Phóng viên: Cô có thể kể về một kỉ niệm đáng nhớ nhất với thầy cô giáo của mình trước kia không ạ?
Cô Thùy Dương: Ấn tượng sâu sắc nhất của cô là về thầy Tôn, thầy dạy Toán duy nhất mà cô có thể hiểu được suốt năm cấp 3. Sau này, dựa vào điểm thi đại học và điểm môn Toán thời sinh viên, cô thấy cô học cũng ổn môn Toán nhưng không hiểu sao lớp 10,11,12 chỉ có thầy Tôn nói cô mới hiểu. Những lời thầy Tôn nói thì cô rất nhớ. Có một lần thầy nói, không phải riêng cô mà nói với cả lớp: “Trong mỗi con người đều có các mặt khác nhau, mặt tốt và mặt xấu. Mình phải sống sao cho người ta thể hiện được mặt tốt. Cái đấy là do mình chứ không phải do người khác. Mình phải sống đàng hoàng như thế nào để được đối xử tốt!”
Phóng viên: Thưa cô, lí do gì khiến cô chọn nghề giáo, liệu có phải là từ ảnh hưởng của thầy cô giáo của mình?
Cô Thùy Dương: Từ năm lớp 5 cô đã đi gia sư Tiếng Anh cho một em học lớp 4 và cô cảm thấy từ bé mình đã thích dạy học. Có lẽ ảnh hưởng lớn nhất để cô theo ngành nhà giáo là bố cô vì bố cũng là thầy giáo của trường Hà Nội-Amsterdam (Bố cô là thầy Lương Tất Đạt – giáo viên môn vật lý). Chính vì thế mà cô chọn dạy lý (tuy là cô học chuyên hóa năm cấp 3) vì cô cảm thấy có những kiến thức mà mình rất cần có những người đi trước dẫn dắt. Bố cô cũng là giáo viên dạy lý của cô 3 năm cấp 3, rất nghiêm, lúc nào cũng kiểm tra bài tập của cô trước khi đến lớp. Bây giờ nghĩ lại thấy rằng bố mình đã vì mình rất nhiều. Thứ nhất: Bố muốn đảm bảo việc học của cô ở trên lớp. Thứ hai: Bố muốn hiểu con mình được học trong tập thể bạn bè thế nào. Đến bây giờ, bố cô vẫn nhớ từng bạn trong lớp cô. Và có một cái bố cô đã làm được, là bố cô coi cô như là một học sinh bình thường trong lớp. Cô không được biết trước một cái gì, không được chấm điểm dễ hơn chút nào. Ba năm, để làm được như thế, bố cô đã rất nghiêm túc. Đó là một tấm gương nghiêm túc trong công việc, nên nhiều khi bây giờ mình cảm nhận là mình làm việc không thể à uôm được, bởi vì cái sự nghiêm túc đấy nó thấm dần ngay từ khi còn bé.
Phóng viên: Cô có cảm nhận như thế nào khi trở thành một thành viên trong ngôi trường Hà Nội – Amsterdam?
Cô Thùy Dương: Lo lắng vì mình vào một ngôi trường giỏi như thế thì mình sẽ như thế nào? Đã nhiều năm trôi qua cô không còn nhớ rõ cảm giác vui mừng mà cô chỉ nhớ cảm giác áp lực khi vào năm lớp 10. Học chương trình chuyên nó khó thế, như mình đang đứng trên một bờ vực thẳm. Ngay cả thầy Tôn đã từng bảo “ Lớp 10 là khó lắm đấy”. Còn khi trở thành giáo viên trường Hà Nội – Amsterdam mọi người sẽ nhìn mình với con mắt soi xét hơn, xem mình có vênh không, có kiêu không. Nhưng sau mấy năm cô đã dần làm quen với nghề nhà giáo và với áp lực của trường, cô tự tin hơn, không còn lo sợ những ánh mắt của mọi người đối với mình nữa.
Phóng viên: Cô nhận thấy thế hệ học trò trước đây và bây giờ có gì thay đổi không ạ?
Cô Thùy Dương: Bây giờ học sinh được chủ động, năng động, các em sẽ có sự mạnh dạn hơn ngày xưa. Ngày trước cô nhát, không bao giờ nghĩ đến việc nói chuyện riêng với các thầy cô, không phải là sợ nhưng rất rụt rè. Có những cái mình biết làm nhưng ra đám đông mình không biết thể hiện. Biết hát nhưng ra trước đám đông thì không dám hát. Học trò bây giờ cô cảm nhận một số bạn vẫn như thế nhưng theo xu thế chung thì các em năng động hơn. Các em xác định phải học cái gì để phục vụ cho mục đích của mình, có mục tiêu hướng tới rõ ràng là một điều tốt .
Phóng viên: Sự thay đổi nào của ngôi trường Hà Nội- Amsterdam ngày nay đã khiến cho cô ấn tượng?
Cô Thùy Dương: Trước hết cơ sở vật chất bây giờ đầy đủ và hiện đại hơn hồi xưa. Như hồi cô học, việc muốn trang hoàng được lớp là không thể vì hai lớp chung một phòng học (một lớp sáng, một lớp chiều). Thế cũng có cái hay, là có trò chơi rất thú vị “ Viết thư hộc bàn” ca sáng viết cho ca chiều và ngược lại. Nhưng mà nó không lãng mạn như mình nghĩ đâu vì các bác lao công thường dẹp sạch...(cô cười)... Bây giờ có nhiều hoạt động hơn, thời cô học thì “Ngày hội anh tài” là ngày hội nhỏ lẻ, ít được học sinh quan tâm chú ý. Còn bây giờ “ Ngày hội anh tài” là ngày hội lớn, đã trở thành một truyền thống và học sinh tham gia một cách chủ động hơn. Cô nghĩ rằng có nhiều hoạt động như thế sẽ tạo nên sự chủ động nhất định thì các em năng động hơn khác với việc em bị ấn vào việc đấy một cách bị động.
Phóng viên: Với vai trò từng là một học sinh của trường Hà Nội- Amsterdam cô có thông điệp hay bài học gì muốn nhắn nhủ các bạn học sinh bây giờ?
Cô Thùy Dương: Được học trong trường Hà Nội – Amsterdam cô cảm nhận được lòng yêu nghề và sự say mê mà các thầy cô giáo luôn có. Nếu mình được sống trong một môi trường đầy nhiệt huyết như thế thì thật là tuyệt và học sinh say mê việc học, giáo viên say mê với việc dạy. Thế nên năm học lớp 12 khi cô chọn thi đại học thì cô cũng định hướng khi ra trường sẽ quay về trường Hà Nội- Amsterdam dạy học. Để có thể tồn tại trong môi trường này thì phải nỗ lực rất nhiều vì thế cô muốn nhắn nhủ với tất cả các em học sinh: “ Các bạn đã có một nền tảng rất tốt, môi trường rất tốt để nuôi dưỡng niềm đam mê với cuộc sống. Niềm đam mê không chỉ với sự học mà còn với các hoạt động bổ sung kĩ năng, niềm đam mê với cuộc sống nói chung, với tình cảm bạn bè trang lứa, với hoạt động xã hội, tình nguyện. Cô nghĩ trường Hà Nội – Amsterdam là ngôi trường lí tưởng để nuôi dưỡng điều tốt cho các bạn. Cô rất mong các bạn từ môi trường như thế sẽ phát huy được cái tiềm năng của mỗi người.”
Khi được hỏi rằng nếu cô chỉ được gửi thông điệp ngắn gọn tới các bạn học sinh trong một câu thì cô Thùy Dương đã gửi tới một thông điệp rất ý nghĩa: “ Hãy bay xa và là chính mình”
Em xin chân thành cảm ơn Cô.
CTV. Yin Lan – 10H2 (2014-2017)