Nhưng đôi khi lo lắng quá mức khiến bạn bị ảnh hưởng khá nhiều đến kết quả phỏng vấn đấy. Hãy "dằn túi" những bí kíp sau để bớt run và có sự chuẩn bị tốt hơn nhé.
Nắm rõ thời gian, địa điểm phỏng vấn
Bạn hãy chú tâm ghi nhớ điều này. Việc nắm rõ thời gian, địa điểm giúp bạn chủ động hơn trong việc đi lại và bình tĩnh bước vào buổi phỏng vấn.
Bên cạnh đó, cố gắng đến sớm trước giờ hẹn ít nhất 10 phút để có sự chuẩn bị tâm lý lẫn ngoại hình thật kỹ lưỡng nhé. Ấn tượng tốt lúc đầu sẽ giúp bạn dễ ghi điểm hơn trong mắt người phỏng vấn đấy.
“Dự phòng” trước một số câu hỏi
Khi xin Visa du học bất cứ nước nào, các thành viên Lãnh sự quán cũng thường có những dạng câu hỏi khá giống nhau, chia theo các chủ mục sau:
- Thông tin bản thân (tên, tuổi, sở thích lúc rảnh rỗi?...)
- Gia đình của bạn (tên của bố mẹ, anh chị, nghề nghiệp của bố mẹ, anh chị, có sống cùng bố mẹ không?...)
- Kế hoạch học tập tại nước đến du học (về trường học, chuyên ngành học, học phí, về nơi sống ở nước ngoài, sống cùng ai?)
- Khả năng tài chính (lương tháng của bố mẹ, bố mẹ sẽ cấp bao nhiêu tiền khi bạn đi du học, bố mẹ có khả năng hỗ trợ bạn suốt các học kỳ không, ai có thể hỗ trợ bạn thêm?)
- Ý định quay trở về Việt Nam?
- Thử độ nhạy bén trong tư duy và giao tiếp (sự kiện đáng nhớ nhất trong đời, bạn sẽ là ai trong 10 năm tới, mục tiêu học hành của bạn là gì?...)
Bạn hãy dự phòng những câu hỏi trên và trả lời chúng như đang diễn tập một cuộc phỏng vấn giả. Làm được điều này, bạn sẽ tự tin hơn khi được phỏng vấn thật mà không bị động hay lúng túng.
Giữ tâm lý vững vàng
Dù đang “run” đến thế nào thì cũng hãy cố gắng kìm lại, hít thở thật sâu để lấy sự bình tĩnh vốn có. Bạn cứ “bình thường hóa” tầm quan trọng của cuộc phỏng vấn để tránh bị áp lực quá lớn lại hỏng chuyện.
Và hãy luôn tỏ ra thân thiện, dễ gần, đừng quên mỉm cười nhé.
Luôn trung thực
Trong buổi phỏng vấn để đi du học, bạn phải trung thực trong tất cả các câu trả lời về bản thân. “Chém gió” quá lố về mình là điều tối kỵ! Với kinh nghiệm và khả năng của mình, các viên chức của Lãnh sự quán thừa khôn ngoan để lật tẩy sự không trung thực của bạn.
Chủ động trong mọi câu trả lời
Hỏi gì đáp nấy khiến bạn chẳng khác gì một… “cái máy” và chắc chắn ấn tượng của người phỏng vấn về bạn sẽ rất mờ nhạt.
Vì thế, cũng với câu hỏi: “Bạn dự định học chuyên ngành gì?”, thay vì chỉ trả lời cụt ngủn: “Tôi định học công nghệ thông tin” thì hãy “sinh động hóa” câu trả lời bằng việc nói ngắn gọn về lý do chọn ngành học đó, về sở thích, đam mê và sơ qua về định hướng nghề nghiệp…
Câu hỏi đơn giản nhưng bạn cung cấp được thông tin thú vị sẽ giúp gây ấn tượng mạnh với người phỏng vấn. Tất nhiên, một lưu ý nhỏ là bạn chỉ cung cấp lượng thông tin cần thiết, tránh nói lan man, dài dòng, xa câu hỏi nhé.
Cùng cố gắng cho ước mơ cất cánh nào!
Lê Đức Thuận (Theo Kênh 14)