những người thầy dạy Văn đã trực tiếp dìu dắt chúng tôi. Thầy Vũ Xuân Túc mang nhiều giải học sinh giỏi Quốc gia về cho Hà Nội, trong đó có hai giải Nhất đáng giá vàng mười. Thầy Lê Phạm Hùng uyên bác, tinh thông; cô Nguyễn Kim Duyên sâu xa, giản dị; thầy Ngô Mạnh Phú tài hoa mà khoa học; thầy Nguyễn Việt Anh chặt chẽ, sắc bén; thầy Đỗ Văn Thái bay bổng, thăng hoa,… và còn nhiều thầy cô khác nữa. Những thầy cô “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” ấy hầu hết đã ở tuổi “cổ lai hi”, đã về vui với cửa nhà vườn tược, nhưng mỗi lần nhắc đến, chúng tôi đều trào dâng xúc động và tự hào vì được là học trò của những bậc thầy đạo cao đức trọng như thế.

          Không chỉ xứng danh bậc thầy trong chuyên môn, trong tư cách đạo đức, thầy cô của chúng tôi còn là những nghệ sĩ đa tài. Những cuộc thi thơ, thi làm câu đối xuân do trường tổ chức đều sôi động và làm nức lòng người bởi những tác phẩm từ tổ Văn. Thầy Vũ Xuân Túc là nhà báo với nhiều bài viết giàu giá trị về văn học và dạy Văn trên các báo nổi tiếng như Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Người giáo viên nhân dân…, cũng là tác giả của nhiều bức vẽ đặc sắc. Thầy Ngô Mạnh Phú là một cây piano, một “nghệ sĩ opera” thăng hoa trên sân khấu, không chỉ làm say đắm lòng người trong những buổi liên hoan văn nghệ của trường mà còn được mời biểu diễn giao lưu bên ngoài. Và ai có thể quên được nét chữ rồng bay phượng múa hay giọng đọc thơ truyền cảm trong mỗi buổi lễ bế giảng của thầy Đỗ Văn Thái? Thầy Ngô Chính Cát, người thầy khả kính đã xa chúng tôi mãi mãi, thuở sinh thời cũng có nhiều bài viết sâu sắc đăng trên các báo…

            Nghĩ về các thầy cô trong niềm cảm phục, tôi lại càng nhớ quãng đường đồng hành đầy duyên nợ với ngôi trường danh tiếng bậc nhất Thủ đô. Tôi là học sinh khóa THCS đầu tiên của trường năm 1993, được sự dìu dắt của những thầy cô tâm huyết với nghề như cô Nguyễn Hương Lan (tiếng Anh), thầy Ngô Mạnh Phú (Văn), thầy Trần Đức Hiền (Sinh), cô Nguyễn Thúy Hạnh (Sử), cô Nguyễn Kim Dung (Địa),… Rồi những năm THPT, tôi tiếp tục được sống dưới mái trường này, may mắn trở thành học sinh khóa chuyên Văn cuối cùng của thầy Vũ Xuân Túc. Như một cây hoa nhỏ được đất mẹ, gió trời và mưa ngọt ấp iu, tôi trưởng thành trong niềm hạnh phúc được sống dưới mái nhà thứ hai theo nghĩa chân thật và giản dị nhất của từ này. Các thầy cô không rao giảng về lòng yêu thương, sự trung thực,... mà các thầy cô đã sống như thế, và tự nhiên như thế, chúng tôi soi vào những tấm gương ấy để trở thành chính mình ngày hôm nay.

           Kí ức những năm tháng học trò đong đầy yêu thương và khát vọng vẫn còn sống mãi, và trường Hà Nội – Amsterdam đã trở thành một phần của con người tôi. Tôi trở về dưới mái trường sau 4 năm xa cách, không phải như trò cũ trở lại thăm trường, mà là một cô giáo trẻ đứng trên bục giảng. Lại những xúc cảm đầu tiên run rẩy như thuở bé thơ lần đầu bước vào lớp. Hà Nội - Amsterdam đã chứng kiến và nâng niu những cảm xúc nguyên sơ trong lành nhất của đời tôi. Và may mắn thay, tôi được là người được tiếp bước các thầy cô kính yêu để sẻ chia với học trò những điều tâm đắc văn chương, để thổi bùng trong các em ngọn lửa khát vọng, và vun đắp trong các em tình yêu Tổ quốc, như có lần tôi đã xúc động tâm tình trong những vần thơ:

 Trên bục giảng lại gieo mầm tiếng Việt

    Hồn học trò trang giấy trắng nguyên sơ

Yêu Tổ quốc từ điều bình dị nhất       

         Tình quê hương rộng không bến không bờ…

                                                                           (Tiếng Việt)

            Và mừng vui hơn nữa, tôi được cùng làm việc với những thầy cô, những người chị cũng từng lớn lên dưới mái trường này. Không kể đông đảo các gương mặt trẻ từ nhiều tổ khác, chỉ nói trong tổ Văn chúng tôi đã có bao đồng nghiệp – “cựu Amser” có tiếng. Tổ Văn như một mảnh đất lành gọi chim về đậu, là tổ chuyên môn thu hút được nhiều học sinh cũ quay về nhất. Từ đôi bàn tay yêu thương và cần mẫn của các thầy cô, những hạt mầm lại thành cây xanh tỏa bóng mát và nở những đóa hoa đầu mùa dâng đời. Học trò thầy Lê Phạm Hùng khóa chuyên Văn 1985-1986 – cô giáo Dương Tú Anh, giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố, vẹn đức vững tài, được tín nhiệm đề bạt lên vị trí Phó hiệu trưởng nhà trường từ năm học 2014-2015. Học trò cô Nguyễn Kim Duyên khóa chuyên Văn 1985-1987 – cô giáo Đỗ Tú Oanh hiện là tổ trưởng tổ Văn, trong hơn mười năm dạy chuyên đã đem về cho Hà Nội đến 3 giải Nhất Quốc gia và rất nhiều giải khác. Học trò thầy Vũ Xuân Túc khóa 1985-1988, cô Đặng Nguyệt Anh, là nhà thơ với những tác phẩm sâu lắng mang tấm lòng người mẹ, người thầy, và cô cũng là giáo viên nổi tiếng của Thủ đô với những “đề văn lạ” đầy tâm huyết, đem lại nguồn hứng khởi cho học trò cũng như hiệu ứng xã hội tích cực. Học trò thầy Vũ Xuân Túc khóa 1994-1997, cô Bùi Thị Hoài Thanh, tuổi trẻ tài cao, đã đạt giải Nhì cuộc thi Giáo viên giỏi cấp Thành phố ngay khi mới về công tác tại trường, và hiện là một cô giáo có tiếng, được đồng nghiệp, học trò mến phục. Bản thân tôi, học trò chuyên Văn khóa 1993-1997 của thầy Ngô Mạnh Phú và khóa 1997-2000 của thầy Vũ Xuân Túc, noi gương các thầy cô trong tổ, đã nối dài danh sách những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp thành phố và từng được nhận Bằng khen của Thủ tướng năm 2011 trong việc góp nhiều công sức hoàn thành bộ sách đồ sộ Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long nhân dịp Thủ đô nghìn năm tuổi. Không chỉ say chuyên môn, các cô giáo trẻ chúng tôi còn hăng hái tham gia hoạt động đoàn thể, xã hội và chu toàn việc gia đình, nhiều năm được Ban chấp hành Công đoàn ngành giáo dục thủ đô tặng danh hiệu “Giỏi việc trường - đảm việc nhà” - “Cô giáo - người mẹ hiền”. Không phụ sự dạy dỗ và lòng tin yêu của các thầy cô trong tổ, trong trường, chúng tôi, những hậu duệ Hà Nội - Amsterdam, dù đã có nhiều năm giảng dạy như những cái tên đã kể hay mới chập chững vào nghề như Phạm Hải Anh, Nguyễn Hạnh Lê hiện giờ… đều mang trên vai truyền thống của tổ, của trường, của ngành, sẽ còn bước tiếp.

Những thế hệ nhà giáo của tổ Văn trong ngày 20/11/2012

            Được thành đồng nghiệp của thầy mình, và tiếp tục được học hỏi từ người đồng nghiệp lớn đó như một học trò thuở nào, niềm may mắn ấy đâu phải ai cũng có. Chị em chúng tôi vẫn thường đem những chuyện vui buồn trong nghề, những thắc mắc chuyên môn tìm đến các thầy cô để nhận được sự sẻ chia chí tình hay lời khuyên thấm thía. Thời đại đổi khác, học sinh đổi khác, mái đầu bạc và xanh cũng khác. Chỉ có niềm hạnh phúc được sống với nghề, được say với văn chương dường như bền mãi với thời gian, và cũng là điểm chung vô giá giữa các thế hệ thầy trò chúng tôi. Đôi khi cũng thoáng ngậm ngùi “Nghề văn nó bạc, dạy Văn thời nay thật khó biết bao!”. Song trong mắt thầy cô vẫn ánh lên niềm tin với lời động viên tha thiết: “Dù thời thế đổi thay ra sao, chúng ta vẫn có điểm tựa là học trò. Dành hết tấm lòng vun đắp cho trò thì người thầy lo gì nghề bạc?” Ngẫm lại càng ơn các thầy cô. Trong những sóng gió không dễ gì vượt qua của chuyến đò đời, chuyến đò nghề, họ đã củng cố trong chúng tôi niềm tin vào cái bất biến là lẽ nhân quả trong nghề. Cứ sống hết lòng với học trò, muôn lứa học trò sẽ tặng ta niềm vui mà chỉ nghề dạy học mới có.

            Như dòng sông chảy mãi không ngừng, như cuộc chạy tiếp sức bất tận của những thế hệ thầy trò trường Amsterdam, thầy gieo hạt vun cây để chúng tôi hái trái, để rồi chúng tôi lại nâng trên tay mùa tiếng Việt ngọt ngào dành tặng những lớp học trò hiện tại và mai sau. Trong những ánh mắt trẻ thơ kia đã thắp lên những ngôi sao đầu của bầu trời mơ ước, và trong những ngôi sao ấy, biết đâu có ước mơ làm cô giáo, thầy giáo dạy Văn dưới chính ngôi trường này ?...

            Miên man trong dòng suy tưởng, tôi hướng về người thầy đã gieo mầm khát vọng cho tôi bằng ánh nhìn biết ơn. Và từ chồng sách cũ, thầy tôi bỗng ngẩng lên. Nụ cười, kì lạ làm sao, như thấu hiếu dòng suy tư của người học trò - đồng nghiệp trẻ…

Đặng Ngọc Phương

Giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan