"Bông hồng nhung" của làng cờ Thủ đô

By toan | 1 Tháng Chín, 2022

Nữ kỳ thủ Nguyễn Hồng Nhung (thứ 6 từ phải sang) trên bục nhận Huy chương vàng. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Chậm mà chắc

Mới 13 tuổi, nhưng Nguyễn Hồng Nhung đã có tới 7 năm liên tục gắn bó với cờ vua. Những năm đầu, Nhung học cờ ở Câu lạc bộ Quân đội, các năm tiếp theo được tôi luyện tại Câu lạc bộ Cờ, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội. Trong bảng vàng thành tích của kỳ thủ này không chỉ có những tấm Huy chương vàng của Hà Nội, của quốc gia, mà còn nhiều Huy chương vàng ở đấu trường khu vực và châu lục.

Đáng kể gần đây là thành tích giành 3 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc Giải vô địch Cờ vua các nhóm tuổi Đông Nam Á năm 2019 tại Myanmar. Không chỉ giỏi chơi cờ, Hồng Nhung còn là học sinh giỏi của khối THCS Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, cô bé từ tốn chia sẻ: "Cháu tập cờ từ năm lên 6 tuổi, từ đó đến nay mỗi ngày cháu dành 4 giờ cho môn này. Cháu không gặp nhiều khó khăn khi bố trí thời gian học cờ, bởi việc học văn hóa không lấy của cháu quá nhiều thời gian. Hồi tiểu học, cháu chỉ học văn hóa ở trường. Đến khi lên trung học cơ sở, tại Trường Hà Nội - Amsterdam, chúng cháu không phải học nâng cao nhiều mà chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản. Vì vậy, cháu cũng không phải đi học thêm nhiều. Nghỉ hè, hằng ngày cháu lên Câu lạc bộ Cờ Hà Nội tập cả sáng và chiều. Khi chơi cờ, cháu thấy rất thoải mái, dễ chịu. Cháu tự thấy môn này rất hợp với mình".

Nhận xét về cô học trò nhỏ xuất sắc của mình, cô Huỳnh Hoa Minh Nhật, huấn luyện viên Câu lạc bộ Cờ Hà Nội - một trong những người trực tiếp huấn luyện Nguyễn Hồng Nhung nhiều năm qua đánh giá: "Hồng Nhung không chỉ có năng khiếu mà còn có tính cách rất phù hợp chơi cờ vua. Cờ vua hiện đại thường chia 2 xu hướng, một là nhanh và sắc bén, hai là chậm mà chắc chắn. Tôi xếp Hồng Nhung vào xu hướng thứ 2 và theo kinh nghiệm thực tế thì những em theo xu hướng này có khả năng tiến xa hơn. Với môn thể thao đòi hỏi tư duy sâu mới có thể phát triển đỉnh cao được như cờ vua thì chính tính cách chậm mà chắc ấy sẽ giúp Nhung phát triển, chừng nào em ấy còn tập trung, quyết tâm và cố gắng".

Tấm gương về sự tự giác, kiên nhẫn và bền bỉ

Có nhiều yếu tố để góp phần tạo nên một nhà vô địch, nhưng không thể không kể đến tinh thần tự giác, sự kiên nhẫn và bền bỉ trong học hỏi, luyện tập. Không nói về những khó khăn, vất vả khi phải dành nhiều thời gian học tốt cả cờ vua và văn hóa, Nhung chia sẻ giản dị: "Ở nhà, cháu cũng nấu cơm, quét, lau nhà và cùng anh trai thay phiên nhau rửa bát. Thỉnh thoảng cháu cũng muốn đi chơi với các bạn, nhưng rồi lại quyết định ngồi tập cờ để bảo đảm đúng kế hoạch, mục tiêu đề ra. Mẹ cháu thường khuyên nên chia thời gian hợp lý giữa học văn hóa và chơi cờ, không bao giờ mẹ gây áp lực cho cháu là phải học thật giỏi. Mẹ thậm chí còn bảo cháu cầu toàn quá nên không có nhiều thời gian như các bạn. Dù vậy, cháu nghĩ mình cần hoàn thành bài tập theo đúng kế hoạch huấn luyện và sự hướng dẫn của các thầy cô. Nếu không tự giác, kiên nhẫn tập luyện sẽ khó đạt được kết quả tốt".

Để nâng cao trình độ, Hồng Nhung không chỉ tự giác nghiên cứu các bài giảng của thầy cô, làm bài tập về nhà mà còn chủ động tìm đọc các sách tiếng Anh về cờ vua với mục tiêu nâng cao cả khả năng đánh cờ và tiếng Anh.

Ngô Ngọc Châu, một cô bé thuộc lứa đàn em (U11) của Hồng Nhung ở Câu lạc bộ Cờ Hà Nội nhận xét: "Cháu thích chị Nhung vì chị hiền khô, đánh cờ giỏi và học trên lớp cũng rất tốt. Đây cũng là điều cháu thích khi đến với Câu lạc bộ Cờ Hà Nội, vì được làm bạn và học hỏi từ nhiều anh chị rất giỏi ở các trường khác nhau, được học các thầy cô không chỉ từ các bài tập mà cả về tư duy chiến thuật".

Trong câu chuyện với tôi, Hồng Nhung chỉ nhắc về người bố với cách nói giản dị, yêu thương: "Bố đưa đón cháu đi học mỗi ngày", nhưng chừng đó đã phần nào cho thấy những nỗ lực của gia đình Hồng Nhung trong hành trình giúp con theo đuổi đam mê suốt 7 năm qua.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Xuân Bình, bố của Hồng Nhung cho biết: "Tôi rất vui khi đưa đón con đi học cờ mỗi ngày, vợ tôi cũng không ít lần dành thời gian và kinh phí đồng hành cùng con trong một số chuyến du đấu ở nước ngoài, bởi đây là môn học con yêu thích, lại giúp phát triển tư duy. Điều đáng mừng là con theo tập cờ, đi thi đấu kéo dài nhiều ngày, nhưng khi về luôn tự giác học văn hóa và theo kịp các bạn, duy trì đà tiến bộ".

Nói về tấm gương trong học tập và rèn luyện của Hồng Nhung, huấn luyện viên Huỳnh Hoa Minh Nhật nhận xét: "Trước đây, Hà Nội cũng có nhiều kỳ thủ đạt thành tích tốt, nhưng khi lên đến cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, kết quả luyện tập thường đi xuống vì lo học văn hóa, đi du học... Còn với Hồng Nhung thì khác, gia đình luôn khéo sắp xếp để hỗ trợ con. Bản thân Hồng Nhung có ý thức, sự say mê và quyết tâm chinh phục đỉnh cao mới, biết kết hợp giữa việc học văn hóa và học cờ phát triển song hành. Điểm nổi bật của kỳ thủ này chính là ý thức tự giác, nỗ lực và quyết tâm cao. Tôi bắt gặp ở cháu hình ảnh của những cao thủ cờ vua - thường rất lành, trầm tĩnh, tư duy sâu, say mê và kiên trì".

Năm 2018, một chút hồi hộp, lo lắng và một chút không may đã khiến Nhung để thua ở ván cuối Giải vô địch Cờ vua nhanh và chớp thiếu niên thế giới tại Belarus, trong khi chỉ cần hòa là có huy chương.

Nhưng huấn luyện viên Huỳnh Hoa Minh Nhật không vì thế mà nản lòng: "Chỉ cần Nhung chăm chỉ tập, có chiến lược tốt, kết hợp một chút may mắn, kiên trì, tôi tin cháu sẽ có huy chương thế giới. Hà Nội không chỉ có các huấn luyện viên giỏi, mà còn có các đại kiện tướng hiện vẫn thi đấu đỉnh cao luôn phối hợp chặt chẽ cùng các phụ huynh để kèm cặp, hướng dẫn các vận động viên trẻ. Với sự gắn bó ấy, cùng sự đầu tư trong tập huấn và thi đấu, Nhung chắc chắn sẽ tiếp tục tiến xa".

Với Hồng Nhung, bù đắp cho những giờ bền bỉ theo tập môn cờ, cô bé đã có phần thưởng quý giá hơn cả những tấm huy chương vì như lời Hồng Nhung chia sẻ: "Cháu luôn nhận được sự hỗ trợ của gia đình, của các thầy cô, các kiện tướng trong làng cờ. Đồng hành cùng Câu lạc bộ Cờ Hà Nội, cháu đã được đặt chân đến Belarus, Mông Cổ, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore..., được kết bạn với rất nhiều người giỏi. Đáp lại tất cả những điều ấy, cháu tự thấy mình càng phải chủ động sắp xếp để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một học sinh, một kỳ thủ trong làng cờ Thủ đô".

Theo Hà Nội mới

 

>> Kết quả Giải Vô địch cờ vua Trẻ Châu Á – 2016 tại Mông Cổ

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan