Tận dụng đồ ăn dư chưa qua sử dụng
Đều đặn 5 buổi chiều trong tuần từ thứ 2 tới thứ 6, các tình nguyện viên của tổ chức HFR đến các nhà hàng, khách sạn đã liên hệ trước để thu gom những suất ăn dư thừa nhưng còn nguyên vẹn, chưa qua sử dụng. Sau đó số thức ăn này sẽ được đóng gói vào nhiều hộp xốp và được các tình nguyện viên đưa đi phân phát tới các địa chỉ như: Bệnh viện Giao thông vận tải; Trung tâm dạy nghề; Bệnh viện Thanh Nhàn; Xóm chạy thận 121 Lê Thanh Nghị; Bệnh viện K; Bệnh viện Nhi Trung ương… Nơi đồng ý cung cấp đồ ăn dư còn nguyên vẹn cho HFR là: Khách sạn LOpera Hà Nội; Khách sạn Bạch Dương; Nhà hàng Trống đồng Palace; Bay buffet; Căng tin Đại học Bách khoa Hà Nội…
HFR được thành lập năm 2012 do một nhóm học sinh của Trường chuyên Amtesrdam Hà Nội. Người đưa ra ý tưởng thành lập tổ chức này là Ngô Hà Châu, học sinh của trường thời điểm bấy giờ. Hà Châu từng tham dự cuộc thi Dash for impact (kiến tạo ảnh hưởng) được tổ chức tại Đại học Ngoại thương. Nhận thấy thức ăn thừa ở các khách sạn, nhà hàng thường bị bỏ đi, trong khi đó còn rất nhiều người nghèo khổ hằng ngày vẫn phải chịu cảnh không có thực phẩm, Hà Châu đã cùng mấy người bạn của mình đưa ra ý tưởng thành lập tổ chức Hanoi food recuse.
Khi mới thành lập, nhóm chỉ có 5 thành viên. “Quả thực là trong những ngày đầu hoạt động, chúng em đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhóm đi đến các khách sạn, nhà hàng và đặt vấn đề “giải cứu đồ ăn” hầu hết đều bị từ chối. Họ từ chối chúng em không hẳn vì họ thấy tiếc đồ ăn thừa mà phần nhiều vì không tin tưởng vào những cô cậu học sinh mặt còn búng ra sữa. Hơn nữa, họ lo trong quá trình vận chuyển thức ăn, chỉ cần gặp phải một sơ suất nhỏ trong khâu bảo quản cũng sẽ làm thức ăn bị hư hỏng. Như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của khách sạn, nhà hàng của họ”, Hà Châu nhớ lại.
Năm 2013, nhóm đã tìm được nhà bảo trợ cho mình, đó là REACH - một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận chuyên đào tạo nghề và hướng nghiệp cho thanh niên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn. Khi đã được danh chính ngôn thuận, “biệt đội giải cứu đồ ăn” mới chính thức hoạt động mạnh.
Những suất ăn đầu tiên mà tổ chức này đưa đến là xóm chạy thận trên phố Lê Thanh Nghị. Nhớ lại cảm giác lần đầu tiên biến ý tưởng thành hiện thực, một thành viên của nhóm không giấu được niềm vui: “Khi chúng em mang đồ ăn tới và thuyết phục các bác, các cô chú, anh chị ở đây nhận đồ ăn mọi người đã rất xúc động. Có bác đã khóc và nói với chúng em rằng, cả đời bác chưa bao giờ được ăn đồ nào ngon như thế”.
Nhưng không phải ai cũng đón nhận những suất đồ ăn của nhóm một cách vui vẻ, bởi trong suy nghĩ của nhiều người mình có đói cũng không đi ăn đồ ăn thừa. Đặng Phương Linh, cựu Phó chủ tịch HFR kể lại: “Có lần bọn em đã gặp phải phản ứng dữ dội từ một người nghèo ở làng Vạn Phúc. Bác ấy nói với chúng em là tôi nghèo thì nghèo thật nhưng không bao giờ thèm nhận sự bố thí của thiên hạ. Phải mất một thời gian dài thuyết phục, rằng đây không phải là đồ thừa của khách ăn dở mà là của khách sạn nấu ra dự trữ nhưng không được sử dụng hết. Vì thế đồ ăn vẫn còn nguyên vẹn và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Vừa nói em vừa ăn thử cho bác ấy xem, mãi rồi bác ấy mới đồng ý nhận suất ăn mà bọn em mang tới”.
Ban đầu, nhóm chỉ thực hiện việc thu gom và phân phát thức ăn được 2 lần/tuần vì lượng tình nguyện viên mỏng. Nhưng sau một thời gian hoạt động, con số tình nguyện viên ngày càng được bổ sung. Cho tới nay thì số thành viên chính thức của HFR là 40 người và cộng tác viên là khoảng 60 người.
Giờ kết thúc buffet, đồ ăn chưa sử dụng hết của các nhà hàng vẫn còn nhiều. Đó cũng là lúc các thành viên của HFR có mặt để “giải cứu đồ ăn”. Bánh mỳ, thịt nguội, cơm cuộn, thịt hầm… là những món được các thành viên này lựa chọn đóng hộp đem đến tặng bệnh nhân trong một số bệnh viện và những hoàn cảnh khó khăn. Vũ Anh Thơ, thành viên của nhóm HFR chia sẻ: “Vì nhiều người là bệnh nhân nên chúng em sẽ chọn những đồ ăn có nhiều chất dinh dưỡng và ít dầu mỡ”.
Phạm Thanh Uyên (học sinh lớp 11, trường chuyên Amsterdam) Chủ tịch mùa 10 của HFR cho biết:“HFR là một tổ chức hoạt động rất chặt chẽ và được phân chia thành các bộ phận rõ ràng. Ban nhân sự có nhiệm vụ là quản lý và sắp xếp tình nguyện viên đến thu gom thức ăn và phân phát tới các địa chỉ đã định; Ban tài chính đi xin tài trợ của các nhà tài trợ để lấy tiền mua hộp xốp và túi nilon; Ban PR lại có nhiệm vụ quản lý fanpage, đi tìm nguồn thức ăn và nguồn nhận thức ăn và trực tiếp liên hệ với truyền thông; Ban nội dung chủ yếu lo tổ chức các sự kiện lớn”…
Hạnh phúc vì được cho đi
Bên cạnh hoạt động đi đưa đồ ăn thì HFR còn có hai sự kiện khác là: “Tet Donation” và “The hunger Games”… Đây là hai sự kiện lớn được chờ đợi của HFR. Cụ thể với sự kiện “Tet Donation” là kêu gọi, quyên góp những đồ ăn còn dài hạn sử dụng, quần áo, sách vở sau Tết. Sau đó nhóm sẽ tổng hợp lại và phân loại để đưa đến một số điểm trường ở những tỉnh miền núi. Nhóm hy vọng những món quà nhỏ ấy sẽ là nguồn động viên đối với các em học sinh nơi đây.
Một hoạt động khác là “The hunger games”, nó giống như một cuộc đua kỳ thú có 4 vòng. Ai đến được vòng 4 thì sẽ tham gia cùng các thành viên của HFR là đi xin đồ ăn dư đem đến cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Mỗi năm, HFR sẽ có đợt tuyển thành viên vào khoảng tháng 10, tháng 11. Sau khi tuyển lựa thành viên mới nhóm sẽ tiến hành liên hệ với các nhà hàng, khách sạn và những nơi có hoàn cảnh khó khăn để giao đồ ăn luôn.
Đều đặn 5 ngày/tuần các tình nguyện viên của tổ chức HFR đi đến các nhà hàng, khách sạn gom thức ăn rồi sau đó mang đi phân phát. Mỗi lần thường có từ khoảng 25 đến 30 suất ăn.
Ông Nguyễn Văn Tấn - bệnh nhân đang sống tại xóm chạy thận trên phố Lê Thanh Nghị tâm sự: “Hàng tuần, thậm chí là hàng ngày các cháu vẫn thường mang đồ ăn được chuyển từ các khách sạn lớn đến đây để phục vụ các bệnh nhân nghèo như chúng tôi. Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng tâm của các cháu rất lớn khiến chúng tôi rất cảm động. Mong rằng, xã hội sẽ có thật nhiều những tấm lòng vàng như các cháu học sinh này”.
Cũng giống như ông Tấn, ông Nguyễn Bá Phan, bệnh nhân u não Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) không giấu được sự cảm kích đối với việc làm ý nghĩa của các thành viên HFR. “Các cháu tuy còn nhỏ nhưng lại có tấm lòng quá tử tế, nhân từ. Nhận được những suất ăn miễn phí ấy tôi thực sự xúc động và biết ơn các cháu”.
Không chỉ người được nhận những suất ăn miễn phí cảm thấy ấm áp mà ngay cả những thành viên của HFR cũng cảm thấy hạnh phúc không kém. Em Phạm Hoàng Nam Trung, thành viên của nhóm HFR tâm sự rằng: “Khi được trực tiếp gặp gỡ những mảnh đời khó khăn, những bệnh nhân mang trong mình trọng bệnh, em thực sự thấy trân trọng những điều mình đang có. Từ đó em cũng biết sống tiết kiệm hơn, bởi chỉ cần một chút ý thức tiết kiệm của mình thôi cũng có thể giúp đỡ được nhiều người khác đang trong hoàn cảnh khó khăn”.
Hay như bạn Nguyễn Quỳnh Nhi, một trong số những thành viên đầu tiên của HFR chia sẻ: “Sau khi được gặp các bác ở xóm chạy thận, đưa đồ ăn cho các bác thấy các bác cười và chứng kiến các bác ở đây ăn rất ngon miệng, em thực sự cảm thấy rất hạnh phúc vì mình đã làm được một điều tốt. Đó cũng chính là động lực để chúng em cố gắng hơn nữa”.
Có nhiều tình nguyện viên sau một thời gian dài hoạt động, khi được đề cử vào ban điều hành đã nhất mực khước từ với lời giải thích: “Mình muốn được là người trực tiếp chứng kiến niềm vui cho những người nghèo khổ và gặp nhiều bất hạnh”.
Thành viên của tổ chức HFR chủ yếu từ các trường chuyên trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, HFR mong muốn tổ chức của mình sẽ ngày một mở rộng hơn tới cả các trường không phải là trường chuyên và không chỉ trên địa bàn Hà Nội.
Vài ngày lại nhận được đồ ăn miễn phí từ nhóm HFR, bà Dương Thị Hoài (Nam Định) hiện đang trọ tại xóm chạy thận trên phố Lê Thanh Nghị cho biết: “Chúng tôi ở đây chữa bệnh đã nhiều năm rồi, phải xa quê, xa gia đình nên rất buồn khổ. Thế nên việc các cháu học sinh thi thoảng lại đến hỏi thăm, động viên và tặng các suất ăn khiến những người bệnh như chúng tôi cảm thấy được an ủi, khích lệ rất nhiều”.
Mong muốn lớn nhất của tổ chức HFR là thành lập được “Ngân hàng lương thực”. Không chỉ “giải cứu đồ ăn” đơn thuần, ngân hàng ấy sẽ đóng vai trò trung tâm, là nơi tiếp nhận những đồ ăn chưa qua sử dụng được chính những nhà hàng, khách sạn hoặc các tổ chức, cá nhân gửi đến sau đó có nhiệm vụ phân phát tới những người nghèo, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Theo CAND