Đây là phương án đề xuất của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lâp Việt Nam (VIPUA). Phương án này xuất phát từ thực tế trong năm hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng chỉ cách nhau một tháng. Đây là hai kỳ thi quốc gia gần nhau, có nội dung đánh giá giống nhau.
Nhận thấy đây là điều bất cập, hạn chế, lãng phí tiền của của nhân dân, gây khó khăn cho thí sinh và người nhà, đặc biệt gây khó khăn cho các trường. Hiệp hội đã tổ chức một số cuộc hội thảo, nghiên cứu và đề xuất phương án đổi mới thi và tuyển sinh. Cuối năm 2010 đã gửi văn bản kèm theo Đề án (dự thảo) trình Bộ GD&ĐT, đề nghị Bộ chủ trì xây dựng một phương án thi tuyển sinh phù hợp.
Khi Luật Giáo dục đại học được ban hành và có hiệu lực từ tháng 1/2013, Hiệp hội đã có công văn đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện luật, trong đó có Điều 34 về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học về tuyển sinh cần phải được thực hiện ngay từ mùa tuyển sinh năm 2013, không có lý do gì chậm trễ thực thi điều luật này.
Tuy nhiên đến nay công việc thi và tuyển sinh vẫn giữ nguyên như cũ. Bộ GD&ĐT cho rằng thi “ba chung” sẽ còn kéo dài đến hết năm 2015. Như vậy công sức của Quốc hội xây dựng Luật GDĐH là rất lớn nhưng đã bị vô hiệu hóa bởi cơ quan cấp bộ.
Do đó, Đề án tuyển sinh mà Hiệp hội xây dựng tập trung vào những vấn đề trọng tâm cấp bách như: Tổ chức một kỳ thi sau THPT trên phạm vi toàn quốc, kế thừa ưu điểm của hai kỳ thi trước, đảm bảo một thang đo thống nhất trình độ học vấn THPT trên cơ sở thi 8 môn văn hóa, có tính đến các yếu tố vùng miền.
Đảm bảo công bằng, khách quan về đánh giá trình độ học vấn, tạo điều kiện để tuyển chọn người học cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và nghề nghiệp khác.
Với Đề án này đảm bảo giảm thiểu tiêu cực, phù hợp với điều kiện hiện hành, từng bước hoàn thiện phương án, không tạo nên xáo trộn sau mỗi giai đoạn phát triển. Đảm bảo sự đồng thuận của các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và dạy nghề, từ người học đến dư luận xã hội.
Cụ thể, phương thức thi vẫn thi theo “ba chung” (chung đề thi, chung đợt thi, chung kết quả thi). Đề thi vẫn do Bộ GD&ĐT chủ trì khâu ra đề thi đảm bảo nằm trong chương trình, an toàn bí mật đề thi, đáp án chính xác thống nhất. Bộ cùng các Sở GD&ĐT địa phương, có huy động cán bộ giáo viên các trường đại học cao đẳng trên địa bàn tham gia tổ chức kỳ thi cùng đợt trên phạm vi cả nước. Do tổ chức một kỳ thi nên gọn nhẹ, có thời gian để giáo viên nghỉ hè và dự các đợt tập huấn nâng cao nghiệp vụ trong dịp hè.
Phương án này sẽ đánh giá trình độ học vấn THPT qua 8 môn thi là: Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ. Đây là các môn văn hóa rất cơ bản, là nền tảng kiến thức phổ thông, đã từng được chọn làm môn thi trong các tổ hợp 3 môn hay 6 môn thi của hai kỳ thi nhiều năm qua.
Từng bước chuyển từ phối hợp đề thi trắc nghiệm khách quan với đề thi tự luận, tiến đến hầu hết các bài thi bằng đề trắc nghiệm khách quan với mỗi thí sinh một đề để giảm tiêu cực trong tổ chức thi và chấm thi.
Đề xuất tổ chức thi cùng đợt vào thời gian thích hợp, có thể thi vào giữa tháng 7 hàng năm, thời gian 4 ngày thi 8 buổi (mỗi bài thi một buổi). Chấm bài trắc nghiệm khách quan bằng máy.
Sử dụng thang điểm rộng để đánh giá kết quả thi. Đề nghị xây dựng thang điểm rộng 400 điểm, mỗi môn thi 50 điểm: (8 môn X 50 điểm = 400 điểm). Dùng thang điểm rộng là phù hợp xu thế chung của thế giới ngày nay.
Điểm tốt nghiệp cho các thí sinh, sau khi đã cộng điểm theo vùng miền và diện ưu tiên chính sách, từ 200 điểm trở lên. Với phổ điểm rộng này đảm bảo có sự bù trừ về năng khiếu, lực học của học sinh, thể hiện trong làm bài thi có môn khá bù cho các môn yếu, dẫn đến tổng điểm 8 môn đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện, hầu hết các học sinh học lực trung bình, học sinh chăm chỉ đủ điều kiện thi sẽ đạt yêu cầu từ tổng điểm tốt nghiệp trở lên.
Các cơ sở đào tạo căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh, yêu cầu trình độ và loại học vấn chung của cơ sở hay từng ngành đào tạo của cơ sở, phổ kết quả điểm thi của thí sinh cả nước và vùng địa phương để thiết kế tổ hợp các môn văn hóa và tổng điểm thi các môn đó cho từng ngành đào tạo của trường; có thể lấy hệ số hai (2) cho môn văn hóa mà ngành nghề đào tạo cho là quan trọng. Đồng thời phải tính cộng điểm ưu tiên theo vùng miền, theo đối tượng ưu tiên chính sách của Nhà nước (thực hiện theo qui định chung của Bộ GD&ĐT).
Thí sinh tốt nghiệp THPT mới được xét tuyển vào các trường đào tạo đại học, cao đẳng. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước nhưng không đỗ đại học cao đẳng, muốn tham gia xét tuyển sinh đại học cao đẳng năm sau chỉ cần đăng ký tham gia thi lại các môn theo phương án xây dựng điểm chuẩn của trường mà thí sinh có nguyện vọng xin vào học.
Đề xuất này Hiệp hội dựa trên các nguyên tắc và cơ sở: Nội dung học vấn và hình thức của hai kỳ thi là giống nhau (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng). Kiến thức thi là kiến thức THPT – Bản chất cùng là đánh giá trình độ học vấn THPT của thí sinh, chỉ có đòi hỏi mức độ đánh giá là khác nhau.
Tổ chức thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh hiện hành: đều có 3 chung (chung đợt, chung đề và đáp án, chung điểm sàn). Thực chất hai kỳ thi này có sự khác nhau rõ ràng. Thứ nhất, thi tốt nghiệp THPT là thi nhằm mục đích đánh giá trình độ học vấn qua 6 môn thi để công nhận tốt nghiệp THPT( tùy từng năm mà tổ hợp 6 môn thi từ các môn văn hóa: Văn, Toán, Lý, Hóa, Sử, Địa, Sinh, Ngoại ngữ).
Thứ hai, thi tuyển sinh đại học là thi tuyển chọn theo trình độ học vấn được đánh giá qua 3 môn thi (tùy theo khối thi mà có sự tổ hợp 3 môn thi từ các môn văn hóa khác nhau: Văn, Toán, Lý, Hóa, Sử, Địa, Sinh, Ngoại ngữ).
Như vậy, dù mục đích hai cuộc thi khác nhau, nhưng đều dựa trên kết quả chung là trình độ học vấn được đánh giá qua kỳ thi, chủ yếu các môn thi được tổ hợp từ 8 môn văn hóa: Văn, Toán, Lý, Hóa, Sử, Địa, Sinh, Ngoại ngữ.
Hơn nữa, về bản chất hai kỳ thi nói trên có thể lồng ghép làm một: Trên thực tế từ năm 2008 trong các cuộc họp chuyên đề về cải tiến thi tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã đề cập vấn đề cải tiến thi để tránh tốn kém, nặng nề, gây căng thẳng cho xã hội. Dư luận phản ánh nhiều về tình trạng gây căng thẳng bởi 2 kỳ thi cách nhau 1 tháng, kiến thức của học sinh chỉ có như vậy, liệu có thể nghiên cứu để lồng ghép hai kỳ thi trong một.
Các môn thi là: Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ. Đây là các môn văn hóa rất cơ bản, là nền tảng kiến thức phổ thông, đã từng được chọn làm môn thi trong các tổ hợp 3 môn hay 6 môn thi của hai kỳ thi nhiều năm qua.
(Theo GDVN)