Trao đổi về nội dung này, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, đây là trường đầu tiên của Việt Nam sử dụng chứng chỉ A-Level và SAT để xét tuyển ĐH.
95% chỉ tiêu xét tuyển thẳng và kết quả thi quốc gia
Thưa ông, năm 2018, ĐHQG Hà Nội mở rộng cả về quy mô và chỉ tiêu tuyển sinh ĐH?
- Năm nay, ĐHQG Hà Nội tuyển 8.500 chỉ tiêu cho 105 chương trình đào tạo, tăng 5 chương trình so với năm 2017. Đây là những ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đất nước và xu hướng nghề nghiệp của nền công nghiệp 4.0. Đó là các chương trình: Kỹ thuật robot, Hàng không vũ trụ (ĐH Công nghệ); Khoa học thông tin địa không gian (ĐH Khoa học Tự nhiên); Đông Nam Á học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn); Quản trị trường học (ĐH Giáo dục).
Từ năm 2016, ĐHQG Hà Nội là đơn vị tiên phong tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực (ĐGNL). Đến năm 2017, phương thức này được Bộ GD&ĐT áp dụng trong hệ thống ĐH. Vậy năm nay, điểm mới trong phương thức tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội là gì, thưa ông?
- Năm 2018, ĐHQG Hà Nội tổ chức tuyển sinh theo phương thức xét tuyển các đối tượng: Xét tuyển thẳng, kết quả thi THPT quốc gia, kết quả ĐGNL còn giá trị của các năm trước, kết quả chứng chỉ quốc tế (A-Level của Anh và SAT của Mỹ) là điểm mới của ĐHQG Hà Nội.
Trong tổng số 8.500 chỉ tiêu, ĐHQG Hà Nội dành khoảng 95% cho xét tuyển thẳng và xét tuyển các thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bởi đây là đối tượng đăng ký xét tuyển ổn định trong thời gian qua. 5% còn lại dành cho các phương thức khác, chủ yếu cho sinh viên quốc tế, học sinh các trường THPT quốc tế theo học chương trình đào tạo quốc tế tại ĐHQG Hà Nội.