1/ Hạn chế mua sách rồi… bỏ đấy
Điều hiển nhiên không ai trong chúng ta có thể thể thiếu sách giáo khoa, sách bài tập, hay các sách tham khảo. Nhưng không phải ai cũng biết cách mua đủ sách cho mình và tận dụng hết những cuốn sách đó để tránh bị lãng phí. Có nhiều bạn học môn chuyên, đi mua sách thường hay chọn theo bộ đóng gói sẵn rất đầy đủ lại nhanh gọn, không tốn nhiều công sức. Nhưng một thực trạng chung hay xảy ra đó là chúng ta bị thừa rất nhiều sách mà mình không dùng đến, để rồi đến khi kết thúc năm học nhiều người mới ngỡ ngàng: Thì ra có rất nhiều đầu sách vẫn mới tinh. Sách thừa thường là những quyển sách bài tập cho những môn mà thầy cô ở trường không bắt buộc phải làm. Vậy mà năm nào chúng cũng được đóng gói đầy đủ xuất hiện trong bộ sách và bạn cứ mua về rồi…để đấy.
Rút kinh nghiệm, chúng tớ khuyên các bạn không may mắn gặp phải tình trạng này thì nên mua lẻ sách. Như vậy các bạn có thể tiết kiệm khá nhiều tiền trước đây phải phung phí cho sách thừa, thay vào đó có thể mua các vật dụng học tập cần thiết khác.
2/ Bọc sách vở
Đã qua cái thời tiểu học mà chúng ta cứ thích mỗi quyển sách quyển vở phải được bọc giấy hình thù đáng yêu. Thời gian học trung học luôn cần phải tiết kiệm và làm mọi thứ theo cách tiện lợi nhanh gọn nhất. Thế nên chúng tớ khuyên các bạn chỉ cần dùng giấy bọc nilong để bọc cho sách vở của mình là chúng đã có vẻ ngoài bóng bẩy đẹp đẽ mà lại gọn gàng lắm rồi. Sách vở thì nhiều, có lẽ đơn giản lại là giải pháp hay.
3/ Hãy biết kiềm chế bản thân và chi tiêu đúng đắn
Kiềm chế bản thân trước cái gì ? Tất nhiên là trước mấy thứ đồ dùng học tập đáng yêu nhiều màu sắc đang mê hoặc con mắt của chúng ta rồi. Trường hợp này thường xảy đến với các bạn nữ, những người luôn say mê những vật dụng nhỏ xinh đáng yêu có thể mang theo được bên mình.
Thế nên hãy biết kiềm chế bản thân, mua những đồ dùng thực sự cần thiết trước rồi hẵng tính tới phần thêm vào. Bạn không nên mua một thứ với số lượng quá nhiều, ví dụ như: bút, chỉ nên mua khoảng 5 cây trở xuống, vì trong thời gian học bạn sẽ dễ làm thất lạc, bút cũng dễ tắc và khô mực nếu để lâu đó.
4/ Bổ sung những món đồ cần thiết mà không phải ai cũng có
Sau khi chọn xong những thứ cơ bản cần phải có, hãy xem đến những thứ đồ mà bạn nghĩ “có vẻ sẽ có ích nhiều đây”
-Các loại bút phụ :
Ngoài bút bi và bút chì, ta còn cần bút nhấn dòng, bút đỏ, bút xóa,… nữa đó. Lợi ích của chúng mang lại thì chắc khỏi phải nói rồi.
-Túi file tài liệu :
Chắc chắn bạn không muốn những tờ giầy bài tập, giấy bài kiểm tra...của mình bị thất lạc hay đơn giản là phải gập đôi để kẹp trong vở. Vậy túi đựng tài liệu là những gì bạn cần có, vừa tiện dụng vừa giữ cho giấy tờ tươm tất phẳng phiu mỗi khi cần đến.
-Kẹp ghim:
Có kẹp tài liệu là một chuyện, nhưng việc chúng bị lộn xộn trong một cái túi giữa hàng trăm tờ giấy khiến bạn phát điên mỗi khi tìm tờ giấy mình cần lại là một chuyện khác. Đó là lý do vì kẹp ghim nhiều màu sắc xuất hiện để ra tay giúp đỡ bạn. Ghim những tờ giấy có cùng chủ đề lại với nhau, sẽ rất dễ dàng nếu tìm theo cách đấy.
-Giấy nhớ:
Giấy nhớ sẽ giúp bạn vắn tắt lại những công thức toán học hay vật lý khó nhớ, tiết kiệm thời gian cho bạn lục lại và tìm trong sách vở. Với kiểu dáng nhỏ gọn, bạn có thể dán giấy nhớ ở khắp nơi để phát huy hết được công dụng thần kỳ của nó.
-Vở nháp:
Nghe vậy thôi chứ vở nháp thực sự rất cần thiết đấy. Các bạn có thể tận dụng những quyển vở cũ chưa sử dụng hết để lấy làm nháp. Một lưu ý nhỏ là nên chọn nháp là loại vở giấy dập ghim để cho dễ xé phòng khi có chuyện cần nhé.
5/ Ghi chép lại điểm như một thói quen
Kẻ một bảng điểm với tên các môn học, các hệ số điểm, phần tổng kết môn, trung bình môn. Có điểm hãy ghi ngay vào đây kèm theo ngày giờ, với việc làm này, bạn có thể kiểm soát và nhìn nhận số điểm hiện tại của mình để biết và phấn đấu. Ngoài ra bảng điểm cá nhân cũng sẽ giúp bạn phần nào trong trường hợp cô giáo lại quên mất không ghi điểm 10 của bạn trong một lần giơ tay phát biểu vào sổ điểm, như vậy quả là thiệt thòi phải không? Hãy cầm bảng điểm lên để giải thích cho cô giáo của mình nhé.
6/Lên kế hoạch, mục tiêu cho cả năm
Xem sổ học bạ năm trước và coi thử mình còn yếu kém môn nào, điều đó khiến các bạn học sinh có tinh thần hơn để cố gắng trong năm học mới. Đồng thời bạn cũng nên lập kế hoạch học tập, thời gian biểu và mục tiêu chi tiết cho hai học kì sắp đến, nhìn nhận lại những yếu điểm của bản thân để cố gắng cải thiện. Một kế hoạch chi tiết sẽ là động lực thúc đẩy bạn đến trường và sẵn sàng "chiến đấu" với các môn học. Bí kíp của chúng tớ là hãy dành thời gian để kẻ khung và đưa ra kế hoạch, mục tiêu trong từng tuần, những yêu cầu đặt ra cho bản thân. Không nên đưa ra mục tiêu quá cao vì bạn sẽ dễ bỏ rơi nó và lười biếng không thực hiện.
PV. Phạm Minh Hương (P1 13 - 16)
Bài viết có tham khảo của Tiin.vn