Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Hiển bắt đầu có niềm say mê với Triết học đến từ năm học lớp 7. Khi ấy, anh biết đến tên hai nhà tư tưởng lớn là Socrates và Khổng Tử qua một cuốn sách danh nhân lịch sử. Anh yêu thích các triết gia đó bởi đức hy sinh vì lẽ phải, khích lệ mọi người hiểu chính bản thân mình ở cả những khía cạnh hạn chế.
“Cuối cùng thì, mình chọn Triết học như một lựa chọn sống” – Hiển tâm sự. “Bố mẹ mình tuy không phải những người chuyên về khoa học xã hội, nhưng vẫn ủng hộ. Bố mẹ tâm niệm con cái có quyền được lựa chọn và phải yêu nó bằng cả đam mê lẫn năng lực”.
Ngọc Hiển từng là thủ khoa đầu ra ngành Triết học năm 2020 của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Sau khi tốt nghiệp lớp chuyên Sử trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hiển quyết định theo đuổi đam mê. Anh trở thành sinh viên lớp K61 Triết học Chất lượng cao, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Là một sinh viên Triết học, Hiển cũng được nghe nhiều lời nói vui, trêu đùa và cả định kiến như “triết hâm”, “vô nghĩa”, “lỗi thời”, “không có tác dụng”, “chắc là triết học chỉ có mỗi Mác-Lênin”. Bình thường thì không sao, nhưng nhiều khi chúng được dùng như một dạng phân biệt.
“Mình cho rằng định kiến nào cũng nên được đem ra thảo luận thay vì mặc nhiên coi chúng tuyệt đối đúng.” – Hiển chia sẻ.
Thời sinh viên, ngoài việc học tập, Hiển còn tích cực tham gia các hoạt động. Anh từng ba lần đạt giải Nhì cuộc thi Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường, được chọn đi trao đổi tại Đại học Quảng Tây (Trung Quốc), và là một trong những gương mặt thủ khoa được vinh danh năm 2020 của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
Để học tốt một chuyên ngành khó và hàn lâm như Triết học là luôn gắn các kiến thức sách vở với đời sống, như: ca dao, thần thoại, phim ảnh, văn học, công việc thường ngày… Bởi với anh, đó là nguồn cội và là cảm hứng của những tư tưởng lớn.
Hiển nói anh trân trọng Khổng Tử, yêu thích Socrates và luôn xem bốn người như hình mẫu cho sự nghị lực và tinh thần dũng cảm truy vấn mọi định kiến, đó là: Nietzsche, Trần Đức Thảo, Nguyễn An Ninh và Đạm Phương Nữ Sử.
Ngọc Hiển (đeo kính, đứng thứ ba từ trái qua) chụp ảnh cùng giảng viên và các bạn sinh viên |
Ngay sau khi tốt nghiệp, nhờ thành tích nổi bật, anh được nhận vào làm trợ giảng tại một trường đại học quốc tế ở Hà Nội.
Trong giờ dạy, anh luôn ngồi cùng sinh viên để hiểu và dễ trao đổi cùng các bạn hơn. Những lúc giảng viên cho triển khai hoạt động nhóm, thảo luận cá nhân thì anh đóng vai trò hỗ trợ. Theo anh, quan trọng nhất là trợ giảng vừa nắm được tinh thần, giá trị nội dung của giờ giảng và vừa đóng vai trò linh động hỗ trợ cho sinh viên.
“Mình trực tiếp trao đổi thì thấy có những bạn đến từ vùng đất phương nam rất xa so với Hà Nội. Thậm chí có cả bạn từng học ở nước ngoài và vẫn trở về nước học tập. Mình ấn tượng ở cách các bạn so sánh, đặt câu hỏi cho rất nhiều khía cạnh của một vấn đề mà chúng đều là những lát cắt thú vị", chàng trai 23 tuổi nhận xét.
Khi được hỏi về sở thích cá nhân, anh cho biết ngoài đam mê đọc sách, anh còn thích vẽ tranh. Những bức vẽ bằng chì và bút bi về các danh nhân nổi tiếng thường được anh đăng tải lên mạng xã hội, nhận được sự quan tâm và tương tác của nhiều người.
Nói về quyển sách yêu thích, Hiển chọn Thế giới của Sophie và Hoàng tử bé. Nếu Sophie cho anh quyền tiếp tục yêu mến cái góc nhìn cởi mở và trải dài sự tìm kiếm, thì Hoàng tử bé lại làm cho góc cạnh suy tư của anh đọng lại nhiều.
Anh bình luận thêm: “Có những thứ đến giờ vẫn đúng lắm, kiểu như việc nhiều người sẽ thích quan tâm mình giàu cỡ nào và căn nhà mình xây tiêu tốn tới đâu hơn là ước mơ của mình về căn nhà, sở thích.”
Trong tương lai, sau khi hoàn thành chương trình cao học, Hiển mong muốn được làm công việc liên quan đến nghiên cứu và dịch thuật. Anh xác định hướng nghiên cứu của mình là nữ quyền và chính trị, trọng tâm vào tìm hiểu Việt Nam thời kì thuộc địa.
Một bức tranh mà Hiển vẽ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn |
Nói về nữ quyền, anh luôn mặc nhiên đó là chủ đề quan trọng vì đối tượng của nó chính là những người mẹ, người chị và rất nhiều người phụ nữ khác sống quanh mình.
Anh nhận xét rằng điểm đáng suy ngẫm là hiện nay nhiều người hoặc chê bai nữ quyền, hoặc hiểu nữ quyền theo kiểu cào bằng. Trong khi đó, anh lại thấy rằng cách xa chúng ta hơn 100 năm đã có những góc nhìn nữ quyền rất sâu sắc, thiết thực, dù trong điều kiện bị áp đặt, chèn ép bởi chế độ thực dân.
Theo Tiền phong