>> 10 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2023
Thầy Bùi Văn Phúc: "Tôi luôn ghi nhớ làm sao mình xứng đáng với niềm tin của học trò, của phụ huynh học sinh".
Đây là danh hiệu tôn vinh những cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thủ đô.
Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ về niềm vui này, thầy Bùi Văn Phúc xúc động nói: "Trước tiên, đây là niềm vinh dự, tự hào, là niềm vui lớn của cá nhân tôi sau nhiều năm nỗ lực, gắn bó với nghề. Đồng thời, đó cũng là sự ghi nhận những đóng góp, cống hiến không chỉ của riêng cá nhân tôi mà còn của cả tập thể cán bộ, giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho ngành Giáo dục Thủ đô".
Thầy Bùi Văn Phúc Phúc nguyên là giáo viên trường THPT chuyên Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Năm 2004, ông chuyển công tác về Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam dạy, hướng dẫn nhiều học sinh đạt thành tích cao như: Tại trường THPT Chuyên tỉnh Thái Bình: 1 học sinh đạt giải nhì môn Vật lí trong kỳ thi HSG Quốc gia năm 1992; 1 học sinh đạt giải Nhì, 1 học sinh đạt giải Ba môn Vật lí trong kỳ thi HSG Quốc gia năm 1998. Tại trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam: 1 học sinh đạt Huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế năm 2007, giải Khuyến khích Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương, giải Nhất học sinh giỏi Vật lý Quốc gia năm 2007; 1 học sinh 2 lần đạt giải khuyến khich trong kỳ thi Vật lý Châu Á - Thái Bình Dương năm 2009 và 2010, 2 lần đạt giải Nhất học sinh giỏi Vật lý Quốc gia năm 2009 và 2010; 1 học sinh đạt giải Ba môn Vật lý trong kỳ thi HSG Quốc gia năm 2007; 1 học sinh đạt giải Ba môn Vật lý trong kỳ thi HSG Quốc gia năm 2010… Ông cũng đã hướng dẫn nhiều giáo viên giành giải giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố, cấp quận.
Luôn tôn trọng sự khác biệt, sức sáng tạo của học sinh
Thầy Bùi Văn Phúc Phúc. Ảnh: VGP/ Thanh Tùng
Sau gần 40 năm gắn bó với nghề giáo, đồng thời với vai trò Hiệu phó phụ trách chuyên môn, thầy Phúc cũng đã lãnh đạo các Tổ môn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đề cập đến "tôn chỉ", những giá trị khi làm nghề của một nhà giáo, thầy Phúc tâm sự: "Đối với tôi, đó là hai chữ "đức và tài"".
"Học sinh phải có nhân cách và có kiến thức để làm hành trang bước vào đời, học sinh phải được dạy tính trung thực, tính kỷ cương, tôn trọng sự khác biệt, sức sáng tạo", thầy Phúc nói.
Còn đối với các thầy, vừa phải có tâm, vừa phải có tài, cần phải có uy tín đối với học trò, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và cả với xã hội. Và người thầy phải nhiệt huyết, có năng lực chuyên môn tốt để đào tạo được nhiều học sinh có tài, có đức, là nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước, để kiến thiết và làm chủ đất nước. Bên cạnh đó, các thầy giáo, cô giáo cũng cần phải đồng hành với học sinh, với phụ huynh học sinh.
"Năm 2006, khi mới về chuyên Hà Nội - Amsterdam, trong buổi chia tay với học trò trường THPT chuyên Thái Bình, bất ngờ học trò đã bình trọn, trao tặng cho tôi một danh hiệu "Thầy giáo phong cách nhất". Tôi luôn ghi nhớ làm sao mình xứng đáng với niềm tin của học trò, của phụ huynh học sinh", thầy Phúc kể.
Thầy Bùi Văn Phúc và các thầy, cô giáo Trường THPT Amsterdam. Ảnh: VGP/Minh Anh
Theo Nhà giáo ưu tú Bùi Văn Phúc, mặc dù đã hoàn thành nhiệm vụ, đến tuổi để nghỉ hưu, song cá nhân ông luôn mong muốn Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam sẽ phát triển hơn nữa, đặc biệt trong xu hướng toàn cầu hoá, công nghệ số, chuyển đổi số để hội nhập với quốc tế một cách nhanh nhất. Học sinh của trường Hà Nội - Amsterdam cũng là những học sinh xuất sắc không chỉ là những công dân ưu tú của Thủ đô, đất nước mà còn là công dân toàn cầu. UBND TP. Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã rất quan tâm tới ngôi trường này cũng như Ngành Giáo dục Thủ đô.
"Trong điều kiện của tôi, sự quan tâm đó thực sự là một điều tuyệt vời, một sự ghi nhận rồi. Nếu có sự quan tâm hơn nữa, đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, thì tôi mong muốn không chỉ đối với trường Hà Nội - Amsterdam mà còn cả các cơ sở giáo dục khác của Thành phố để các em học sinh có môi trường học tập tốt. Và với một mô hình học tập tốt như ở Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam thì đó là niềm hạnh phúc đối với những nhà giáo như chúng tôi", thầy Phúc bộc bạch.
Khi được hỏi về việc thầy đã hướng dẫn nhiều giáo viên giành giải giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố, cấp quận thì đó có phải là chia sẻ giá trị sự và tạo ra sự tiếp nối cho những thế hệ thầy cô giáo trẻ? Thầy Bùi Văn Phúc cười lớn, tự nhiên. Thầy bảo: "Tôi đã làm điều đó trong rất nhiều năm rồi, luôn luôn cùng sát cánh với đồng nghiệp của mình với mong muốn là mang kiến thức đến với các em học sinh của mình, giúp các em có được kiến thức toàn diện".
Một giờ giảng của thầy giáo Bùi Văn Phúc. Ảnh: VGP/Minh Anh
Bày tỏ niềm vui chung của các cô thầy và trò nhà trường, nhà giáo Trần Thùy Dương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, với vai trò Hiệu phó phụ trách chuyên môn, thầy Bùi Văn Phúc đã lãnh đạo các Tổ môn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.Cá nhân thầy Phúc đã nhiều lần đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp Thành phố, Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.
Năm 2016, thầy được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Thành phố; cùng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2009 và 2014, Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội năm 2010, 2021. Chủ tịch nước tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú" năm 2017.
"Lần này, Thành phố xét tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú đối với thầy Bùi Văn Phúc, Ban Giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô giáo nhất mực ủng hộ thầy, nhưng thầy Phúc vẫn khá khiêm tốn, cho đến khi tôi giục làm hồ sơ xét duyệt rồi thầy mới làm. Tôi cho rằng thầy Phúc là một trong những tấm gương sáng, một nhà giáo vừa có đức, có tài có sức lan tỏa trong ngành Giáo dục nói chung cũng như đối với cộng đồng xã hội.
Đặc biệt, khi thầy Phúc được TP. Hà Nội tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2023, Danh hiệu tôn vinh những cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước thì tập thể nhà trường cũng như bản thân thầy thấy rất vinh dự. Danh hiệu này là giải thưởng có uy tín lớn, tác động tích cực và khơi dậy, phát huy tinh thần học tập, ý thức rèn luyện tự giác, trách nhiệm trong nhà trường đến từng giáo viên cũng như học sinh", cô Thuỳ Dương nói.
Theo baochinhphu.vn