Những trái tim khép kín
Trong khi bạn bè tụm ba tụm bảy trò chuyện rôm rả giờ ra chơi, thì H.L (PTTH Nguyễn Hữu Huân, TPHCM) lặng lẽ cầm cuốn Manga đọc say mê. Bạn bè trong lớp biết tỏng tính cô nàng nên chẳng ai dám bắt chuyện. Vì cứ hết tiết, là L lại diễn cảnh “im ỉm” đến khó hiểu. Nếu không ngồi một mình đọc sách, thì cô bạn lẳng lặng ra ban công đứng, nhìn về một nơi xa xăm nào đó. Khá khẩm hơn thì chạy ra ngoài một lát và quay trở về lớp khi trống báo hiệu vào tiết vang lên.
Trường hợp của N.M (PTTH PN, TP.HCM) thì hơi khác một tẹo. Tuy không đến nỗi “tự kỷ” như L, nhưng N.M rất ít khi tham gia hoạt động tập thể. Lớp có tổ chức vi vu đâu đó, cắm trại hay đi dã ngoại, cô nàng một là xin “kiếu”, hai là tham gia nửa chừng, rồi sau đó “lặn” mất tiêu.
Nhiều teen luôn sống tách biệt tập thể
Truy tìm nguyên nhân
Ngoại trừ một số “nhân” bản tính vốn ít nói, kiệm lời, chỉ thích sống trong thế giới của riêng mình, thì việc teen tự tách khỏi tập thể còn xuất phát từ những nguyên nhân hết sức “nhạy cảm”.
N. M – cô bạn nói ở trên, vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên bước vào cấp III. Cảm giác vui sướng, hãnh diện vì được học tập trong một môi trường, tập thể với hơn 40 thành viên “ai nấy đều dễ thương” (như chính lời cô nàng nói) nhanh chóng tan biến. Thay vào đó là sự hẫng hụt, thất vọng bởi tình trạng phân chia bè phái. M bộc bạch: “Mình không thường xuyên tham gia hoạt động chung với mọi người vì lớp mình chia bè, kéo cánh rất ghê. Hễ có chuyện gì không vừa ý là mọi người lại xì xầm, nói xấu ngay sau lưng".
Việc T.A “một mình một cõi” lại bắt nguồn từ yếu tố gia đình. Vì làm trái quy định của nhà nước, nên bố cô nàng phải vào tù. Vốn là một teengirl sôi nổi, hòa đồng nhưng sau khi sự việc kia bị phát giác, T.A trầm xuống hẳn.
Hay như chuyện của H - một học sinh được chọn tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cách đây chưa lâu. Thất bại ngay từ cuộc thi tuần với số điểm “í ẹ”, H trở nên chán nản và xa lánh bạn bè. Lâu dần, ạnh chàng trầm cảm nặng và phải nhờ đến sự can thiệp của bác sỹ tâm lý.
Hòa đồng với bạn bè để "đập tan vỏ ốc", teen nhé!
Tự "đập tan vỏ ốc"
Hoàn cảnh gia đình phức tạp, bản thân không đáp ứng được kỳ vọng mọi người dành cho mình hay tập thể tồn tại quá nhiều mâu thuẫn là những nguyên nhân lý giải vì sao teen mình không tìm được sự đồng thuận và trở nên xa cách mọi người.
Nếu tình trạng này tái diễn, bạn sẽ mất dần sự hồn nhiên, trong sáng vốn có của lứa tuổi. Thay vào đó là cảm giác tự ti, chán nản và rất có thể sẽ mắc các chứng bệnh tâm lý. Vì thế, một lời khuyên “muôn thuở” là hãy mở lòng và chia sẻ với cô thầy, bè bạn. Nếu cảm thấy cần ai đó giúp đỡ, bạn nên chủ động tìm kiếm, đừng ngại ngần lên tiếng.
Bên cạnh đó, với tư cách là một lớp trưởng, bí thư, các teen nên bàn bạc, phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm hoặc liên hệ với gia đình người bạn đặc biệt ấy, biết đâu sẽ có một giải pháp tốt hơn. Để không còn ai cảm thấy cô đơn, lẻ bóng ngay trong “ngôi nhà thứ hai” của mình và tuổi học trò đi qua với thật nhiều kỷ niệm đẹp!
Theo Tiin.vn