Dự thảo này đã được gửi đến các bộ ngành liên quan để lấy ý kiến đóng góp trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Theo đó, có nhiều chính sách liên quan đến việc miễn giảm học phí (HP) được Bộ GD-ĐT đề xuất bổ sung, sửa đổi.
Miễn giảm trực tiếp tại trường
Nghị định 49 quy định, từ năm học 2010 - 2011, việc miễn giảm HP được thực hiện theo hình thức: học sinh, sinh viên (HSSV) thuộc diện miễn, giảm vẫn phải đóng HP tại trường đang theo học như những HSSV khác. Sau đó, những đối tượng này làm thủ tục về địa phương để nhận tiền cấp bù miễn, giảm HP. Quy định đóng HP trước, rồi lấy biên lai về địa phương để nhận tiền cấp bù đã gây không ít khó khăn cho những gia đình SV nghèo. Vì nghèo, không có tiền, nhiều SV phải vay "nóng" để đóng HP nhưng khi làm hồ sơ để được cấp bù lại gặp trở ngại vì quá nhiều thủ tục.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đóng học phí - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Từ phản ánh của dư luận, Bộ GD-ĐT đề xuất sửa đổi nghị định này theo hướng: Nhà nước thực hiện cấp bù HP cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập có đối tượng được miễn, giảm theo số lượng người học thực tế và mức thu. Nhà nước cấp bù HP cho HS thuộc đối tượng miễn, giảm học mẫu giáo và ngoài công lập; cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập có đối tượng được miễn, giảm theo số lượng người học thực tế và mức thu. Như vậy, sẽ bãi bỏ quy định: cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn, giảm HP cho các đối tượng được miễn, giảm ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập để các đối tượng này đóng HP đầy đủ cho nhà trường, như quy định hiện hành.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị bãi bỏ quy định miễn giảm HP cho đối tượng là trẻ em học mẫu giáo và HSSV có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bổ sung đối tượng cận nghèo
Theo quy định hiện hành, miễn giảm HP thực hiện với HSSV tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo. Theo đề xuất sửa đổi của Bộ GD-ĐT, sẽ không quy định mức thu nhập tối đa so với hộ nghèo mà chỉ nói chung “hộ cận nghèo theo quy định của nhà nước”. Quy định này cũng được áp dụng đối với trẻ em học mẫu giáo và HS phổ thông.
Liên quan đến quy định về mức HP, đề xuất sửa đổi của Bộ GD-ĐT dự kiến: đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập: mức thu phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân. Đồng thời, bỏ quy định hiện hành: “Từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015, mức HP và chi phí học tập khác không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình ở mỗi vùng”.
Bộ GD-ĐT cũng bổ sung thêm đối tượng được miễn HP là SV học chuyên ngành các môn học Mác Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Các đối tượng được giảm 70% HP gồm: HSSV các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ GD-ĐT, cho hay: “Những nội dung trên mới là đề xuất từ phía Bộ GD-ĐT nhằm khắc phục những bất cập mà Bộ ghi nhận từ thực tế trong quá trình thực hiện Nghị định của Chính phủ về HP hiện hành”.
Mức học phí hiện hành Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, ban hành ngày 14.5.2010 quy định về mức HP bậc phổ thông năm học 2010-2011 như sau: - Khu vực thành thị từ 40.000-200.000 đồng/tháng/HS - Nông thôn từ 20.000-80.000 đồng/tháng/HS - Miền núi từ 5.000 đến 40.000 đồng/tháng/HS. Kể từ năm học 2011 - 2012 trở đi, HP sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế hoạch - Đầu tư thông báo. Căn cứ vào khung HP của nghị định này, HĐND cấp tỉnh sẽ quy định mức HP cụ thể hằng năm phù hợp với thực tế của các vùng ở địa phương mình. |
Theo Thanh Niên