Ảo, lỗ và sẽ tiếp tục… ảo!
Học viện Tài chính có tổng số 12.345 thí sinh đăng ký dự thi, nhưng chỉ có 49% thí sinh đến dự thi. Trường này báo số thí sinh ảo chiếm 51% và phải bù khoảng 700-800 triệu đồng cho kỳ thi tuyển sinh.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng chỉ có 49,8% số thí sinh đến dự thi nhưng theo ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng Phòng Đào tạo thì nhà trường vẫn phải đảm bảo quy chế tuyển sinh với điều kiện: Phòng thi không quá 40, trong khi có phòng thi chỉ có 20%-30% số thí sinh dự thi! Ngoài ra, chi cho đoàn cán bộ đi làm thi ở Hải Phòng 200 triệu; chi cho đoàn đi Vinh nhiều hơn thế…
ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG HN), mặc dù có tới 8 ngành hỗ trợ kinh phí cho người học, ít nhất bằng mức thu học phí, nhưng cũng chỉ đạt 55% thí sinh đến dự thi.
TS Trịnh Thị Thúy Giang cho biết, các trường lỗ to với chi phí cho cơ sở vật chất và tổ chức thi. Lấy ví dụ, số tiền thực thu trên đầu một thí sinh là 80.000 đồng nhưng gửi một thí sinh đi thi ở các cụm khác phải trả lệ phí từ 150 đến 180 nghìn đồng.
Tuy nhiên, nỗi lo thí sinh ảo ở “đoạn” đi thi này vẫn còn nhỏ so với nỗi lo thí sinh ảo ở giai đoạn xét tuyển sắp tới.
Số là năm nay, ngành GD&ĐT đổi mới tuyển sinh bằng cách cho phép các trường tuyển sinh đến 30-11 và mỗi thí sinh có 2 giấy báo điểm để gửi xét tuyển đến các trường tuyển từ nguyện vọng 2 trở đi.
Thậm chí, thí sinh có thể dùng thêm bản điểm phô-tô-cóp-pi. Mọi việc diễn ra rồi mới thấy rối, diễn ra rồi mới thấy ảo nhưng vẫn phải chấp nhận cả hai loại giấy báo mới tuyển đủ học sinh…
Thí sinh tại kỳ thi ĐH, CĐ đợt 1
Chỉ những ĐH tốp đầu mới nên tổ chức thi
Qua 2 ngày thi, theo ông Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính HN, có thể dự báo điểm sàn khối A năm nay sẽ cao hơn năm trước. Và, theo đó điểm chuẩn của Học viện Tài chính Hà Nội cũng sẽ cao hơn năm trước (20,0 điểm) ít nhất là 1 điểm.
Lãnh đạo Đại học Mỏ địa chất HM cũng dự báo điểm chuẩn cao hơn năm trước (năm 2011 điểm chuẩn trường này kéo phổ biến từ 14,5 đến 17,0 điểm tùy theo ngành. ĐHBK, ĐH Thái Nguyên và một số trường ĐH khác đều đưa ra nhận xét tương tự.
Kỳ thi tuyển sinh vất vả cho người tổ chức thi, người đi thi nên dần dần phải đổi mới thi cử ở Việt Nam. Đó là ý kiến của ông Ngô Thế Chi. Theo ông Chi, ở bậc học phổ thông không cần thi tốt nghiệp mà học sinh chỉ cần học hết các môn học là được cấp bằng tốt nghiệp.
Ở bậc ĐH, chỉ những trường ĐH lớn, đứng ở tốp đầu mới tổ chức thi, những trường ĐH tốp sau chỉ nên xét tuyển. Làm như vậy sẽ đỡ được nhiều chi phí tốn kém của xã hội.
Trong cả 3 buổi thi đợt I, toàn quốc có 129 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, tăng 3 trường hợp so với cùng kỳ 2011 (khiển trách 27; cảnh cáo 6, đình chỉ 92 và 4 thí sinh đến muộn không được dự thi), có 2 cán bộ bị xử lý kỷ luật đình chỉ.
|
Lê Đức Thuận (Theo Tiền phong)