Gói bánh chưng
Mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu bánh chưng xanh cùng với thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Gói bánh chưng cũng như việc tạo nên một tác phẩm nghệ thuật, người gói phải khéo léo sao cho chiếc bánh chưng vừa đầy đặn,vuông vắn lại vừa đáp ứng được yêu cầu “ đậu bao thịt, gạo bao đậu”, điều đó có nghĩa là các lớp thịt, đậu và nếp phải được khéo léo bao trọn lấy nhau. Sự tinh tế này làm nên nét kỳ diệu của chiếc bánh chưng truyền thống, Bánh chưng sau khi gói phải được bỏ vào nồi luộc đến khi bánh thật dền thì vớt ra.
Bánh chưng xanh ngày Tết
Nếu như ngày nay nhiều gia đình người Việt vì cuộc sống quá bận rộn không có thời gian để tự gói bánh chưng thì thời xưa, nhà nào cũng có một nồi bánh chưng trong đêm giao thừa. Đêm giao thừa là thời khắc cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng xanh, bên đống lửa bập bùng và tiếng lách tách của củi gỗ, cảm nhận được mùa xuân đã gõ cửa bên thềm; cùng nhớ đến ông bà tổ tiên và nhìn lại một năm qua với những gì đã làm được và chưa làm được. Do vậy, nấu bánh chưng không chỉ là một phong tục của người Việt, mà đó còn là linh hồn của dịp Tết cổ truyền Việt Nam.
Câu lạc bộ môi trường duy nhất của các Amsers - GHA, hàng năm đều tổ chức chương trình “Tết Ấm Áp” - hoạt động gói bánh chưng vào dịp Tết cuối năm. Những chiếc bánh chưng được các Amsers gói cẩn thận và tỉ mỉ là món quà Tết ấm áp nhất gửi tặng những người có hoàn cảnh khó khăn trên khắp Hà Nội. Đó cũng chính là cách các bạn học sinh trường Ams đón Tết cùng bạn bè với hoạt động vô cùng ý nghĩa này.
Poster chính thức của Tết Ấm Áp 2016
Lì xì
Ngày Tết, chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng luôn mong chờ được đón nhận những phong bao lì xì đỏ trơn, hoa văn bắt mắt từ ông bà, cha mẹ với những lời chúc tốt đẹp cho năm mới. Lì xì là một phong tục của người châu Á trong những ngày Tết đầu năm: trẻ con khi đến nhà ông bà, họ hàng được người lớn mừng tuổi những đồng tiền may mắn.
Phong bì lì xì treo trên cây mai
Câu lạc bộ Nhật Bản của trường mình HAJV cũng đã tổ chức một hoạt động nho nhỏ tương tự như lì xì đầu năm. Đó là thiết kế những tấm thiệp đẹp mắt ghi lời chúc của các Amsers treo trên lan can của trường.
Những tấm thiệp của các bạn CLB HAJV
Đi chơi Tết
Cách “ đi chơi Tết” của người Việt rất riêng có, bởi nó bắt nguồn từ đạo lý được răn dạy và lưu truyền qua các thế hệ về “ Ơn cha, nghĩa mẹ, công thầy”.“ Mồng Một Tết cha, Mồng Hai Tết mẹ, Mồng Ba Tết thầy”, đó là phong tục đi chơi Tết của người Việt. Vào Ngày Mồng Một và Mồng Hai, mọi người thường đến thăm nhà ông bà, họ hàng nội ngoại để chúc Tết. Đến ngày Mồng Ba, học trò thường đến chúc Tết Thầy. Ngày nay, “ Tết Thầy” được thể hiện theo một ý nghĩa rộng hơn, đó là vào ngày này, rất nhiều thế hệ học trò đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám – trường Đại học đầu tiên của nước Việt để cầu xin một năm học hành giỏi giang, đỗ đạt cao. Sau đó, học trò còn thường đến xin chữ thầy đồ, hay xin câu đối đỏ về treo trong nhà ngày Tết.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Tết Nguyên Đán với những phong tục cổ truyền đã trở thành dấu ấn văn hóa đậm nét của dân tộc Việt Nam. Dù đi đâu về đâu, người Việt nói chung và các Amsers nói riêng vẫn luôn coi trọng và giữ gìn những nét phong tục xưa đó và mang giá trị của chúng ra khắp năm châu.
PV: Phương Anh – Anh 2 1518