Sống tốt với áp lực
Giai đoạn này là khoảng thời gian được xem là “thời điểm vàng” của các học sinh cuối cấp. Bởi lẽ đây là khoảng thời gian chạy nước rút và định hướng quan trọng, nhằm quyết định tương lai. Tất nhiên sẽ không tránh khỏi những áp lực học, bên cạnh đó còn có không ít lý do khiến các bạn phải “đau đầu".
Luôn phải thức đêm để “cày” bài vở, tất bật chạy đến các lớp học thêm cho kịp giờ đã đủ khiến nhiều bạn stress nặng. Thêm vào đấy là việc bạn luôn suy nghĩ về việc chọn trường, chọn ngành và lo lắng cho những kì thi sắp tới. Vô hình trung, một cơ thể kiệt sức và tinh thần mệt mỏi, tất cả đã “vượt ngưỡng” chịu đựng và không thể sắp xếp các công việc của mình một cách hợp lý, những điều đấy khiến bạn cảm thấy áp lực đè nghiến.
Để không nổ tung trước áp lực
Tập làm quen dần với những áp lực công việc, học hành. Những người thành công có thể làm mọi việc dưới áp lực cao mà vẫn duy trì được sự tỉnh táo. Điều này có được phần lớn do kinh nghiệm và khả năng thích nghi theo thời gian của họ. Vì thế, bạn hãy biết cách sắp xếp thời gian hợp lý. Đừng có quan niệm chạy trốn công việc một thời gian, tự cho mình “xả hơi” dài ngày rồi hãy tiếp tục. Bạn hãy thử hỏi, nếu chạy trốn rồi công việc sẽ tự biến đi là xong? Hay ban đầu chạy trốn cho khỏe thân rồi để đấy từ từ giải quyết cho mệt xác! Bạn nên nhớ, chạy trốn là đồng nghĩa với "bại binh".
Thêm vào đấy, để có một kết quả học tập tốt, bạn cần lập ra một “bản đồ” cho bản thân. Bạn cần biết giai đoạn nào là giai đoạn định hướng, khi nào là giai đoạn nước rút cho những cơ hội lớn và giai đoạn nào là đích đến của thành công. Và tất nhiên, mỗi giai đoạn đều có những việc cần làm khác nhau. Lập bản kế hoạch cũng là một cách để bạn cân chỉnh và tiết kiệm thời gian đấy.
"Vũ khí" chiến thắng áp lực
- Sắp xếp thời gian hợp lý với những “vũ khí” như to-do-list, sổ tay, giấy note để nhắc việc… Ai cũng có 24h một ngày để xử lý công việc, càng tận dụng tốt thì hiệu suất càng cao.
- Duy trì lối sống lành mạnh và điều độ, ngủ đủ giấc và không thức quá khuya kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý. Bất kì một vận động viên nào, nếu biết cách duy trì sức bền và tăng tốc đúng lúc thì đích đến là không xa.
- Nghỉ ngơi, hoặc đi du lịch nếu có thể trước khi lao đầu vào một kì thi quan trọng. Đây là một cách để làm xẹp quả bóng áp lực trước khi… thổi phồng nó lại.
- Đừng giấu kín những áp lực mà bạn phải gánh chịu, hãy chia sẻ nó với bạn bè, gia đình. Nên nhớ, gia đình lúc này luôn là một nguồn động viên cũng như chia sẻ, trao đổi tất cả với bạn.
- Đừng ngó lơ các dấu hiệu nguy hiểm như stress, mất ngủ, mệt mỏi, cáu kỉnh… Hãy giải quyết nhanh gọn trước khi chúng thực sự đủ mạnh để đánh gục bạn.
Lê Đức Thuận
(Theo TTVN)