Thí sinh dự thi chiều 9/7. Ảnh: Giang Huy |
Tại điểm thi Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐHQG Hà Nội), nhiều thí sinh tâm đắc với câu 1, hỏi về tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp với nền kinh tế Việt Nam.
Đây được xem là câu gỡ điểm cho các thí sinh vì nội dung không quá phức tạp, dễ nhớ, một số em học thuộc lòng câu này chỉ mất khoảng 15 phút để "chép" từ trong đầu ra và tập trung nhiều thời gian cho các câu sau.
Em Tô Ngọc Anh Minh (Mỹ Đình, Hà Nội) tự tin với phần thi của mình vì các câu hỏi không bất ngờ, ít mốc lịch sử và đều nằm trong sách giáo khoa. Anh Minh chỉ tốn 2/3 thời gian để làm trọn vẹn 4 câu. Không những làm bài tốt, khi hỏi vào phần nào Minh cũng đọc vanh vách, liệt kê chi tiết từng dữ kiện nhỏ.
"Em làm một mạch hết 2 tờ giấy thi rồi nộp bài ra về. So với năm ngoái môn sử nhẹ nhàng hơn, không cần phải học tủ vẫn có thể làm bài tốt. Em dự tính được khoảng 7 điểm, sáng nay môn Văn em cũng làm khá ổn nên áp lực môn cuối cùng hoàn toàn không có" - Minh cười.
Các thí sinh đều mất nhiều thời gian cho câu 2 vì đây là dạng câu hỏi tổng hợp. Theo các sĩ tử, với câu hỏi này sĩ tử nào "ôm tủ" chắc chắn sẽ thành "tử sĩ" và bị mất nhiều điểm.
Mai Thị Phương (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết: "Em dành khá nhiều công sức cho câu 2 vì phải xâu chuỗi các sự kiện bao gồm: ngày tháng năm, nhớ lại bối cảnh của từng thời kỳ từ năm 1919 đến năm 2000, đặc biệt là nội dung chính của thời kỳ diễn ra sự kiện quân và dân ta đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp. Câu này nếu bạn nào không đọc kĩ đề sẽ sót ý, còn nếu muốn đạt điểm cao phải biết cách phân tích tổng hợp dựa trên chuỗi sự kiện."
Mặc dù đề khá "nhẹ nhàng" nhưng một số em cho rằng đề thi chỉ mang tính chất kiểm tra kiến thức là chính, vẫn "khô cứng" và đậm chất "lịch sử" mà mờ nhạt yếu tố thời sự, các vấn đề "nóng" chưa được đề cập nên bài thi mang hơi hướng "trả bài" nhiều hơn.
Đánh giá về đề thi năm nay, thầy Khuất Duy Dũng (giáo viên bộ môn Lịch Sử, Trường THPT Amsterdam Hà Nội) nhận định: "Đề vừa sức với học sinh, các câu hỏi đều nằm trong chương trình học, cách hỏi rõ ràng, nội dung trải đều các phần. Đề thi năm nay đã hướng đến người học, với mức đề này, những em có học lực trung bình khá trở lên có thể hiểu, nắm bắt được yêu cầu và làm tốt khoảng 70% vì đề không nặng về tư duy theo hướng dành cho học sinh giỏi.
Ngoài ra, đề có tính phân loại học sinh qua một số cách hỏi hay như: "Khái quát nội dung chính của thời kỳ diễn ra sự kiện quân và dân ta đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp", đây chính là câu hỏi phân loại học sinh giỏi. Có hai vấn đề mà các em phải giải quyết: thời kỳ lịch sử diễn ra sự kiện và nêu rõ cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Nếu thuộc phần kiến thức về Điện Biên Phủ thì các em sẽ làm được.
Hoặc ở câu số 3: "Cuối tháng 3 - 1975 Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có quyết định gì để hoàn thành sớm quyết tâm giải phòng miền Nam? Quyết định đó được đề ra dựa trên những cơ sở nào? Tóm tắt diễn biến của chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4 - 1975)". Với cách hỏi lộn như trên, học trò phải hiểu bản chất của vấn đề, vững kiến thức thì mới có nội dung trình bày phù hợp với yêu cầu đưa ra. Tóm lại, với đề thi xứng tầm như trên, các thí sinh có lực học khá không quá khó để đạt 7, 8 điểm."
Theo Vietnamnet
Hằng Anh (Văn 10-13)