Phóng viên (PV): Con được biết cô từng là học sinh trường Ams (khóa 94-97). Vậy cô có cảm xúc thế nào khi được trở vê dạy tại chính ngôi trường mà mình đã từng học tập?
Cô Hoài Thanh: Đây là câu hỏi mà thực ra trước khi được hỏi thì tất cả những học sinh đã từng có những năm tháng gắn bó với ngôi trường này, rồi có ngày được quay trở về đứng trên bục giảng đều đã tự có câu trả lời cho chính mình: tự hào và hạnh phúc nhưng mang nhiều trăn trở!
PV: Tại sao cô lại chọn nghề giáo trong khi xã hội bây giờ có nhiều nghề đỡ vất vả hơn?
Cô Hoài Thanh: “Vất vả” thì không hẳn, bởi mỗi nghề nghiệp có một đặc thù riêng, nhưng “áp lực” thì nghề giáo là một trong những nghề đó. Cô chọn nghề giáo vì nhiều lí do nhưng có 2 lí do quan trọng để cô nghĩ mình đã chọn đúng nghề. Thứ nhất, ngay từ còn nhỏ cô đã mơ ước sau này được là một cô giáo giống như người thân và thầy cô của mình. Thứ hai, người đã đưa ra quyết định cho cô vào phút cuối về tương lai của mình khi cô phải lựa chọn giữa nghề báo và nghề dạy học đó chính là bố cô. Cô vẫn nhớ lời bố khuyên: “Nghề báo cho con cơ hội vẫy vùng khi tuổi trẻ, còn nghề giáo thì không có tuổi…” Thực ra câu nói ấy có nhiều hàm ý, có lẽ càng sống với nghề cô càng hiểu sâu hơn điều này.
PV: Cô đã có hơn 10 năm đứng trên bục giảng, chắc hẳn cô có nhiều những kỉ niệm với ngôi trường này. Cô có thể chia sẻ với chúng em một vài kỉ niệm đáng nhớ nhất không ạ?
Cô Hoài Thanh: Kỉ niệm thì nhiều mà nếu kể ra đây thì không hết được. Mỗi kỉ niệm đều ý nghĩa và quan trọng như nhau dù chỉ là những mảnh ghép. Cô xin phép được giữ cho riêng mình và với những học trò sau hơn 10 năm cô được gắn bó với tư cách người thầy.
PV: Cô nghĩ gì về thế hệ học sinh Ams ngày hôm nay? Có gì khác so với thời các cô không ạ?
Cô Hoài Thanh: Học sinh Ams hôm nay vẫn mang những nét thân quen giống với 10 năm trước khi cô mới về trường và cũng giống với thế hệ Ams những năm 90 khi cô còn là một học sinh: thông minh, năng động, sáng tạo và phong cách. Nhưng cùng với thời gian, mỗi thế hệ tiếp sau lại khoác thêm cho thế hệ mình những diện mạo mới. Học sinh Ams hôm nay hiện đại và độc lập, quảng giao và thực tế. Đó vừa là ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm nếu thầy cô không đồng hành cùng học sinh trong quá trình hội nhập.
PV: Thế còn điều cô nhớ nhất về thầy cô mình trong những năm cô còn là một học sinh?
Cô Hoài Thanh: Đã có lần cô đã từng chia sẻ điều này với đồng nghiệp và học trò của mình. Vậy xin được nhắc lại một chút: “…Thế hệ Vàng của trường Ams- nơi mà thầy cô tôi xưa không ai là hoa khôi hay mỹ nam nào cả. Thầy cô tôi giản dị như mẹ cha mình mà vẫn đẹp đến thiêng liêng bởi lấp lánh tỏa ra từ tri thức và nhân cách. Thầy cô tôi trước khi là vị thần trong cảm thức học trò thì vẫn là những người cùng đi trên mặt đất với chúng tôi…”
PV: Là một giáo viên dạy Văn, có điều gì cô chưa hài lòng về cách học văn của học sinh hôm nay ạ?
Cô Hoài Thanh: Văn là cuộc sống, văn là con người theo đúng nghĩa sâu sắc nhất. Tuy nhiên, học sinh hôm nay ít chất văn cũng bắt nguồn từ chính cách học văn và thực ra là cả cách dạy văn trong nhà trường cũng như ngoài xã hội nữa em ạ. Đó là vấn đề lớn mà cả xã hội đều quan tâm. Tuy nhiên, trong phạm vi nhỏ của câu hỏi, cô chỉ nghĩ nếu có gì đó chưa “hài lòng” về cách học văn của học sinh hôm nay thì đấy là vì các em thiếu hai điều: các em ít đọc và các em ít quan sát. Cái mà học sinh đang đọc rất nhiều hôm nay thì về cơ bản lại không phải là đọc một cách có ý thức. Cái học sinh ngày ngày vẫn thấy nhưng đó mới chỉ là nhìn mà thiếu sự quan sát và cảm nhận. Nên học sinh hôm nay thiếu vốn sống, thiếu cả chất văn hóa. Mà thiếu hai điều này thì cách học “dùi mài kinh sử” không mang lại chất lượng bởi học văn chỉ còn là lí thuyết, mà cái gì đã là lí thuyết thì sẽ không còn sống động, hấp dẫn và thiết thực.
PV: Và cuối cùng, nếu được nói lời tri ân với thầy cô giáo cũ của mình nhân ngày Nhà giáo Việt Nam thì cô muốn nói điều gì ạ?
Cô Hoài Thanh: Tất cả những gì thầy cô đã trao tặng cho chúng em, chúng em hứa sẽ làm tốt nhất bằng năng lực và tấm lòng của mình. Chúng em biết ơn và tự hào vì đã được là học trò của tất cả các thầy cô giáo mà chúng em đã được gặp trong cuộc đời!
PV: Con xin chân thành cảm ơn cô về buổi trò chuyện ngày hôm nay!
Diễm Anh (Trung 12-15)