Câu chuyện có thật trong nền giáo dục Mỹ: Một học sinh mới 13 tuổi đã sáng tạo ra cách dán hình bàn tay vào quả bóng rổ để những người mới chơi có thể để tay đúng cách. Phát minh này lập tức được công ty sản xuất về dụng cụ thể thao tại Mỹ mua với giá hàng triệu đô. Cậu bé học sinh đã làm được điều thần kỳ từ một bài tập của thầy: "Em hãy phát minh ra điều gì có ích cho cuộc sống". Câu chuyện đó đã làm nhiều người đặt câu hỏi: Bao giờ chúng ta mới có những đề bài hay như vậy cho học sinh phát triển trí tuệ?
Và đến khi cả nước xôn xao với bài văn lạ của em Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 11 chuyên Lý Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thì câu hỏi về giá trị của những đề bài hay đã có thêm câu trả lời thật rõ ràng. Tôi đã tìm gặp cô Đặng Nguyệt Anh, cô giáo dạy văn lớp em Nguyễn Trung Hiếu, người có cả một bộ sưu tập những đề văn hay từ chất liệu đời sống cho học sinh. Và thật bất ngờ khi được biết, cô Đặng Nguyệt Anh đang sống trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa của Hà Nội.
Gia đình nhiều thế hệ làm thầy
Khi tôi đến gặp chị Nguyệt Anh, thật bất ngờ được biết mẹ chồng cô Nguyệt Anh là cô giáo Dương Thị Lục Hà, nguyên là Hiệu phó Trường THPT Phan Đình Phùng và là cô giáo chủ nhiệm, dạy văn suốt 3 năm cấp 3 của Tổng Biên tập báo Pháp luật & Xã hội Nguyễn Văn Bình. Bà Dương Thị Lục Hà công tác ở Trường Phan Đình Phùng từ năm 1973, khi trường mới thành lập. Trong suốt mấy chục năm dạy học của mình, bà Dương Thị Lục Hà là người đã phát hiện nhiều học sinh có năng khiếu học văn, viết văn để bồi dưỡng giới thiệu cho những kỳ thi học sinh giỏi văn quốc gia trong đó có những học sinh của cô đã đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi văn toàn miền Bắc.
Cô giáo Dương Thị Lục Hà sinh trưởng trong một gia đình có bề dày truyền thống với bố và bác ruột là những văn sĩ trí thức yêu nước nổi tiếng và họ đều là những danh nhân đã từng gắn bó với nghề dạy học. Cụ thân sinh của cô Dương Thị Lục Hà là nhà văn, nhà giáo Dương Tụ Quán, em ruột cụ Dương Bá Trạc và Giáo sư Dương Quảng Hàm. Người em trai ruột của cô giáo Hà cũng là giáo sư của trường Đại học Xây dựng. Anh chị con bác ruột của cô, là những tri thức, nhà giáo rạng danh tên tuổi như họa sĩ Dương Bích Liên, các giáo sư Dương Trọng Bái, Dương Thị Cương, Lê Thi... Em gái ruột của cô là nhà báo liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý.
Vợ chồng cô giáo Lục Hà trước đây đều là những nhà giáo có nhiều kinh nghiệm và uy tín. Dù hiện giờ đã vào tuổi 80, nhưng bà Hà vẫn rất minh mẫn, bà hiểu biết về nhiều dòng họ, nhiều nhà khoa bảng thời phong kiến, nhớ nhiều địa danh, nhiều sự kiện lịch sử, nhớ chính xác sinh nhật của tất cả người thân trong gia đình, và các cháu nhà hàng xóm, nhớ cả những lớp học trò đã học từ rất lâu. Bởi vậy nên cháu Nguyễn Đan Dương (con trai chị Nguyệt Anh) đã từng viết trong bài văn biểu cảm về bà nội của mình rằng: "Mẹ em vẫn thường bảo bà nội là cuốn từ điển sống của nhà ta".
Đến bây giờ, bà vẫn nhớ tường tận những câu chuyện về lớp học trò của mình từ những khóa đầu ở trường cấp III Phan Đình Phùng. Bà còn kể chuyện về em gái ruột của mình: Nhà văn, nhà báo, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý. "Tôi đã viết về Quý những ngày đầu tập viết, lúc đầu là những bài viết trên báo Thiếu niên tiền phong, sau đó Quý đi học ở Trường trung cấp Mỏ tại Quảng Ninh, học Trung cấp Mỏ nhưng Quý vẫn viết báo. Sau khi tốt nghiệp Quý được giới thiệu theo học một khóa báo chí ngắn hạn do Ban Tuyên huấn Trung ương mở, sau đó được tổ chức điều về Báo Phụ nữ Việt Nam, làm phóng viên. Rồi đến tháng 7 năm 1968, vào chiến trường, tháng 3 năm 1969, Quý hi sinh…". Qua nhưng câu chuyện xúc động của bà mới thấy, ký ức về truyền thống, tình cảm gia đình trong bà vẫn nguyên vẹn, sắc nét.
Cuộc trò chuyện với hai nhà giáo ở hai thế hệ đã giúp tôi hiểu vì sao, cô giáo Nguyệt Anh đã khẳng định: Mình tự hào về truyền thống gia đình mình bao nhiêu thì lại luôn cố gắng học hỏi để hoàn thiện bản thân mình bấy nhiêu, và cô cũng luôn nhắc các con của mình rằng: phải cố gắng lên để xứng với ông bà, với truyền thống gia đình. Cô rất mong một trong hai con mình sẽ nối nghiệp của các cụ, ông bà nội và mẹ.
Nếp nhà phải chăng là một nguồn động lực lớn lao giúp cô giáo Lục Hà và cô giáo Nguyệt Anh yêu nghề dạy học và đạt được những thành công trong công việc chở đạo văn chương, trong sự nghiệp "trồng người"?