Trịnh Đức Minh sinh năm 1991 tại Hà Nội. Năm lớp 10, Minh học Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, sau đó nhận học bổng toàn phần tại Trường St. Joseph's Institution International ở Singapore và tốt nghiệp xuất sắc với số điểm 43/45. Mới đây, Minh đã nhận được học bổng toàn phần của 6 trường ĐH Mỹ và chọn ĐH Harvard nơi em có mức học bổng toàn phần 236.000 USD/4 năm.
Ngoài thời gian học tập, Minh tham gia nhiều tổ chức hoạt động tình nguyện tại Việt Nam, Singapore và Thái Lan.
Bí quyết của em khi làm hồ sơ là làm sao để hồ sơ phản ánh đúng con người thật của mình, từ những điều nhỏ nhất. Rất nhiều bạn đã sai lầm khi nghĩ rằng phải ghi vào hồ sơ những thành tích vượt trội hay những điều "đao to búa lớn" để được các trường thích và nhận. Sự thật là các trường đại học của Mỹ luôn chú trọng đến những điều khác biệt trong tính cách của từng học sinh.
Trong đợt tuyển sinh vừa qua cùng đỗ vào ĐH Harvard có 2 thí sinh Việt Nam là em và Phan Đức Toàn. Với Toàn thì bài luận riêng gửi tới Harvard viết về kỷ niệm đá bóng với các bạn hàng xóm trong ngõ nhỏ. Còn bài luận gửi Harvard của em như thế nào?
Bài luận riêng gửi Harvard em viết về xe máy và vai trò của nó đối với con người Việt Nam. Ý tưởng của bài luận bắt đầu từ một ngày em bị kẹt trong một đám tắc đường vào giờ tan tầm và thấy rằng xe máy đã rất hữu ích trong việc giúp em nhanh chóng thoát ra được khỏi đám tắc đường đó.
Được biết, thành tích học tập tại Việt Nam của em cũng rất đáng nể như giải thành phố môn tiếng Anh và giải quận môn Tin năm lớp 9, giải ba Olympic tiếng Anh Hà Nội năm lớp 10. Khi du học sang Singapore em có được thành tích gì?
Khi học năm lớp 10 tại Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, em thi và nhận được học bổng toàn phần Trường St. Joseph's Institution International ở Singapore. Điểm tốt nghiệp bằng International Baccalaureate (Tú tài quốc tế) 43/45, em đứng đồng hạng 2 trong trường.
Tháng 8 tới đây em nhập học ĐH Harvard. Em dự định sẽ học 2 chuyên ngành: Kinh tế và Quan hệ quốc tế. Khi học xong em sẽ về Việt Nam làm việc nếu có những cơ hội thích hợp để đóng góp cho đất nước và nếu những sự đóng góp đấy được đánh giá đúng. Em quan niệm rằng sự đánh giá của xã hội là thước đo chính xác nhất cho hiệu quả công việc của những đóng góp em có thể đem lại cho xã hội toàn cầu.
Học xa nhà khi còn nhỏ như vậy, em có gặp nhiều khó khăn không?
Bố em làm cho một công ty tư nhân, mẹ em làm ở một tổ chức phi chính phủ. Ngay từ nhỏ, ba mẹ đã tạo cho em thói quen sống tự lập. Trong thời gian học tập ở nước ngoài, em luôn cố gắng làm cho bản thân bận rộn. Ngoài giờ học em tham gia các hoạt động ngoại khoá, chơi thể thao cùng bạn bè. Em cũng thường xuyên liên lạc với bố mẹ và gia đình qua Internet.
Được biết, em là đồng trưởng ban tổ chức hội thảo du học VietAbroader 2010 tại Hà Nội vào tháng 7 này. Em có thể giới thiệu về hội thảo này?
Hội thảo du học VietAbroader 2010 sẽ được tổ chức tại TPHCM vào ngày 16/7 và tại Hà Nội vào ngày 17/7. Hội thảo được tổ chức theo tiêu chí phi lợi nhuận, và hoàn toàn do các học sinh Việt Nam đang theo học tại các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ tổ chức và điều hành. Hội thảo tập trung cung cấp miễn phí cho các học sinh có nhu cầu theo học tại các trường Hoa Kỳ những kiến thức và các kinh nghiệm trong việc nộp đơn và xin học bổng.
Theo em thì học sinh Việt Nam thiệt thòi nhất về vấn đề gì khi đi du học?
Theo em đánh giá, các sinh viên Việt Nam hiện nay gặp trở ngại lớn về mặt ngôn ngữ khiến cho việc tiếp cận với kiến thức và văn hoá tiên tiến của thế giới, do vậy thế giới quan còn có phần hạn hẹp. Các sinh viên Việt Nam cũng còn nhiều yếu kém về kĩ năng mềm do trong quá trình học tập chỉ tập trung vào việc học kiến thức sách vở.
Tuy nhiên, các bạn không hề thua kém, thậm chí còn vượt trội so với bạn bè quốc tế về tinh thần học hỏi và lòng quyết tâm. Nếu tự tìm được cho mình con đường đúng, bổ sung cho mình những kĩ năng cần thiết thì tin rằng sinh viên Việt Nam sẽ đạt được những thành công không hề thua kém bạn bè thế giới.