Bí quyết “ghi điểm” của các thủ khoa

By toan | 15 Tháng Năm, 2017

* Nguyễn Kim Lân- Thủ khoa khối D trường ĐH Ngoại thương: 
                                                  “Hãy luyện tập thật nhiều”

Đối với việc ôn thi và làm bài thi các môn khối D1, khi học nên chia nội dung môn học ra thành các chuyên đề nhỏ để tập trung đi sâu vào từng chuyên đề. Sau đó, hãy làm nhiều đề tổng hợp. Thực tế, có nhiều khi chúng ta làm bài tập trong từng chuyên đề thì rất tốt nhưng khi nhìn đề tổng hợp lại cảm thấy rất lúng túng. Vì vậy, cần thường xuyên rèn luyện để tạo phản xạ nhanh trước các loại đề bài.

Khi làm bài thi nên có chiến lược làm bài cho mình. Không nên tập trung quá nhiều vào làm bài khi nhận được đề mà hãy đọc qua một lượt, dựa vào khả năng của bản thân để đánh giá độ khó, dễ của câu hỏi, từ đó phân bổ thời gian cho hợp lý. Đối với môn Ngữ văn, khi đi thi nên làm câu 5 điểm trước với mục đích tạo ấn tượng tốt cho người chấm. Với câu hỏi này, chúng ta có thể đưa ra nhiều kiến thức đã được học. Sau đó là câu 1 tái hiện kiến thức và cuối cùng là câu hỏi nghị luận xã hội. Lí do là bởi đề nghị luận xã hội là đề mở, rất dễ sa vào viết lan man, nên làm cuối cùng để căn cứ thời gian cho hợp lý. Đối với môn Ngoại ngữ, ôn thi theo kiểu “mưa dầm thấm lâu, mỗi ngày học một ít”. Một trong những cách học từ mới hiệu quả là học theo cụm từ, thậm chí học cả câu. Có thể học từ mới qua các bài hát, tin tức hay qua tranh ảnh. Làm bài thi môn này cũng không khác nhiều với những môn thi trắc nghiệm khác, làm những câu dễ trước rồi đến những câu khó.

  * Hà Tú Anh- Thủ khoa Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội:
                                                   “Xác định rõ mục đích học tập của mình”:

Mục đích học tập chính là định hướng để mỗi người học tập có hiệu quả. Để xác định được mục đích đó, ta nên dựa trên năng lực bản thân, sở thích của mình.

Đối với bất kỳ môn học nào, sách giáo khoa luôn là tài liệu cơ sở để đọc và học. Đối với môn văn cũng vậy, tôi có thói quen đọc sách trước khi đến lớp. Đọc những vấn đề được viết trong sách: tiểu dẫn, tác giả, tác phẩm… và gạch chân dưới những từ mà mình cho là quan trọng, tập trung suy nghĩ, lý giải những từ ngữ, vấn đề đó bằng cách hiểu của mình, bằng sự móc nối các kiến thức đã học, gạch chân dưới những câu văn mà mình tâm đắc. Đọc sách lại ở trên lớp khi thầy cô đang giảng bài, nghe cách thầy cô khai thác, lý giải câu chữ, vấn đề đặt ra trong bài học. Từ đó, ta sẽ tìm thấy những điểm cần bổ sung vào cách hiểu bài của mình và những điểm bất đồng cần thầy cô giáo giải đáp. Đó chính là cách khắc sâu thêm kiến thức. Ngoài đọc sách giáo khoa, ta cũng có thể chọn đọc thêm các sách tham khảo phù hợp. Tích lũy cho mình vốn hiểu biết về cuộc sống cũng là một cách hiệu quả để học văn và “ghi điểm” trước mỗi đề thi

 

*Thái Quỳnh Trang- Thủ khoa Đại học Y Hà Nội

                                                 “Không nên đi học thêm quá nhiều”

Với 3 môn Toán, Hóa, Sinh cũng như các môn học khác, sau khi học xong mỗi chương, tôi thường tổng hợp những kiến thức cần nhớ lại. Trong mỗi chương, chúng ta được học một lượng lý thuyết, bài tập rất lớn nếu cứ dàn trải sẽ khó ghi nhớ hết. Vì vậy, giành ra một buổi để ghi lại những kiến thức đã học rất quan trọng và không nên bỏ qua. Việc tự học này giúp chúng ta hệ thống lại khối lượng kiến thức cần học một cách hiệu quả.

Một vấn đề nữa là chúng ta không nên đi học thêm quá nhiều. Chúng ta thường có một tâm lý chung là khi thấy bạn bè mình đi học thêm ở đâu đó, biết trước mình một vài kiến thức là sẽ nóng lòng muốn được tham gia lớp học đó ngay. Liệu học thêm nhiều có tốt cho các bạn không? Các bạn sẽ thấy kiến thức mình nghe ở các lớp này có phần trùng lặp, điều này khiến chúng ta đang bị lãng phí thời gian. Đó là chưa kể khi đi học thêm, chúng ta hầu như chỉ lắng nghe và ghi chép, không suy nghĩ nhiều, trong khi ở nhà chúng ta không kiểm tra, xem lại những gì mình đã được nghe, được học thì các kiến thức ở lớp học thêm cũng không thể trở thành kiến thức của mình được và sẽ bị quên đi nhanh chóng. Cho nên, chúng ta nên giảm bớt thời gian đi học thêm mà dành cho việc tự học ở nhà.

Đối với việc làm các đề thi đại học của các năm trước, bản thân tôi cho rằng đó không phải là học mà chỉ là cách thức để kiểm tra xem bản thân đã đạt được bao nhiêu kiến thức. Tôi chỉ thực sự ôn luyện làm đề thi khi cách kỳ thi khoảng 3-4 tháng và thường làm đề sau khi học xong mỗi chương. Khi làm đề, tôi bấm thời gian và cố gắng làm nghiêm túc như trong một kỳ thi thật. Khi kiểm tra đáp án, tôi không chỉ xem mình đạt bao nhiều điểm mà sẽ xem có những câu nào sai, từ đó bổ sung lại những kiến thức mình còn bị hổng.

 * Phùng Thị Phương Thúy- Thủ khoa khối C, Học viện Báo chí và tuyên truyền: “Không nên học thuộc một cách máy móc mà hãy biến thành kiến thức của mình”

Chọn thi khối C, chúng ta phải tập trung cho một khối lượng kiến thức lớn. Đặc biệt là hai môn Sử và Địa, đòi hỏi phải học thuộc lòng nhiều nội dung. Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ học thuộc lòng một cách máy móc mà hãy cố gắng biến nó thành kiến thức của mình thì mới có thể nhớ được lâu.

Học thuộc Sử, Địa rất dễ rơi vào tình trạng học trước quên sau nên phải học đi học lại nhiều lần, không được nản khi ôn lại kiến thức cũ mà thấy mình không nhớ gì. Kiến thức xã hội của bản thân giúp ích rất nhiều cho việc học tập tốt hai môn này. Vì vậy, các bạn nên quan tâm nhiều đến các sự kiện xã hội, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, tình hình chính trị - kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế…Đặc thù môn Sử là có rất nhiều sự kiện, nhiều mốc thời gian, các bạn hãy cố gắng tìm ra mối liên hệ giữa các sự kiện để nhớ chúng lâu hơn. Còn với môn Địa, số liệu rất nhiều và khó nhớ. Riêng với bảng số liệu, đây là phần dễ kiếm điểm nhất trong bài thi, vì thế hãy cố gắng dành trọn điểm của phần này. Mỗi bảng số liệu có một ý nghĩa riêng, hãy tìm ra các từ khóa để chỉ cần đọc đề là có thể xác định được ngay nên vẽ biểu đồ gì. Với 3 môn: Văn, Sử, Địa, các bãn hãy có một quyển sổ tay để ghi chép vắn tắt kiến thức đã được học hoặc những kiến thức mới để đi đâu ta cũng có thể nhìn thấy, nó sẽ in vào trí nhớ ta lâu hơn.

Lê Đức Thuận (Theo Hanoi.edu.vn)

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan