Mỹ: Tư duy sáng tạo
Anh Craig Warren Soffer (Giám đốc TT Đào tạo Oxford English UK Việt Nam) cho biết: Ở Mỹ, học sinh cũng học cả lịch sử nước Mỹ và lịch sử thế giới qua sách, internet, quan trọng là qua nhiều nghiên cứu độc lập của bản thân hoặc theo nhóm.
Craig cho biết, học sinh Mỹ được giáo viên hướng dẫn tiếp cận thông tin từ cả hai nguồn. Secondary source là nguồn thông tin được viết dựa theo tài liệu nguyên bản và có mang ý kiến cá nhân người viết. Primary source là tài liệu gốc được ghi lại theo đúng sự việc đã diễn ra như một bức thư của người lính viết trong chiến tranh, một quyển sách hay bài báo...
Cũng theo Craig, thường giáo viên khuyến khích học sinh tìm và sử dụng tài liệu nguyên bản nhiều nhất có thể để nghiên cứu và viết ý kiến, tư tưởng của mình. Với cách học này, học sinh được phát huy tư duy sáng tạo.
Học sinh cũng được dạy để trích dẫn trong bài viết những câu nói, ý tưởng không phải của mình, phân biệt với các tác giả, các nguồn tư liệu khác nhau, tránh sao chép từ ngữ hay ý tưởng. Ngoài ra, học sinh còn được đi thăm bảo tàng, di tích lịch sử để tận mắt nhìn thấy cổ vật, hay tàn tích lịch sử.
Craig cho biết ở Mỹ có một câu nói rất nổi tiếng “Lịch sử được viết bởi những người chiến thắng” có nghĩa là bản thân sách sử đã mang nhiều ý kiến cá nhân của tác giả, do vậy học sinh được hướng dẫn để tìm hiểu, đánh giá những ý kiến đó và viết theo chính kiến của mình.
Hà Lan: Học theo câu chuyện
Wonter Bom (23 tuổi) đến từ Hà Lan, hiện là cố vấn của tổ chức sinh viên quốc tế AIESEC tại Hà Nội, cho biết: Ở Hà Lan học sinh không học Sử theo sự kiện ngày, tháng, năm như ở Việt Nam mà học theo câu chuyện. Tất cả các vấn đề lịch sử được sắp xếp thành một chuỗi câu chuyện, học sinh được giáo viên kể, hướng dẫn phân tích ý nghĩa lịch sử qua đó.
Wonter Bom nói, học sinh Hà Lan chủ yếu học lịch sử thế giới với tỷ lệ 75% và 25% là lịch sử trong nước.
Wonter Bom lý giải, người Hà Lan có mặt khắp thế giới nên việc học lịch sử thế giới là cách để tìm hiểu cuộc sống của người Hà Lan ở các nước. “Người Hà Lan thường cởi mở về văn hóa nhờ được học nhiều sử thế giới”, Wonter Bom nói.
Thổ Nhĩ Kỳ: Đề cao môn Sử
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, học sinh được học Sử theo các giai đoạn. Từ lớp 6, học sinh bắt đầu được học Sử và mức độ quan trọng trong mỗi bài học tăng dần theo bậc học, trong đó học sinh học sử nhiều nhất ở cấp trung học.
Aslan (22 tuổi, sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội) đến từ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các bạn ít được thực hành khi học Sử, nhưng lại chủ động trước mỗi bài học. “Lớp học thường phân nhóm để làm bài tập và phân tích sự kiện theo chủ đề, với phương pháp này, các bạn học được ở nhau nhiều điều”, Aslan nói.
Cũng theo Aslan, để trở thành học sinh giỏi, bạn trẻ không chỉ thi môn chuyên mà cả Toán, Văn, Sử, Vật lý, Hóa, Sinh trong đó bài thi môn Sử được đề cao. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, có một đề thi đại học chung dành cho học sinh các khối. Ngoài môn chuyên bắt buộc, học sinh có thể lựa chọn làm đề phụ để nâng điểm.
Nếu học sinh thi Toán, nhưng có làm bài Sử sẽ được điểm cao, tăng cơ hội đỗ ĐH. “Học Sử không bao giờ là thừa và chúng tôi luôn ý thức cần có tính chủ động trong môn học này”, Aslan chia sẻ.
Kazakhtan: Tự luận
Khác với ở Việt Nam, học sinh ở Kazakhtan tự đúc kết bài học từ sự kiện lịch sử theo phương pháp tự luận. Đến Việt Nam tham gia chương trình Ngày lãnh đạo trẻ toàn cầu tại Hà Nội cuối tháng 8 này, Elena (22 tuổi, nữ sinh Kazakhtan) cho hay giới trẻ nước này nhận thức được tầm quan trọng của lịch sử và rất chú trọng học môn Sử.
Cũng theo Elena, trong một buổi học, giáo viên không đọc- chép mà hướng dẫn các chi tiết, sự kiện để học sinh tìm hiểu. Lớp học thường xuyên có những buổi thảo luận, học sinh tự đúc kết các bài học theo suy nghĩ, phân tích, đánh giá của mình. “Phương pháp này sẽ giúp học sinh nhớ lâu và có trách nhiệm với lịch sử hơn”, Elena chia sẻ.
Ninh Hạnh (Theo www.giaoduc.net)