Mặc dù có nhiều chính sách thu hút học sinh như giảm học phí, tăng học bổng, tuy nhiên nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập vẫn đang phải đối diện với thực tế khó tuyển sinh.
Nhiều kiểu hút thí sinh
ĐH Phan Chu Trinh- Quảng Nam thông báo miễn phí 1 năm ký túc xá cho sinh viên đăng ký nhập học sớm, tặng học bổng 1 khóa học kỹ năng mềm, 10 sinh viên xuất sắc nhất toàn trường hằng năm nhận học bổng Lawrence S.Ting lên đến 10 triệu đồng/suất và 5 triệu đồng/suất học bổng cho học sinh nghèo, học giỏi; 40 suất học bổng Nguyễn Thái Bình (3 triệu đồng/suất) cho học sinh có đóng góp tích cực cho cộng đồng...
ĐH Duy Tân- Đà Nẵng thông báo giảm 20% học phí đầu vào cho mọi thí sinh (TS) đăng ký ngành học Công nghệ môi trường; tặng ngay học bổng 1 triệu đồng/suất cho tất cả TS có hộ khẩu tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa khi đăng ký vào các ngành học mới với những ngành học như Văn- Báo chí, Quan hệ quốc tế. Ngoài ra trường cam kết giảm 50% học phí toàn bộ 4 năm học cho 150 TS đăng ký đầu tiên...
Đại diện lãnh đạo ĐH Đông Á Đà Nẵng cam kết: TS có điểm thi trên điểm sàn 4 điểm được trường miễn học phí từ 1 đến hết 4 năm ĐH; được vay không tính lãi khi sinh viên mua máy tính, phục vụ việc học; được vay vốn tín dụng...
ĐH Nguyễn Trãi- Hà Nội đưa ra hình thức hút TS như sau: 300 TS đầu tiên đăng ký xét tuyển sẽ được giảm 20% học phí (học phí trường này là 1.650.000 đồng/ tháng).
ĐH Dân lập Phương Đông mức ưu đãi là giảm 30% học phí cho con em các dân tộc thiểu số.
ĐH Thành Tây thông báo sinh viên đến nhập học sẽ được miễn 1 tháng học phí trong học kỳ đầu tiên.
ĐH Lương Thế Vinh sẽ xét giảm học phí năm thứ nhất nếu TS có điểm thi ĐH, CĐ năm 2013 cao hơn điểm sàn từ 2 điểm trở lên. Được xét cấp học bổng hàng năm cho sinh viên đạt kết quả học tập từ khá trở lên và rèn luyện tốt. Được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi giáo dục theo quy định của Nhà nước.
Trường ĐH Hà Hoa Tiên, TS được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Nhà nước; con em gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ thuộc diện 135… được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước. Ngoài ra, TS được thực tập tốt nghiệp, được thi tuyển về làm việc tại tập đoàn công nghiệp POMIHOA (nếu có nhu cầu), tập đoàn công nghiệp POMIHOA.
ĐH dân lập Hải Phòng, thưởng học bổng hàng năm cho sinh viên giỏi. Sinh viên nghèo được giảm học phí từ 10%đến 50%. Đặc biệt TS thuộc đối tượng huyện nghèo (hệ Dự bị Đại học), nhà trường sẽ hỗ trợ học phí 100.000đ/tháng...
Vẫn khó tuyển sinh
Ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh cho biết, hiện nhà trường triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để tăng quyền lợi cho TS, nhưng để tuyển đủ chỉ tiêu cho năm học này với các trường ngoài công lập là chuyện không hề dễ.
“Đến thời điểm này trường vẫn chưa nhận được nhiều hồ sơ, mặc dù đã thực hiện 8 buổi tư vấn tuyển sinh trên đài phát thanh và 4 buổi trên đài truyền hình. Hy vọng, với lượng TS dôi dư như năm nay, nhà trường sẽ tuyển sinh khá hơn, nhưng không dám chắc chắn sẽ được đủ chỉ tiêu”, ông Hùng cho biết thêm.
Theo ông Vũ Văn Hóa- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thì năm nay, khó khăn trong bài toán tuyển sinh của các trường ngoài công lập xuất phát từ tình hình kinh tế suy giảm. “Năm nay TS có xu hướng chọn trường gần nhà hơn, chi phí rẻ hơn, thay vì học ở trường ĐH ngoài công lập trên thành phố. Trong khi đang tuyển nguyện vọng bổ sung thì trường chúng tôi đã phải giải quyết nhiều trường hợp TS đỗ nguyện vọng 1 tại trường nhưng xin rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển ở trường địa phương”, ông Vũ Văn Hóa cho biết.
Ông Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng ĐH Dân lập Phương Đông thì cho rằng: “Điểm sàn năm nay hợp lý, số TS dôi dư trên điểm sàn nhiều cũng mang lại thuận lợi hơn cho các trường ĐH ngoài công lập. Nhưng, tôi nghĩ, nhiều trường ngoài công lập vẫn gặp khó khăn trong tuyển sinh”.
Ông Dụ phân tích, tuyển sinh năm nay có khoảng 900.000 TS lớp 12 tốt nghiệp nhưng theo thống kê của Bộ GD-ĐT có khoảng 1,2 triệu TS dự thi ĐH, CĐ. So 2 con số trên cho thấy, sẽ có khoảng 300 nghìn TS dự thi 2 trường, trong đó khoảng 100 nghìn TS tự do năm nay thi hoặc thi lại. Do vậy số lượng TS dôi dư để cho các trường ngoài công lập thực chất không nhiều như mọi người vẫn nghĩ.
Được biết, theo thông báo xét tuyển nguyện vọng 2 của hầu hết các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, điểm xét tuyển chỉ bằng hoặc cao hơn rất ít so với điểm sàn ĐH, CĐ 2013.
(Theo Haiquan)