Đáp ứng yêu cầu đổi mới: Nâng cao năng lực nhà giáo

By toan | 15 Tháng Năm, 2017

Nhà giáo - Yếu tố quyết định chất lượng giáo dục

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội - cho biết: Hiện chưa có điều tra khoa học nào về tiêu chuẩn phát triển nghề nghiệp cho toàn thể đội ngũ nhà giáo ở tất cả các ngành học, cấp học. Tuy vậy, bằng thực tế quản lý của các trường học phổ thông, có thể phân loại đội ngũ nhà giáo đang giảng dạy ở các trường phổ thông thành 4 loại:

Loại 1: Những nhà giáo giỏi chuyên môn có năng lực sư phạm luôn chủ động sáng tạo, say mê yêu nghề. Trong điều kiện nào họ đều là người đi đầu, kiên trì đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy, luôn lôi cuốn khích lệ học sinh. Họ luôn là những nhà giáo mẫu mực, thực hiện lời dạy chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.

Loại 2: Những nhà giáo có năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm nhưng không nhiệt tình, không tự giác, không say mê với nghề. Họ có thể làm tốt tùy hoàn cảnh không thường xuyên.

Loại 3: Năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm của giáo viên còn có nhiều hạn chế nhưng về mặt ý thức, họ là người nghiêm túc, cố gắng làm hết sức mình. Tuy nhiên, kết quả giảng dạy, giáo dục đều không đạt đến điều mong muốn, không thể đáp ứng nổi yêu cầu “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục” hiện nay. Nếu loại 1 và 2 chỉ chiếm số ít trong các nhà trường, loại 3 là loại chiếm số đông ở các nhà trường.

Loại 4: Những nhà giáo có hạn chế cả về năng lực lẫn phẩm chất hoặc có năng lực nhưng phẩm chất kém. Những GV này tạo ra tiêu cực cho ngành nhiều hơn là đóng góp. Loại nhà giáo này tuy không nhiều trong mỗi nhà trường nhưng phải sớm được thanh lọc khỏi ngành Giáo dục.

Với thực tế về đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường hiện nay, đòi hỏi ngành Giáo dục phải sớm có cơ chế chính sách khích lệ, quản lý để có thật nhiều các nhà giáo giỏi chuyên môn, có năng lực sư phạm, luôn chủ động sáng tạo, say mê yêu nghề.

Tùy tiện khác linh hoạt

Có thể thấy hiện nay, số đông nhà giáo chưa thể hiện được đặc trưng nghề nghiệp của mình. Đó là sự khát khao học hỏi, luôn mong muốn làm giàu tri thức khoa học, tri thức đời sống cho bản thân, luôn là tấm gương, là “thần tượng” của học trò. Nghề dạy học muốn thành công phải nắm được tâm sinh lý đối tượng mình dạy, mình giáo dục. Nhưng trên thực tế những nguyên tắc, phương pháp giáo dục lại ít được giáo viên chú ý vận dụng. Có thể trong nhà trường sư phạm, bộ môn Tâm lý giáo dục chưa được coi trọng đúng mức. Khi SV ra trường rồi, các trường phổ thông lại không đào tạo bồi dưỡng, chỉ trông chờ giáo viên tự học.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, vẫn còn một số đông nhà giáo mắc bệnh nghề nghiệp: Chạy theo lý thuyết kinh điển, bám vào tri thức có sẵn trong sách giáo khoa không gắn với thực tiễn đời sống, luôn cho mình là đúng, không coi trọng những đóng góp của đồng nghiệp, khó chịu với những thắc mắc của học sinh; Không chịu lắng nghe, luôn đổ lỗi cho học sinh, cho cha mẹ học sinh và nhà trường, đồng nghiệp, còn bản thân luôn cho mình là hoàn hảo.

Một vấn đề bất cập nữa là: Số đông giáo viên chưa thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục do coi thường những đợt tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ của từng trường hoặc cơ quan quản lý giáo dục tổ chức. Điều này cũng có lỗi của người tổ chức là chưa thiết thực, còn hình thức nhưng điều sai lầm chủ yếu ở các giáo viên khi không coi trọng nghề của mình không thực hiện được tính chuyên nghiệp của nghề giáo, dễ tự do tùy tiện, ngẫu hứng, không chịu theo những qui trình chuẩn mực chặt chẽ. Tùy tiện khác xa với linh hoạt và sáng tạo của nghề giáo.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo

Để các nhà giáo có thể đảm nhiệm tốt vai trò của mình trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, cần phải có những đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: Việc làm đầu tiên là cần phải đổi mới nhận thức về bồi dưỡng tay nghề nhà giáo. Bản thân mỗi nhà giáo, các bộ phận quản lý giáo dục phải coi công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng nghiệp vụ nhà giáo là nhiệm vụ cấp bách. Bồi dưỡng tay nghề phải gắn với thực tiễn giáo viên đang giảng dạy và phải tuyển chọn người dạy từ chính những người có tay nghề giỏi.

Phải ý thức được bồi dưỡng tay nghề cho giáo viên khác với bồi dưỡng nâng cao nhận thức. Tức là sau khi được bồi dưỡng nâng cao nhận thức và được thực hành tay nghề, giáo viên phải tự nâng cao tay nghề bằng việc tự trải nghiệm một số thời gian nhất định trên lớp, khi nào giáo viên đủ tự tin, tự khẳng định mới mời người đến kiểm tra, đánh giá, cấp chứng chỉ giáo viên đạt “trình độ thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy”. Cách bồi dưỡng đến đâu cấp chứng chỉ đến đó sẽ dần dần tuyển chọn được đội ngũ nhà giáo có chất lượng, có nghiệp vụ, có tay nghề và làm việc chuyên nghiệp hơn. Giáo viên nào nhiều lần không lấy nổi chứng chỉ phải chuyển ngành.

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, cần phải xây dựng trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ tay nghề nhà giáo ở các tỉnh, thành, quận, huyện. Để đào tạo lại toàn bộ đội ngũ giáo viên hiện nay về tay nghề, nghiệp vụ sư phạm theo đúng yêu cầu đổi mới giáo dục, không thể chỉ giao khoán cho các trường Sư phạm làm được mà phải để Sở GD&ĐT các tỉnh thành chủ động hoặc kết hợp với các trường sư phạm để cùng giải quyết. Đối với những GV cốt cán cùng cần có những chế độ chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho họ phát huy tốt năng lực và vai trò của mình.

(Theo GDTD)

Về chúng tôi

Error

Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, luôn ý thức được trọng trách lớn lao của mình, và không ngừng phấn đấu trở thành một trong những trường THPT chuyên hàng đầu của Việt Nam

Bài viết mới nhất

Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam khánh thành không gian học tập xanh

Khánh thành công trình thanh niên sáng tạo của tuổi trẻ trường Ams

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÀ NỘI – AMSTERDAM TIẾP ĐÓN ĐOÀN ỦY BAN GIÁO DỤC QUỐC HỘI PHILIPPINES

Danh mục

Từ khóa

Những bài viết liên quan